Sáng 6/4, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đã phê duyệt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Thị Quỳnh Liên (SN 1984, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, Phú Thọ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ.
Theo điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ, khoảng giữa năm 2019, Liên tìm hiểu thì được biết Phùng Thị Phương Th. (SN 1984, trú TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) kinh doanh trên trang web “http://www.tesline.com” và thu được lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên thời điểm đó Liên vướng nhiều nợ nần nên không có vốn đầu tư nên nảy ra ý định lừa đảo để lấy tiền đầu tư kinh doanh cùng chị Th. Nạn nhân của Liên là chị H. (trú TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), do có quen Liên từ trước và biết Liên là cán bộ nhà nước nên chị H., nhanh chóng sập bẫy (thời điểm đó Liên công tác tại Trung tâm sản nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ).
Để đánh lừa người bị hại, Liên đưa ra các thông tin giả cho chị H. là đang cần vốn để mua thuốc thực phẩm chức năng mang vào Trung tâm sản nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ bán lấy tiền chênh lệch (thực tế bệnh viện nghiêm cấm việc đem thuốc vào bán).
Để thuyết phục chị H. đưa tiền, Liên đưa ra mức lãi suất cao, lợi nhuận lớn. Cụ thể, nếu chị H. góp 500 triệu đồng trong một tháng sẽ thu được 30 triệu đồng tiền lãi và Liên chi tiếp cho 25 triệu đồng lợi nhuận từ việc bán thuốc.
Hoa mắt trước lợi nhuận cao khi thời điểm đầu Liên đều chuyển tiền rất sòng phẳng nên chị H., tiếp tục chuyển tiền góp vốn với Liên với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng.
Thời gian sau đó, không thấy Liên đưa tiền như đã thỏa thuận, chị H. sinh nghi. Sau nhiều lần đòi tiền không được nên chị đã đến cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ trình báo.
Nhận được tin, Công an tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Liên. Lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Liên dùng 30 triệu đồng để mua các thực phẩm chức năng mang đi bán lấy tiền lãi chênh lệch.
Một phần tiền lãi trong đó Liên để tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, Liên chuyển cho Thảo số tiền 894 triệu đồng để cùng Th. đầu tư, kinh doanh trên các trang web. Tháng 5/2019, Liên đưa cho Thảo 140 triệu đồng để kinh doanh trên trang web http://www.Tessline.com. Quá trình đầu tư, Liên thu được 50 triệu đồng tiền lãi. Tháng 6/2019, trang web bị sập khiến Liên mất toàn bộ số tiền này.
Đâm lao phải theo lao, Liên tiếp tục đầu tư 754 triệu đồng vào 2 trang web: HotForex và Fortubet theo lời giới thiệu của Th. Hai trang này có cùng cách thức kinh doanh như trang web Tessline.com, trong quá trình đầu tư Liên thu được tiền lãi và đã dùng để trả tiền lợi nhuận cho chị H.
Sau một thời gian đầu tư, Liên đã rút 300 triệu đồng từ trang web HotForex để kinh doanh đầu tư vào cái khác. Số tiền 594 triệu đồng, chị ta vẫn tiếp tục kinh doanh cùng Thảo tại trang web Fortubet. Khoảng cuối tháng 6/2019, Thảo cho Liên biết không truy cập được vào trang web Fortubet nữa nên Liên tiếp tục bị mất toàn sộ số tiền trên.
Tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, Liên khai đã đầu tư kinh doanh thêm chứng khoán trên mạng với tổng số tiền 1,6 tỉ đồng. Số tiền này Liên đã thu được và dùng trả cho chị H. được 215 triệu đồng, còn lại Liên không có khả năng chi trả.
"Vụ án trên vẫn tiếp tục trong giai đoạn điều tra. Công an tỉnh Phú Thọ điều tra làm rõ thêm các vấn đề liên quan", vị lãnh đạo VKS thông tin thêm.
Liên quan đến trách nhiệm pháp lý trong vụ án trên, Luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông luật cho rằng, Quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tập thể hoặc tài sản công dân bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được pháp luật bảo vệ.
Các tội xâm phạm quyền sở hữu là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quyền sở hữu nhà nước được thừa nhận.
Qua những gì báo chí phản ánh, thiết nghĩ trong vụ án này cơ quan điều tra cần phải điều tra rõ động cơ, mục đích và ý thức chiếm đoạt của bị can mà định tội danh cho phù hợp. Ý định chiếm đoạt nảy sinh trước, sau đó dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi chiếm đoạt thì là hành vi lừa đảo.
Còn nếu sau khi có được tài sản người phạm tội mới nảy sinh ý định chiếm đoạt thì là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp bị can có ý thức chiếm đoạt ngay từ đầu bằng hành vi kêu bị hại đưa tiền nhưng không mua hàng để chiếm đoạt luôn thì theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trường hợp, sau khi nhận tiền bị can vẫn thực hiện theo thỏa thuận với bị hại, vẫn mua hàng nhưng sau đó nảy sinh ra ý định chiếm đoạt thì theo quy định tại Điều 175 Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm