Xuất khẩu lao động chui: Đổi tiền lấy sinh mạng

Xuất khẩu lao động chui: Đổi tiền lấy sinh mạng

Thứ 3, 26/03/2013 | 14:33
0
Nuôi giấc mộng đổi đời bằng cách bán sức lao động ở xứ người, song điều kiện kinh tế lại quá eo hẹp, nhiều người đã mạo hiểm đánh cược "canh bạc cuộc đời" vào một cuộc chơi đầy may rủi: "Xuất khẩu lao động chui".

Mưu sinh bằng... cá cược mạng sống

Câu chuyện đang khiến dư luận nhức nhối, đau xót, vừa xảy ra là trường hợp đi "xuất khẩu lao động chui" của anh Nguyễn Công H. trú tại khối Tân Diện, phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Vì cuộc sống còn nhiều khốn khó và mong muốn giải thoát khỏi "kiếp nghèo", nên mặc dù đã lập gia đình, yên bề gia thất, nhưng anh H. vẫn quyết tâm đi xuất khẩu lao động.

Nghe theo lời ngon ngọt của những kẻ môi giới, anh cùng gia đình đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi gom đủ số tiền theo yêu cầu để đi xuất khẩu lao động sang Angola, với hi vọng sẽ hưởng mức lương ban đầu là 800 USD, sau đó sẽ tăng lên 1.000 USD. Tuy nhiên, bao nhiêu kỳ vọng về một tương lai tươi sáng chưa thấy đâu thì tất cả đã dập tắt, gia đình anh H. đang phải đối diện với một bi kịch thống khổ: Anh H. đã bỏ mạng nơi đất khách quê người vị bạo bệnh. Điều khủng khiếp nhất với gia đình anh H. là chi phí điều trị bệnh tật của anh trước khi anh qua đời ở bệnh viện nước bạn lên tới hơn 150 nghìn USD. Do chưa có tiền thanh toán viện phí, nên bệnh viện chưa cho người nhà nhận lại thi thể người nhà. Theo tính toán, tổng chi phí, máy bay, viện phí để có thể đưa thi thể anh H. về nước đến nay rơi vào khoảng 3,5 tỉ đồng. Một số tiền khiến cho những người giàu có cũng không khỏi giật mình thon thót.

Xã hội - Xuất khẩu lao động chui: Đổi tiền lấy sinh mạng

Gia đình chưa hết đau buồn vì cái chết của anh H. đã phải đối mặt với khoản tiền 3,5 tỷ đồng mới đưa được xác anh về Việt Nam.

Điều ái ngại nhất hiện nay, khi sự việc đau lòng đã xảy ra, là anh H. đi xuất khẩu lao động một cách... bất hợp pháp. Do đó, mọi thủ tục liên quan rất phiền hà, chính thân nhân của anh H. cũng không biết phải giải quyết hậu quả như thế nào. Điều đáng suy ngẫm và nó phản ánh một thực trạng rất lo ngại, là các thị trường lao động tiềm ẩn rủi ro, đều đã được các cơ quan quản lý Nhà nước khuyến cáo. Nhưng do thiếu hiểu biết, người dân vẫn dễ dàng "dính bẫy" của những kẻ thiết lập đường dây xuất khẩu lao động phạm pháp.

Được biết, hiện các cơ quan, đoàn thể nơi gia đình anh H. sinh sống cũng đang tìm mọi cách hỗ trợ gia đình, hòng sớm tìm ra phương án giải quyết tối ưu. Nhưng xem ra, số tiền trên 3 tỉ đồng cho tổng các loại chi phí cần thiết để đưa thi thể anh H. về  nước vẫn rất nan giải.  Các vấn đề phát sinh hiện nay là một bài toán quá khó cho những người trong cuộc, nếu họ không nhận được sự hỗ trợ nào.

