Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi sông Đà

Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi sông Đà

Thứ 7, 23/03/2013 | 08:18
0
Tại một hang nằm lưng chừng núi, có rất nhiều quan tài "treo" ngay trước cửa hang. Nhìn họa tiết khắc trên quan tài và những phần xương còn sót lại cũng đủ để nhận biết những bộ quan tài này được đặt cách đây hàng trăm năm trước.

Rùng rợn những hài cốt trên vách núi

Từ trung tâm huyện Mộc Châu, để đến được bản Bó (xã Suối Bàng), nơi có những hang xương kỳ lạ chỉ có cách duy nhất là đi thuyền dọc sông Đà, sau đó leo qua các mỏm đá gồ ghề trên núi để đến được hang. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp đó là rất nhiều bộ quan tài được đặt tại đây. Nhiều chiếc đã bị nước thấm xuống mục ruỗng lộ ra những bộ hài cốt. Có một điểm chung là những quan tài này đều được làm bằng một thân cây khoét rỗng ruột theo hình cái bát và chạm trổ nhiều họa tiết cổ.

Lạ & Cười - Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi sông Đà

Những chiếc quan tài lớn dài hơn 2m, rộng 60cm, trong lòng khoét sâu chừng 40cm. Đầu mỗi quan tài loe ra hình đuôi én có các cặp quai đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp hai mảnh thân gỗ với nhau. Trên nắp tấm ván khắc chữ cổ và đẽo hình một cô gái đang múa. Ở góc cuối hang có những bộ quan tài nhỏ dài chừng 1m, theo suy đoán rất có thể là thi hài trẻ con. Đa số được đặt ngay trên nền hang, đầu quay về hướng cửa. Tất cả những chiếc quan tài đã bị mở nắp không biết từ bao giờ, hầu như xương cốt đã biến mất, chỉ còn ít mẩu vụn lẫn trong lá mục.

Sau khi đã chụp ảnh, ghi chép thông tin từ những di vật còn sót lại ở hang quan tài, chúng tôi tìm đến gặp người dân sống quanh núi để xác thực thông tin. Ông Mùi Văn Ỏi (55 tuổi), một người dân bản Pưa Lai khá am hiểu về cây rừng và niên đại của gỗ cho biết: Gỗ quan tài trong hang ven sông Đà là cây đinh thối quý hiếm, có thớ dọc bền cứng nhưng mùi khó chịu. Rất có thể người xưa chủ ý dùng loại gỗ này để xua đuổi thú dữ và làm nản lòng kẻ muốn mạo phạm.

Ông Ỏi cũng cho biết: "Từ đời cụ cố tôi cũng không ai biết các quan tài treo này có từ khi nào. Đến giờ cũng chưa rõ chủ nhân là ai. Trước đây nó vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị cạy nắp, chỉ vài năm gần đây do một nhóm người dân tìm thấy và cạy nắp nên mới bị mục nát, hư hỏng. Một phần vì đường đến hang hiểm trở nguy hiểm, một phần do sợ hãi sự linh thiêng của hang quan tài nên đến nay vẫn rất ít người dám đến".

Lạ & Cười - Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi sông Đà (Hình 2).

Chiếc quan tài có hình thù kỳ lạ được chạm khắc tinh tế

Giải mã những bộ quan tài "bay"

Cụ Đinh Văn La (78 tuổi), một cao niên bản Bó kể: Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 500 năm, người Xá và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Do có sự tranh chấp về đất đai nên họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở. Họ đã đứng ở núi Cắm (Mường Sang) bắn tên về Suối Bàng. Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này.

Người Xá đi xa, nhưng khi chết, không dám chôn cất người chết trên đất nữa, đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi giấu trên các vách đá cheo leo. Những quan tài đều được làm bằng gỗ đinh thối - loại gỗ ít bị bào mòn bởi thời gian, mưa nắng, các loài thú, mối mọt cũng không dám xâm phạm.

Lạ & Cười - Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi sông Đà (Hình 3).

Ông Mùi Văn Ỏi, một người dân bản Pưa Lai cho biết, chủ nhân của những bộ quan tài trên vách núi vẫn đầy bí ẩn

Tuy nhiên, cụ La và nhiều cao niên trong bản vẫn không hiểu bằng cách nào mà những khối gỗ lớn được đẽo thành quan tài với đầy họa tiết; đặc biệt lại có thể chuyển vào trong hang với độ cao cả trăm mét so với mực nước sông Đà. Phải chăng họ cõng thi thể người chết lên núi rồi mới hạ cây, đẽo quan tài tại chỗ. Cũng đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, chẳng hạn: Người được an táng dạng này thường là những quan lang hoặc những người có chức sắc trong bộ lạc người Xá thời ấy. Khi chết, họ sẽ được khiêng, rước lên các động đá. Và các dân phu cũng sẽ dùng cưa, rìu để hạ những cây gỗ gần đấy để an táng cho các vị này. Song có một vấn đề là hầu như tất cả các mộ thuyền ở đây đều được làm bằng gỗ đinh thối nên có thể họ đã lấy gỗ này từ nơi khác và vận chuyển bằng thuyền đưa về.

