Báo động nạn xâm hại tình dục trẻ em khi “yêu râu xanh” là người thân khó đề phòng

Mai Thu - Cẩm Mịch

Xâm hại tình dục trẻ em những năm qua đang trở thành vấn nạn. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng này giống như “thầy bói xem voi”, chúng ta đang nhìn vào một số liệu không chính xác rồi đưa ra những giải pháp “không đến đầu đến đũa”. Để các vụ xâm hại tình dục trẻ em được giải quyết triệt để, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị bảo vệ trẻ em, cần làm nhanh, dứt khoát để tránh tổn thương cho những đứa trẻ.

Con số nhói lòng

Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Theo báo cáo của Đoàn giám sát do bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trình tại phiên họp cho hay, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ bị xâm hại (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Trong đó, số trẻ em bị xâm hại tình dục là 6.432 em; bạo lực 857 em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt 106 em; các hình thức xâm hại khác là 1.314 em.

Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội nhận định, tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian tới tiếp tục phức tạp, có chiều hướng gia tăng với 90% số vụ đối tượng xâm hại là người ruột thịt, thân quen... Đoàn giám sát nhận định, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.

Mới đây nhất, sự việc một cụ ông khiếm thị 68 tuổi nghi giở trò đồi bại với bé gái T. 9 tuổi tàn tật tại Hà Tĩnh khiến dư luận bức xúc. Cụ ông khiếm thị là hàng xóm của bé gái 9 tuổi, và được cụ ông dẫn vào nhà để giở trò đồi bại. Phát hiện sự việc có nhiều biểu hiện nghi vấn, người dân trong thôn đã nhanh chóng báo cho bà Lê Thị B. (65 tuổi, là bà nội của cháu T.).

Ngày 29/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) bắt tạm giam ông Đỗ Bảo Thành (SN 1956, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) để điều tra về tội hiếp dâm. Vụ việc được xảy ra đã lâu, từ ngày 19/12/2019, Công an huyện Tiên Yên đã tiếp nhận đơn thư của gia đình cháu M.T.T (SN 2003, trú tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) trình báo về việc cháu bị một người đàn ông cùng xã nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm dẫn tới có thai vào tháng 5/2019. Cơ quan chức năng huyện Tiên Yên lập tức xác minh, xác định nghi phạm là Đỗ Bảo Thành, cùng địa phương với cháu bé bị xâm hại.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Đỗ Bảo Thành về tội Hiếp dâm. Như vậy, phải đến 1 năm sau kẻ có hành vi đồi bại với cháu T. bị gia đình tố cáo, cơ quan chức năng mới tìm ra nghi phạm.

Để xảy ra liên tiếp những sự việc xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối) nhận định: “Mức độ nhận thức, đánh giá của một số cơ quan tố tụng khi đánh giá về tội danh và xử lý, điều tra, truy tố những sự việc hiếp dâm trẻ em không làm chặt chẽ. Một điều mà cũng đang đặt rất nhiều dấu hỏi đó chính là việc gia đình nạn nhân đến trình báo con mình bị xâm hại tình dục nhưng cơ quan chức năng để quá lâu, như vậy sẽ rất khó trong việc xác minh và đến khi giám định thì không còn dấu vết của kẻ dâm ô. Mặt khác các thông tin bảo mật ở một số cơ quan chức năng không được chặt chẽ”.

Cũng theo luật sư Hùng, chính điều này đã khiến không ít gia đình có con bị xâm hại tình dục không muốn tố giác vì nó liên quan đến quyền con người. Vậy nên, trước hết chúng ta phải có cơ chế bắt buộc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết những vụ việc xâm hại tình dục ở trẻ em. Cơ quan chức năng sau khi nhận được đơn phải đưa đi giám định, điều tra và lấy lời khai ngay. Cần có những biện pháp nhanh chóng, khách quan để làm rõ hành vi phạm tội của những đối tượng nghi ngờ xâm hại tình dục trẻ em.

Người thực thi công vụ chưa nghiêm túc, làm chưa “đến nơi đến chốn”

Trao đổi với PV về tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ: “Những vụ việc xâm hại tình dục hiện nay không được tố cáo nhiều là do những người thực thi công vụ chưa thực sự nghiêm túc, việc các cơ quan công quyền không có trách nhiệm, không giải quyết được “đến nơi đến chốn”, dẫn đến nhiều hệ lụy, khiến nạn nhân và gia đình đau khổ...

Bên cạnh đó, do luật pháp của chúng ta cũng không thực sự nghiêm minh, có thể đưa ra rồi nhưng lại xử rất nhẹ hoặc tìm cách hòa giải, dẫn đến mất lòng tin của người dân, chẳng muốn đưa ra những vụ việc như vậy, vì đưa ra mà không được giải quyết thì chỉ thêm nhục nhã, bị kỳ thị nặng nề hơn.