Để đi tìm câu trả lời cho sự việc khiến công luận nhức nhối này, PV báo ĐS&PL đã đi thực tế về tỉnh Bắc Giang, địa phương thời gian qua đã xảy ra khá nhiều trường hợp "xuất khẩu lao động chui". Từ những mảnh đời, số phận và câu chuyện có thật mà phóng viên thu thập được, những mong nó sẽ là lời cảnh tỉnh cho không chỉ riêng ai.

Qua tìm hiểu được biết, vừa qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức người vượt biên trái phép, sang một số nước châu  Á lao động phổ thông. Số lượng người trốn hiện đã lên tới hàng ngàn người. Họ kỳ vọng sang bên trời "Tây" sẽ kiếm được nhiều tiền, nhiều người dân đã chấp nhận rủi ro, bỏ gia đình, con thơ đi lao động ở xứ người. Điều đáng nói ở đây, là quyền lợi, cũng như sinh mạng người lao động không được bảo vệ.

Bão táp trên từng cây s

PV đã tìm về xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, nơi có khá nhiều người vượt biên trái phép đi lao động trong thời gian qua. Được biết, do phải nộp quá nhiều tiền để có được một suất đi lao động hợp pháp, nhiều người dân ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đành chọn con đường... xuất cảnh trái phép để kiếm việc làm. Thậm chí chính họ chấp nhận bị ăn chặn tiền, rủi ro đến tính mạng hòng đổi lấy một công việc như... chặt mía, rửa bát...

Chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị M., ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, người đã từng vượt biên trên chuyến xe thùng chật ních, kín mít, để nghe chị kể về hành trình bão táp của mình. Nhắc lại chuyến đi, chị M. vẫn chưa hết kinh hoàng. Mặc dù phải đi chui lủi, nhưng những người muốn "xuất cảnh" như chị M. vẫn phải chi phí cho môi giới là 3,6 triệu đồng/người (cho một suất vượt biên trót lọt). Trước khi xuất phát, chủ môi giới căn dặn: Tất cả không ai được mang theo bất cứ thứ giấy tờ nào, kể cả chứng minh thư nhân dân, chỉ được mang theo tiền và quần áo.

Xã hội - Xuất khẩu lao động chui: Đổi tiền lấy sinh mạng (Hình 2).

Để không gặp rủi ro nơi xứ người, người lao động nên tìm đến các công ty môi giới có uy tín thay vì tự tìm đường đi "xuất khẩu lao động chui". (Ảnh minh họa - Nguồn internet)

Tôi hỏi chị M., chị có biết như vậy là quá nguy hiểm không? Hướng ánh mắt mệt mỏi trên khuôn mặt ưa nhìn nhưng nhợt nhạt, tái xanh do bệnh thận hành hạ, giọng nói buồn bã, chị M. đáp: "Chúng tôi là người dân chân lấm tay bùn, quanh năm bám lấy đồng ruộng, có biết gì đâu. Làm mãi mà vẫn nghèo, vẫn túng, tôi lại bị bệnh thận nên đau ốm luôn. Tôi nghe người ta nói, sang bên đó đi chặt mía ở nông trường, làm theo thời vụ cũng được kha khá tiền, hết thời vụ lại trở về nhà, nên một số người dân trong huyện tôi cứ đi đi về về như vậy từ mấy năm nay rồi. Thấy họ làm được, tôi quyết định về bàn với chồng cả hai cùng đi sang bên đó".

Mặc dù bị bệnh tật, nhưng chị M. nghĩ sang đó còn có việc làm, thu nhập hơn ở nhà, nên cuối cùng chị cũng chọn con đường xuất khẩu lao động chui. Hai vợ chồng chị bàn nhau bán lợn, đi vay được một số tiền, nhưng vẫn chưa đủ 7,2 triệu đồng cho hai suất của vợ chồng chị, người môi giới "thương tình" chỉ thu trước của vợ chồng chị 2 triệu đồng, số tiền còn lại, sang bên kia lao động có tiền thì trả sau (chủ môi giới sẽ thu tiền từ tay của chủ sử dụng lao động bên kia).

