Bí ẩn trong căn nhà hoang hé lộ đường dây tiền giả bạc tỷ của nhóm trai làng

Đỗ Chang - Đặng Thuỷ

Chỉ với những thiết bị thô sơ cùng với “ngón nghề” học mót trên mạng xã hội, 2 gã trai làng đã sản xuất, tiêu thụ gần 1 tỷ đồng tiền giả cho hàng trăm đối tượng trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bí ẩn trong căn nhà hoang

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, nhưng Nguyễn Văn Tác (SN 1996) và Cao Văn Phương (SN 1995) đều trú tại xóm 16, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy lại không tu chí làm ăn mà suốt ngày chỉ lo ăn chơi, lêu lổng.

Kéo nhau đi khắp trong Nam ngoài Bắc vẫn không làm nên trò trống gì.Trong 1 lần vô tình “lang thang” trên mạng xã hội, Tác vô tình học được “bí quyết” làm tiền giả. Vốn sẵn bản tính ham chơi lười làm nên ngay sau khi học được cách làm tiền giả, cả hai liền trở về quê hương bắt tay vào“khởi nghiệp”.

Để chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch làm giàu, Tác và Phương đã chọn địa điểm là ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, nằm khuất sâu trong ngõ tại xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ. Bao quanh “đại bản doanh” này là cánh đồngvà rất ít người qua lại.

Xung quanh nhà, Tác thiết lập thêm một hệ thống camera có thể quan sát mọi đường ra lối vào. Chỉ cần phát hiện người lạ đến, các đối tượng sẵn sàng tiêu huỷ mọi vật chứng cũng như bỏ trốn khỏi “công xưởng”.

Chọn xong địa điểm, Tác và Phương gom số tiền còn lại để mua sắm thiết bị như máy in, nhựa polymer trên mạng rồi khẩn trương bắt tay vào việc từ cuối tháng 3/2020. Bằng những “ngón nghề” đã học được từ trên mạng, Tác mày mò áp dụng, sau vài lần thất bại, hắn đã in thành công tiền giả.

Có tiền giả trong tay, Tác và Phương bắt đầu thực hiện ước mơ làm giàu bằng cách cho Phương tiếp thị trên mạng xã hội. Để thu hút khách hàng, chúng đưa ra tỷ lệ quy đổi hấp dẫn (1 triệu tiền thật đổi 5-6 triệu tiền giả). Cùng với những cam kết bảo đảm chất lượng và an toàn vận chuyển.Nếu phát hiện tiền lỗi, chúng sẵn sàng nhập lại cho “đối tác”.

Không chỉ vậy, việc chuyển tiền cũng được chúng thực hiện tinh vi. Thông qua mạng lưới giao hàng bưu điện, chúng sẽ gửi tiền cùng với 1 mặt hàng có giá trị thấp (hộp bút, chiếc khăn…) để che mắt cơ quan chức năng.

Hé lộ những thủ đoạn tinh vi

Trong thời gian ngắn, từ cuối tháng 3/2020, việc làm ăn của Tác và Phương rất thuận lợi. Chúng đã bántrót lọt cho 113 đối tượng ở 38 tỉnh thành gần 1 tỷ đồng trên cả nước. Nhưng đây cũng là lúc nhóm đối tượng lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an.

Sau gần 1 tháng lập chuyên án theo dõi, cơ quan công an đã phát hiện và triệt phá đường dây sản xuất tiền giả tinh vi này. Vụ việc khởi phát từ ngày 7/4, khi Công an huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phát hiện và bắt giữ đối tượng Đỗ Mạnh Tường (SN 2000, trú tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đang có hành vi lưu hành tiền giả tại xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, thu giữ 7,8 triệu đồng tiền giả.

Đấu tranh khai thác mở rộng, cơ quan công an tiến hành bắt khẩn cấp 2 đối tượng là Trần Anh Hoàng (SN 2000, trú tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực) và Vũ Thị Mỹ D. (SN 2005, trú tại xã Trung Đông, huyện Trực Ninh). Đây là 2 đối tượng đã có hành vi mua tiền giả của Đỗ Mạnh Tường. Lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ thêm của 2 đối tượng trên 1,7 triệu đồng tiền giả.

Qua đấu tranh, khai thác từ các đối tượng cũng như từ kết quả điều tra, Công an tỉnh Nam Định nhận định đây là vụ án sản xuất và tiêu thụ tiền giả nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau nên đã giao cho phòng An ninh điều tra phối hợp với Công an các huyện mở rộng điều tra, làm rõ đường dây vụ án.

Ngày 17/4, Công an huyện Giao Thủy đã phát hiện mắt xích quan trọng nhất trong vụ án này khi bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Văn Tác và Cao Văn Phương đang có hành vi sản xuất tiền giả tại xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.

Qua quá trình khám xét, thu giữ được các vật chứng, công cụ, camera giám sát, 41 tờ tiền nghi tiền giả loại 500 nghìn đồng và một số trang thiết bị khác dùng để sản xuất ra tiền như nilong cuốn, giấy ép, kéo, dao cắt, mực in, giấy in… Đồng thời cơ quan công an cũng tiến hành thu giữ được 2 điện thoại di dộng dùng để thực hiện giao dịch mua bán làm tiền giả, 2 xe máy và nhiều tài liệu có liên quan khác.

Từ kết quả phá án của phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam định xác định nhóm xưởng in tiền trên chính là “đại bản doanh” của đường dây in, tiêu thụ tiền giả. Trong đó, Nguyễn Văn Tác chính là kẻ cầm đầu.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Tác đã bước đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tác khai, sau khi học được tài liệu dạy làm tiền giả, hắn lên kế hoạch mở công xưởng sản xuất. Tác bàn với Cao Văn Phương mua sắm thiết bị, công cụ về làm tiền giả rồi rao bán trên mạng xã hội.

Trao đổi với PV Tạp chí ĐS&PL, 1 cán bộ điều tra, Công an tỉnh Nam Định cho biết: “Trái với suy nghĩ của nhiều người, sản xuất tiền giả phải cần máy móc hiện đại với kỹ thuật tinh vi, nhưng nhóm của Tác chỉ cần những máy móc rất đơn sơ như máy in, mực in thông thường đã có thể sản xuất tiền giả với số lượng lớn. Nhóm đối tượng đã biến 1 nhà trọ cũ thành nơi sản xuất hàng tỷ đồng tiền giả.

Thời gian trước đây, tiền giả thường được sản xuất ở nước ngoài sau đó tuồn vào Việt Nam tiêu thụ. Nhưng hiện tại, các đối tượng có thể sản xuất tiền giả rất tinh vi chỉ cần các công cụ đơn giản. Việc làm của các đối tượng làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia. Hành vi đó, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc công ty luật Cán cân Việt-Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 23 luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:

“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

“Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai đa dạng. Hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mỗi người dân hãy chấp hành đúng quy định nhà nước về tiền tệ, đừng vì ham muốn làm giàu bất chính qua việc mua tiền giả mà phải trả giá trước pháp luật.

Cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả và hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet ”, vị luật sư khuyến cáo.

Trao đổi với PV Tạp chí ĐS&PL, ông Phan Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh cho biết: “Dù không có tiền án tiền sự nhưng Phương và Tác là 2 kẻ lông bông, không có công việc ổn định. Hai người này thường xuyên lang thang khắp nơi. Thời gian trước họ rủ nhau vào miền Nam để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, do không xin được việc làm, cuộc sống khó khăn nên cả hai cùng trở về quê. Được một thời gian, chúng lại đi nơi khác sinh sống”.

Đ.C – Đ.T