Theo Avia-pro, máy bay trực thăng tấn công Ka-52 của Nga đã thách thức bay qua vùng lãnh thổ Syria vốn thuộc sự kiểm soát của Mỹ và liên minh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các lực lượng quân sự do Mỹ kiểm soát liên tục có hành động gây hấn. Động thái mới của Nga thể hiện sự sẵn sàng tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ.
Trong đoạn video mới được phát hành, có thể thấy rõ trực thăng chiến đấu Ka-52 của Nga bay lượn xung quanh các mục tiêu quân sự của Mỹ ở độ cao thấp, thể hiện sự kiểm soát và sẵn sàng tấn công trong trường hợp bị Mỹ và các nhóm vũ trang bất hợp pháp tấn công.
Được biết, lực lượng Mỹ không thể phát hiện trực thăng của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang tiếp cận, tuy nhiên sau đó Mỹ đã không thực hiện các hành động khiêu khích, vì sợ rằng điều này sẽ chỉ khiến căng thẳng leo thang.
Đáng chú ý là, theo dữ liệu được báo cáo trước đó, Nga đã loại trực thăng Ka-52 ra khỏi cuộc chiến Syria, tuy nhiên, sự xuất hiện của một trong số máy bay này tại quốc gia Trung Đông có thể cho thấy rằng những chiếc máy bay cánh quạt này đã quay trở lại Cộng hòa Ả Rập một lần nữa. Và rõ ràng máy bay này đang chuẩn bị đối phó với mọi mối đe dọa, bao gồm cả các chiến binh và khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng như các đối thủ khác.
Mỹ vận chuyển vũ khí, đồ hậu cần cho căn cứ ở Bắc Syria
Theo hãng tin Syria (SANA), thông tin nguồn cho biết, vài ngày trước đoàn xe tải gồm 24 chiếc chất đầy các thùng vũ khí, đạn dược, tủ lạnh, hướng tới căn cứ của Mỹ ở thành phố al-Shaddadi, phía Nam al-Hasaka, miền Tây Bắc Syria.
Trước đó, hôm 12/4, quân đội Mỹ đã vận chuyển 41 thùng dầu lấy từ vùng nông thôn Hasaka qua biên giới đến các căn cứ của Mỹ ở nước láng giềng Iraq.
Vào tháng 1, SANA cáo buộc quân đội Mỹ đã vận chuyển 70 thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS từ các nhà tù do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà người Kurd kiểm soát ở al-Hasakah của Syria đến căn cứ của lực lượng này ở khu vực At Tanf, biên giới Syria-Jordan. Hãng tin này cho biết thêm, căn cứ quân sự ở khu vực At Tanf đóng vai trò là “nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố trong khu vực".
Lực lượng Mỹ đã được triển khai tới Hasakah và Deir ez-Zor, 2 tỉnh giàu dầu mỏ nhất của Syria. Syria nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế tố cáo sự hiện diện quân sự của Mỹ tại nước này là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Syria, đồng thời chỉ ra rằng họ đang nhắm đến kiểm soát các mỏ dầu ở miền Bắc Syria.
Trước đó, hồi tháng 8/2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận rằng công ty dầu mỏ Delta Crescent Energy của Mỹ đã đạt được thỏa thuận hiện đại hóa các mỏ dầu do lực lượng dân quân người Kurd kiểm soát. Thỏa thuận này bị chính phủ Syria chỉ trích là nhằm “đánh cắp dầu mỏ của Syria”.
Hồi năm 2018, theo cam kết tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về kế hoạch rút quân khỏi Syria để chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Trump đã thay đổi ý định, nói rằng sẽ vẫn cần một lực lượng binh sĩ Mỹ ở đông bắc Syria để “bảo vệ dầu mỏ”. Tổng thống Joe Biden không đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm.
Cuối tháng 2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga đã nhận thông tin nói rằng Mỹ có kế hoạch ở lại Syria vô thời hạn.