Chưa kể, chuyện thực thi pháp luật ở Việt Nam hiện nay vẫn còn xuất hiện những câu chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Nhiều vụ việc được đưa lên rồi lại “chạy án”, nhiều vụ oan sai, kẻ làm bậy lại được bao che, không được xử lý nên người dân mất lòng tin, chẳng ai còn muốn tố cáo. Đó là những nguyên nhân khiến nhiều vụ xâm hại trẻ em bị chìm vào im lặng. Đoàn giám sát Quốc hội đưa ra những con số kia trong vòng bao nhiêu năm, theo tôi, chỉ là một con so rất nhỏ so với thực tế thôi, còn rất nhiều vụ việc đau lòng không được đưa ra ánh sáng”.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, khi chúng ta viết được bức tranh thực tế lên thì mới có thể đề ra những giải pháp thực sự phù hợp. Còn như hiện tại, chúng ta giống như “thầy bói xem voi”, nhìn vào những số liệu không chính xác rồi đưa ra những giải pháp “không đến đầu đến đũa”. Năm nào cũng đưa câu chuyện ra mà không giải quyết được gì.

Còn bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định: “Theo tôi được biết, có những vụ việc xảy ra là người thân trong gia đình nên không trình báo, hoặc có trường hợp trình báo nhưng cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ để buộc tội. Thậm chí, có những vụ việc sau khi tiếp nhận thì xử lý chậm trễ và không đúng tội danh, khiến gia đình bị hại bức xúc...”.

Đề cập đến vấn đề giám sát cộng đồng, bà Ninh Thị Hồng nhận định, quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò truyền thông, tập trung phòng ngừa, không để xảy ra những tình trạng như vậy. Cần phải chú ý truyền thông nhóm nhỏ cho từng nhóm đối tượng thì mới hiệu quả. Chẳng hạn, đối với những người chưa có trình độ, ở vùng sâu vùng xa, cần trao đổi cặn kẽ, chia sẻ những dẫn chứng cụ thể để họ thấy được, nếu không tố cáo thì kẻ phạm tội vẫn còn nhởn nhơ, sẽ có thể tiếp tục xâm hại thêm những trẻ em khác. Vì vậy, phải tố cáo. Và đó là trách nhiệm của truyền thông cần phải đẩy mạnh vai trò.

"Cha mẹ cần gạt sĩ diện, địa phương đừng “mắc bệnh” thành tích"

Đưa ra quan điểm với PV, TS. tâm lý Nguyễn Kim Quý (Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em, hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam) cho rằng những vụ xâm hại tình dục trẻ em không được giải quyết triệt để và đang có chiều hướng gia tăng.

TS. Nguyễn Kim Qúy cho hay, nhiều cha mẹ khi phát hiện con bị xâm hại tình dục nếu họ tố cáo thì có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài, tạo ra tin đồn, dư luận lên án mà con họ vẫn sống ở địa phương. Mặt khác, sĩ diện của cha mẹ còn quá lớn nên muốn giấu, họ nghĩ đến thanh danh gia đình và nghĩ đến con mình.

Một điểm nữa, nhiều gia đình họ nhìn xung quanh những vụ xâm hại quá nhiều nhưng xử lý chưa tới, cơ quan chức năng thì luôn đòi hỏi tang chứng, vật chứng. Các gia đình quyết tâm đưa ra vụ việc như kiểu trót “đâm lao theo lao”, nếu dừng lại sẽ bị mọi người chê cười, nhưng theo kiện vất vả, cuối cùng tay trắng.

Đặc biệt hơn, rất nhiều chính quyền địa phương vì mắc bệnh thành tích, không muốn một sự việc hoen ố mà ảnh hưởng đến bao năm phấn đấu nên muốn ỉm đi, chọn cách hòa giải, thậm chí còn gây sức ép. “Như tôi được biết, có những trường hợp sau khi xử lý xong, các em không thể ở lại địa phương mà phải đi nơi khác sống, thậm chí dư luận đeo bám cả đời.

Vụ án khép lại, vết thương tâm lý còn lớn hơn rất nhiều. Vì thế, chúng ta cần có những chế độ chính sách giải quyết triệt để. Sự việc xong, những đứa trẻ đó đi đâu, về đâu, ai sẽ là người hỗ trợ từng bước trong cuộc đời để các em trưởng thành, lớn lên? Chúng ta đừng chỉ nhìn tổn thương về sức khỏe mà cần phải phân tích cả việc tâm lý bị ảnh hưởng rất rất nhiều lần”, TS. tâm lý Nguyễn Kim Quý nêu ý kiến.

Để trẻ được sống trong một môi trường an toàn, TS. tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, cha mẹ đừng vì sĩ diện mà khiến con phải sống trong bóng tối cả đời. Chính quyền mỗi địa phương cần hiểu và nhận thức hơn về việc trẻ bị xâm hại tình dục. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu. Nên có một cơ quan đầu mối để phụ trách việc trẻ bị xâm hại tình dục vì hiện nay, ai là người quyết định và kết nối các cơ quan đoàn thể để giải quyết những vấn đề này còn chưa rõ.

M.T - C.M