Ngày 27/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tính tới hiện tại, đã có hơn 18.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 78 quốc gia. 70% trong số này được báo cáo tại châu Âu trong khi 25% được phát hiện ở Mỹ.
Kể từ đợt bùng phát hồi tháng 5, thế giới ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Khoảng 10% phải nhập viện để kiểm soát cơn đau.
Trước đó, ngày 23/7, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lần này là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC), cấp độ cảnh báo cao nhất với một đợt bùng phát dịch bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở nhiều nơi tại khu vực Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ. Bệnh đậu mùa khỉ vốn không nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu vì từ nhiều thập kỷ qua khi chỉ lưu hành ở châu Phi. Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, các ca bệnh lần đầu được ghi nhận ở ngoài châu lục này. Các bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, trong đó có sốt, choáng váng, nổi mẩn mưng mủ trên da và có thể khỏi bệnh sau vài tuần.
Tổng giám đốc WHO nhận định, đợt bùng phát lần này có thể ngăn chặn được và cách tốt nhất là giảm nguy cơ phơi nhiễm, đồng nghĩa rằng mỗi người cần thực hiện những lựa chọn an toàn cho bản thân và những người khác.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết, hiện thế giới có sẵn khoảng 16 triệu liều vắc-xin đã được cấp phép những đều ở dạng đóng gói theo lô lớn và sẽ mất vài tháng để chia nhỏ ra các lọ. WHO kêu gọi các nước đang dự trữ vắc-xin chia sẻ với các nước khác trong lúc nguồn cung còn hạn hẹp. WHO ước tính cần từ 5 - 10 triệu liều vắc-xin để tiêm cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao.
Quốc Tiệp (t/h)