Bất ngờ với những chiêu moi tiền chủ của kẻ làm công

Bất ngờ với những chiêu moi tiền chủ của kẻ làm công

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Ngoài mức lương chính vài triệu đồng /tháng, nhiều nhân viên các nhà hàng nếu lấy được lòng tin của các ông bà chủ còn sử dụng các chiêu móc tiền rất ngoạn mục, thu nhập thêm vài chục triệu đồng.

Rút ruột chủ 30 triệu /tháng

Theo rỉ tai của một người bạn có thâm niên làm bếp hơn 10 năm, tôi được biết một số người làm bếp kiêm nhận hàng có thu nhập khủng do biết cách rút ruột chủ và người đưa hàng. Để chứng minh lời nói của mình, người bạn ấy kể cho tôi nghe về trường hợp của Tuấn - một người bạn thân của anh.

Xã hội - Bất ngờ với những chiêu moi tiền chủ của kẻ làm công

Ảnh minh họa

Có dì ruột làm quản lý tại một nhà hàng trên phố Hàng Buồm, Tuấn (Vĩnh Phúc) được nhận vào làm phụ bếp. Nhờ sự chăm chỉ, sáng dạ, chỉ sau 1 năm, Tuấn biết cách nấu tất cả các món của nhà hàng. Khi người bếp chính chuyển qua chỗ khác làm việc, từ nhân viên phụ bếp, Tuấn được đứng bếp chính. Vào vị trí làm việc mới, Tuấn được bạn bè bày cách kiếm tiền khủng. Chỉ trong thời gian ngắn, bằng sự khéo léo và nhanh nhẹn, Tuấn được ông chủ tin tưởng tuyệt đối. Người chủ này tăng lương và giao cho Tuấn thêm việc liên hệ với các mối hàng để báo hàng ngày mai, sau đó nhận, kiểm hàng theo hóa đơn.

Vừa học được tuyệt chiêu rút tiền, Tuấn có ngay đất để dụng võ. Vì có việc đột xuất, ông chủ người Hàn phải về nước gấp, khiến Tuấn như mở cờ trong bụng. Ông chủ vừa lên máy bay, ngày hôm sau Tuấn thực hiện ngay kế hoạch. Bước đầu tiên, Tuấn tự mình ra chợ mua hàng qua đó tìm nguồn cung mới cho nhà hàng. Sau khi tìm được nguồn cung hàng mới, Tuấn báo những mối hàng cũ nghỉ. Sau vài lần mua hàng tại quầy hàng của cô M (chợ Hôm, Hà Nội), thấy cô thật thà, dễ tính, Tuấn quyết định, tất cả các mặt hàng từ cái tăm đến sơn hào hải vị, Tuấn đều gọi cô M đưa hàng.

Khi thân thiết hơn, Tuấn đặt thẳng vấn đề ăn chia với cô M. Theo đó, Tuấn chỉ lấy hàng của cô M với điều kiện cô phải giúp Tuấn rút ruột tiền của ông chủ. Vì ham tiền, cô M đồng ý với thỏa thuận Tuấn đưa ra. Tuấn lập 2 hóa đơn lấy hàng, một thật và một khống. Hóa đơn khống, được dùng để gọi hàng (số lượng ảo) và giao cho cô M cuối tháng đến thanh toán tiền hàng với ông chủ người Hàn. Hóa đơn thực Tuấn giữ làm căn cứ, sau đó lấy số tiền từ hóa đơn khống trừ đi số tiền của hóa đơn thực ra số tiền Tuấn rút ruột. Cách rút ruột tiền trên không ai phát hiện ra, bởi việc gọi và nhận hàng Tuấn là người trực tiếp làm và cô M là người đưa hàng. Gọi 2 đưa 1 hay gọi 3 đưa 2,5, tính tiền 2 và 3, trung bình mỗi tháng, Tuấn nghiễm nhiên đút túi khoảng 30 triệu đồng.

Khác với Tuấn, Hòa (Bắc Giang), đầu bếp tại một nhà hàng hải sản lại dùng chiêu rút ruột chủ bằng cách mang hàng thừa bán lại cho những người kinh doanh hải sản ở chợ với mức giá thấp hơn. Trung bình một tháng, với khoảng 5-6 lần mang hàng đi bán, Hòa kiếm được tiền triệu như bỡn.

Cũng theo lời kể của cô K.O (chợ Mơ, Hà Nội), để được giao hàng chính cho một nhà hàng nọ, mỗi tháng cô phải chi 3 triệu đồng và mỗi hóa đơn lấy hàng cô phải tính tăng thêm 300 nghìn đồng cho cậu bếp chính. Đều đặn hàng tháng, căn cứ vào số hóa đơn lấy hàng, người bếp chính ấy đút túi 7- 8 triệu đồng mà chủ chẳng mảy may nghi ngờ gì.

Cả tin, buông lỏng quản lý thành... sập tiệm

Những ông chủ cả tin quá lệ thuộc vào nhân viên hay những ông chủ người nước ngoài thường là miếng mồi ngon để nhân viên làm bếp kiêm nhận hàng có thêm nghề rút ruột moi tiền.

Nắm bắt được cách làm việc (giao mọi quyền quyết định cho nhân viên) cộng với việc không biết tiếng Việt của ông chủ người Hàn Quốc, Tuấn có thời gian dài tha hồ rút ruột chủ, kiếm bộn tiền.

Thấy công việc rút tiền quá dễ dàng, Tuấn chủ động rủ người dì của mình làm cùng. Khi nghe chính miệng đứa cháu bày cách rút ruột tiền và nói mấy tháng nay đã làm rồi, dì Tuấn sốc nặng. Người đàn bà ấy đâu ngờ đứa cháu ruột của mình là thủ phạm rút ruột tiền khiến công việc buôn bán của ông chủ hiền lành mà bà quý mến gặp khốn đốn. Sau khi suy xét kỹ lưỡng, bà quyết định đuổi việc Tuấn. Theo lời kể của người bạn tôi, khi Tuấn bị người dì của mình cho thôi việc, ông chủ người Hàn chỉ biết Tuấn có việc phải về quê, không thể tiếp tục công việc làm bếp nữa.

Không chỉ những ông chủ người nước ngoài là miếng mồi ngon cho giới làm bếp kiêm nhận hàng, mà những ông chủ, bà chủ người Việt lệ thuộc vào nhân viên cũng dễ dàng sập bẫy. Thay vì hàng ngày đến nhà hàng quản lý việc kinh doanh, đôn đốc nhân viên, những ông bà chủ này thích đi chơi với bạn bè, du lịch. Một số người khác coi kinh doanh là nghề tay trái, họ có thể là công chức, nghệ sỹ...bận rộn nên phó thác công việc kinh doanh cho nhân viên. Rất nhiều ông chủ, bà chủ bị phá sản vì sự cả tin, lơi lỏng quản lý khiến nhân viên dễ dàng móc nối với các cơ sở giao nhận hàng, gây thất thoát, ảnh hưởng nặng nề đến công việc kinh doanh.

Trường hợp phá sản của nhà hàng B. Đ của ông Đ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trường hợp điển hình do lệ thuộc và tin tưởng quá mức vào nhân viên. Ngày mới khai trương, cửa hàng ông nhận H (quê Thái Bình) vào làm việc từ ngày H chỉ là cậu thiếu niên. Hơn 10 năm gắn bó với H, gia đình ông ai cũng yêu quý. Ông quyết định nhận H làm con nuôi. Từ đó, mọi công việc kinh doanh của gia đình, ông giao toàn quyền cho H. Một năm hai lần, vợ chồng ông ra nước ngoài ở với con vài tháng, vậy mà một mình H cũng cáng đáng được tất cả công việc kinh doanh của cửa hàng. Thế nhưng, ông không ngờ một ngày kia, H nung nấu kế hoạch cuỗm sạch tài sản của gia đình ông. Nói đến đây, ông Đ thở dài: “Đời có ai biết được chữ ngờ. Từ khi tin tưởng H, tôi giao toàn quyền kinh doanh, thu chi cho nó, rồi sang nước ngoài ở với con vài tháng. Đến khi trở về, số tiền lãi, tiền hàng của các mối giao trong ba tháng biến mất cùng H, giờ chẳng biết nó ở đâu mà tìm”.

Ông chủ tự hại mình vì sự cả tin

Bởi tin tưởng nhân viên, ông chủ người Hàn giao cho Tuấn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến nhập hàng. Người chủ ấy đâu biết, chính sự tin tưởng thái quá vào nhân viên ấy, mỗi tháng cửa hàng bị thất thoát một khoản tiền khá lớn, khoảng 30 triệu đồng. Khách đến ngày càng đông, buôn bán ngày càng phát đạt, nhưng khi hạch toán, ông chủ người nước ngoài ngã ngửa trước việc làm ăn thua lỗ, âm vào vốn của nhà hàng. Chán nản, ông chủ Tuấn về nước, giao lại cho quản lý điều hành tới khi hết hạn hợp đồng.

Vân Thanh