Đến ngày xuất phát, vợ chồng chị M. bịn rịn chia tay gia đình và con nhỏ trong im lặng và rời nhà vào lúc chiều tà. Chị M. cho hay: "Chúng tôi lên chiếc xe thùng chẳng khác nào nhốt súc vật, vừa chật vừa hôi hám nhưng biết làm sao, nếu không, công an bắt được coi như tiền mất, tật mang. Cứ đến điểm nào có công an, chúng tôi lại phải nằm bẹp như con gián vậy. Đi hơn một ngày đường, tới địa phận sông mà tôi không nhớ là sông gì, nhìn sang bên kia toàn là nước ngập mênh mông, không nhìn thấy bờ đâu cả, trừ nơi chúng tôi đứng là đất liền. Sau này tôi nghe người ta nói đó là địa phận Sắm Trăn, Quảng Đông, Trung Quốc, giáp với bờ biển Hồng Kông. Hết đi ôtô lại sang đi thuyền, thuyền chỉ bắt đầu xuất phát vào buổi tối và di chuyển vào ban đêm, đến lúc mặt trời rạng sáng họ mới bỏ lưới ra và bảo chúng tôi chạy thật nhanh vào những nhà người dân ở gần đó để tránh mắt các cơ quan an ninh nước sở tại. Chúng tôi nằm hàng giờ liền trên thuyền cũng chẳng có mái che, gió lạnh và đói khát...

Sau chuyến vượt biên đầy gian nguy đó, họ phân công chúng tôi thành nhiều nhóm, nhóm đàn ông may mắn hơn chúng tôi, họ được đi làm điện  lạnh trong các nhà máy, còn phụ nữ chúng tôi làm giúp việc trong gia đình, chăm sóc người già, ốm đau. Một số người rửa bát trong nhà hàng khách sạn, số người này phải là những cô gái còn trẻ. Tôi là một trong những người đi giúp việc trong gia đình, mới được ít thời gian thì tôi phát bệnh nặng, nên nhà chủ không cho tôi làm việc tiếp nữa, họ thanh toán tiền và cho tôi về nước. Nói đến đây nước mắt chi M. tuôn trào. Cay đắng hơn, ngày về, tới địa phận biên giới, nhóm người của chị M. bị cướp trấn lột hết tiền, không còn đồng nào mang về...

Đổi 200 triệu đồng lấy một suất... chăn dê?

Bên cạnh đó, cũng phải nói đến nhiều người Việt Nam đi lao động phổ thông ở nước ngoài, họ không quản ngại công việc, chịu khó, chăm chỉ làm việc để kiếm sống chân chính. Song ít ai biết rằng, số tiền họ bỏ ra và công việc khi họ đi theo các công ty môi giới cũng gặp không ít gian nan. Để tìm hiểu vấn đề trên, chúng tôi đến tìm gặp chị Nguyễn Thị H. ở thành phố Bắc Giang. Chị H. cho biết: "Sau khi nộp 110 triệu đồng, tôi được công ty môi giới cho đi học 10 ngày sơ đẳng về giúp việc gia đình.

Ngày đầu tới đảo Síp, tôi được phân công giúp việc, chăm sóc cho một người bị liệt cả hai chân, ông ta nặng tới 140kg, phải ăn bằng ống xông. Nhiều khi ăn, ông ta ho, sặc phun đầy cháo, sữa vào người vào mặt tôi, những lúc như vậy tôi chỉ muốn rời bỏ ngay và trở về nhà với gia đình mình. Nhưng nghĩ tới khoản tiền 110 triệu đồng mà tôi phải thế chấp sổ đỏ, mới có được một suất đi sang xứ người làm thuê, tôi đành nuốt tủi vào trong. Công việc rất vất vả, đã vậy vợ ông ta lại luôn ngấm nguýt tôi, mỗi khi bà nói mà tôi không hiểu.