Lạ & Cười - Bí ẩn những bộ quan tài treo trên vách núi sông Đà (Hình 4).

Chiếc đầu lâu còn sót lại trong chiếc quan tài đã mục nát bởi sương gió

Giáo sư Nguyễn Lân Cường (viện Khảo cổ học Việt Nam), người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về các táng thức của loài người cho biết: "Những cỗ quan tài trên vách núi được dùng theo hình thức "huyền táng" hay còn gọi là táng treo, chính là hình thức táng được dùng trong các hang ma. Táng thức này sử dụng khá phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam hiện mới chỉ phát hiện ở Thanh Hóa và bây giờ phát hiện thêm hang quan tài tại xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, Sơn La".

Theo GS Nguyễn Lân Cường dựa theo những gì còn sót lại có thể dự đoán những quan tài này mới chỉ xuất hiện cách đây vài trăm năm, bởi xương ở đây còn rất xốp, nếu để lâu nó sẽ cứng lại. Sử sách thời Chiến Quốc, Trung Hoa đã ghi chép về nhiều dân tộc có tục lệ huyền táng. Họ cũng làm quan tài nhưng không chôn mà treo trên vách núi cao hướng về phía mặt trời, khó bị người hay thú dữ xâm phạm và tin rằng "đưa quan tài lên vách núi cao là đại cát, đưa quan tài cha mẹ lên cao là con chí hiếu". Họ tuyển người tài giỏi trèo lên đỉnh núi cao đã chọn rồi thòng dây đu xuống vách núi, đục hang huyệt hoặc lỗ chôn cọc gác quan tài. Sau đó, quan tài được kéo lên huyền táng trên vách núi. Do vậy, những bộ quan tài trên núi Sông Đà là do người xưa tạo nên, chứ không phải huyền bí như lời người dân đồn thổi.   

Quan tài cổ của tộc người nhóm Môn- Khmer

Theo tài liệu phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cung cấp thì những quan tài cổ có thể của một tộc người nguồn gốc Môn - Khmer (Người Xá, người Khơ mú, Xinh mun), chứ không thể của người Thái hoặc người Mường, bởi nếu là tổ tiên, họ đã phải thờ cúng. Thứ hai, những quan tài có tuổi ước vào khoảng 400 - 500 năm trước, nhìn vào quá trình phong hóa trên quan tài có thể phán đoán có những cái mới chỉ khoảng 200 năm. Thứ ba, dựa vào phần xương còn lại trong các quan tài có thể khẳng định những người này có thể hình lớn, cao to hơn người ngày nay rất nhiều.

Còn rất nhiều quan tài trong lòng núi?

Cửa hang quan tài tại khu vực bản Bó, xã Suối Bàng có độ cao khoảng 500m, nơi được cho là còn cất giữ nhiều mộ thuyền nhất. Hang mái đá hình vòm ếch, thoáng rộng, sâu vào chỉ khoảng từ 3 - 4m, chiều dài khoảng 16m, tạo thành mái vòm nhiều nấc, còn chỗ kê quan tài có mái cao chỉ khoảng vài ba mét, mưa rừng không thể hắt đến nơi đặt mộ thuyền. Theo người dân, các hang lân cận còn rất nhiều bộ quan tài chưa được khám phá.

Cao Tuân

Kinh hãi hoàng đế chui quan tài ôm xác vợ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Chỉ vì quá yêu người vợ đã mất mà Mộ Dung Hy hoàng đế của triều đại Tiên Ty một trong nhiều quốc gia có thời gian tồn tại ngắn tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 đến 439 đã bất chấp tất cả để trèo vào quan tài ôm xác hoàng hậu đã phân hủy, bốc mùi.

Chuyện phong tục: Biếu quan tài trong ngày cưới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Ngoài một số văn hóa truyền thống quen thuộc của người Cơtu như: Lễ hội Ăn mừng lúa mới, lễ cưới hỏi... đồng bào Cơtu còn có tục biếu quan tài trong ngày cưới, một nét văn hóa độc đáo được đồng bào Cơtu gìn giữ từ bao đời nay.

Kỳ lạ phong tục treo quan tài lơ lửng của người Pa kô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Người dân ở đây cho rằng, khi quật mộ mà bị mất xác, gia đình nhà chủ sẽ gặp tai họa giáng xuống

Video: Đẩy quan tài khắp thành phố đòi điều tra

Thứ 5, 21/03/2013 | 10:59
Cho rằng cái chết của anh Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, trú tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) không minh bạch, gia đình đã đẩy quan tài nạn nhân đi diễu hành khắp TP Vĩnh Yên. Sự việc xảy ra vào chiều qua, ngày 17/3 tại TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.