Chưa hết, đến khi nào ông ta ngủ, bà ta lại lôi tôi đến nhà anh trai và chị gái của bà ta bắt tôi dọn dẹp nhà cửa cho họ. Tôi tính có ngày tôi phải làm việc đến 18 tiếng. Đến khi tôi nói chuyện với người hàng xóm về việc tôi sang đây phải nộp 110 triệu đồng và phải làm vất vả, bà này đáp: Sao không lên gặp chủ lao động nước bạn mà thắc mắc, còn tiền sao lại thu của các bạn nhiều như vậy?".

Theo chị H, tìm hiểu, thực tế chỉ phải nộp 800E (tiền của Síp) tương đương 20 triệu đồng Việt Nam là đủ??! Song chị cũng cho hay, thực tế, không ít người đi sang đảo Síp bằng con đường khác phải nộp cho chủ môi giới hơn 200 triệu đồng, nhưng thực chất cũng chỉ là làm vườn, hoặc chăn dê (!?).

Suy cho cùng, điều chúng tôi ghi nhận được khi thực hiện bài viết này và qua đó muốn nhắn nhủ rằng: Mỗi con người đều phải chịu trách nhiệm cho những quyết định về số phận của mình, nhưng với bất kỳ công việc nào, dù là để mưu sinh, thì xin hãy đừng đánh đổi nó bằng mạng sống của chính mình.           

Ông Vũ Văn Tường- phó trưởng phòng An ninh điều tra công an tỉnh Bắc Giang cho biết: "Hiện nay số người  xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đại đa số là người dân thuộc ba huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam. Số người vượt biên đã lên tới hàng nghìn người, đây là hiện tượng nhức nhối trên địa bàn tỉnh, khiến cho những cơ quan quản lý không thể không suy nghĩ. Các cấp, chính quyền địa phương, phải tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu được, việc xuất nhập cảnh trái phép của họ là vi phạm pháp luật. Đồng thời chính quyền địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ họ, về công ăn việc làm, nhằm nâng cao đời sống, góp phần ngăn cản họ không ra đi bất hợp pháp như vậy. Vì việc ra đi của họ không chỉ là vi phạm luật pháp, mà bản thân họ không được bảo vệ về tính mạng, cũng như những quyền lợi hợp pháp".
Vừa qua công an tỉnh Bắc Giang đã có kết luận điều tra về vụ án hình sự đối với Phạm Văn Bắc (ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), Trần Thị Thanh, Trần Văn Công, Trần Văn Làng… đã có hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, xâm phạm trật tự quản lý xuất nhập cảnh của Nhà nước, xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài quy định tại khoản 2 - Điều 275 - BLHS.

Lương Liễu

Một người dân bị đâm chết tại Công ty Xuất khẩu lao động

Thứ 3, 22/01/2013 | 16:44
Khi hai bố con anh Hạnh đang yêu cầu Công ty xuất khẩu lao động hoàn trả lại số tiền cọc thì một nhóm thanh niên xông vào lôi anh Hạnh ra ngoài và hành hung. Một đối tượng đã dùng dao đâm từ phía sau khiến anh Hạnh tử vong.

Xét xử vụ lừa xuất khẩu lao động sang Úc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
Lợi dụng sự cả tin của nhiều người, Dương Hoài Châu đã lừa họ rằng có thể đưa họ đi xuất khẩu lao động ở Úc và chiếm đoạt 319.000 USD.

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Hiện nay trung tâm môi giới, hoặc trung gian làm thủ tục xuất khẩu lao động đi các nước trên địa bàn Hà Nội rất nhiều. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng thời gian vừa qua cũng đã khám phá không ít những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động.

Lừa cô gái 20 tuổi xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Công an quận Hoàng Mai đang điều tra làm rõ vụ việc một phụ nữ trẻ lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.