Bị động trong chỉ đạo, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện hết vai trò

Cẩm Mịch

Những chỉ đạo “chạy theo” sự việc một cách bị động của bộ GD&ĐT đang khiến dư luận không ngừng cảm thấy lo lắng, vì sao Bộ không chủ động tính toán trước mọi tình huống?

Bộ GD&ĐT lúng túng, chỉ đạo chung chung, chậm trễ

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Phan Thế Hoài, một giáo viên tại TP.Hồ Chí Minh nhận định: “Tính đến thời điểm này (đầu tháng Năm), nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19 khoảng 3 tháng. Vào tháng 2, nhiều trường dạy học online với hình thức giao bài ôn tập cho học sinh qua e-mail, Zalo, Messenger… và hướng dẫn làm bài có thu hoạch. Việc dạy online khi đó chỉ mang tính “chữa cháy” trước mắt, nhằm giúp học sinh không sao nhãng trong việc học, mỗi trường dạy online một kiểu, “mạnh ai nấy làm” tùy vào sự chỉ đạo của lãnh đạo hoặc tùy theo khả năng của từng giáo viên. Ở thời điểm này, việc Bộ chưa có những hướng dẫn cụ thể về dạy học online là có thể thông cảm được.

Tuy nhiên, sang đến tháng Ba, rồi tháng Tư, khi dịch hoành hành khắp cả nước, đặc biệt ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có nhiều ca lây lan, lúc này việc dạy học online là bắt buộc thì Bộ vẫn tỏ ra rất lúng túng và có những chỉ đạo chung chung, chậm trễ khiến giáo viên gặp rất nhiều trở ngại trong dạy học...”.

Giáo viên này phân tích thêm: “Trong thời gian dạy học online, đa số giáo viên sử dụng ứng dụng miễn phí Zoom và gặp những trục trặc như thời gian dạy học chỉ 45 phút thì phải đăng nhập lại, học sinh bị “văng” ra khỏi lớp học ảo khi nhiều người truy cập cùng lúc. Đặc biệt, có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng…

Sau đó, bộ GD&ĐT mới vội vàng yêu cầu nhà trường tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy và học qua Internet.

Thế nhưng, việc tuyên truyền thế nào thì Bộ không nói… Tiếp đó, Bộ yêu cầu phổ biến giải pháp, xây dựng quy chế dạy học online, kết hợp giữa nhà trường với gia đình… nhưng cũng chỉ mang tính lý thuyết!”.

Đồng quan điểm đó, TS. Vũ Thu Hương, cũng chỉ ra rằng: “Đến thời điểm này, học sinh đã nghỉ học được gần 3 tháng. Và đáng lẽ, ngay từ đầu khi mới phát hiện yếu tố dịch bệnh, bộ GD&ĐT đã phải lên những kịch bản sẵn sàng ứng phó. Dù tình hình diễn biến dịch bệnh là không thể lường trước, nhưng trách nhiệm của Bộ là phải tính toán những trường hợp có thể xảy ra để đưa ra những phương án phù hợp, kịp thời.

Tương tự, trong việc giao cho các trường dạy trực tuyến khi học sinh nghỉ học tránh dịch, bộ GD&ĐT cũng không hề có hướng dẫn cụ thể phải sử dụng công cụ nào, phần mềm nào, sử dụng ra sao, mà chỉ chỉ đạo chung chung là giáo viên dạy online. Vì vậy, giáo viên, trường học tại các địa phương “truyền tai nhau” những công cụ này để sử dụng… Trong khi đó, bất kỳ phần mềm nào miễn phí nào cũng có những giới hạn, hạn chế.

Nếu bộ GD&ĐT chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, thì hoàn toàn có thể chủ động làm việc với các công ty phần mềm, đề nghị hợp tác, tạo điều kiện cho giáo viên dạy học tốt hơn, tất nhiên, Nhà nước sẽ chi trả những khoản chi phí này. Nhưng Bộ đã không làm được điều đó mà để các trường, các địa phương tự xoay xở”.

“Đúng là thời gian qua, bộ GD&ĐT đã luôn bị động trước những tình huống, hoàn toàn không tính toán… Ngay đến câu chuyện xây dựng nội quy áp dụng trong học online cũng không được bộ GD&ĐT tính đến. Bất kể học ở đâu, học như thế nào cũng cần có những quy tắc rõ ràng để đảm bảo chất lượng dạy và học. Và đáng lẽ, cần có một hội đồng nghiên cứu những vấn đề này, vừa tham khảo vừa điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Đặc biệt, trước đó, Bộ chỉ biết thông báo cho học sinh nghỉ học mà không có sẵn kế hoạch “lấp kiến thức cho học sinh”. Sau một thời gian, Bộ mới có thông báo dạy học online. Một cơ quan chuyên trách của cả nước mà lại không có một kế hoạch nào lường trước...”, vị chuyên gia giáo dục bày tỏ.

“Phó mặc” cho các địa phương

Trao đổi về những động thái gần đây của bộ GD&ĐT, TS. Vũ Thu Hương cũng phân tích thêm: “Mới đây nhất, khi cho học sinh quay trở lại trường, Bộ cũng chỉ đơn thuần thông báo về thời điểm. Còn hướng dẫn đảm bảo an toàn cho học sinh thì hoàn toàn chung chung, không cụ thể. Trong khi đó, suốt nhiều ngày qua Việt Nam không phát hiện thêm ca dương tính nào trong cộng đồng, việc học sinh trở lại trường là có thể tính toán trước.

Vậy mà trong hướng dẫn chuẩn bị điều kiện cho học sinh trở lại trường, chỉ là những yêu cầu dựa trên khuyến cáo của bộ Y tế, là những khuyến cáo chung, không dành cho trẻ em. Điều đó thực sự rất vô lý! Các bác sĩ có thể đeo khẩu trang y tế cả ngày, nhưng không thể áp dụng cứng nhắc đối với trẻ em… Vậy, cán bộ ngành giáo dục ở đâu, tại sao không nghiên cứu những biện pháp và đánh giá tính khả thi để hướng dẫn cụ thể cho các địa phương?

Đến tận khi một số trường “mạnh ai nấy làm”, loạn lên và gặp phản ứng của dư luận thì Bộ mới gửi văn bản hướng dẫn, “chạy theo sau” sự việc. Điều đó đáng lẽ, phải có những nhà nghiên cứu tâm sinh lý học sinh thật kỹ để tham mưu ngay từ đầu. Chính vì Bộ quy định, hướng dẫn không rõ ràng, nên nhiều phụ huynh mới “sáng kiến” cho con đeo tấm chống giọt bắn hoặc nhà trường yêu cầu học sinh đeo khẩu trang suốt buổi học... Ở Trung Quốc đã có trường hợp học sinh tử vong khi đeo khẩu trang học Thể dục. Đó là một bài học lớn. Vậy mà Bộ không hề có những quy định, cảnh báo cụ thể từ trước”.

“Chưa kể, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng là một biểu hiện “lúng túng” của bộ GD&ĐT. Trong khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến thời điểm tổ chức kỳ thi, nhưng mọi thông tin vẫn liên tục bị xáo trộn. Ban đầu thì tranh cãi về kỳ thi THPT Quốc gia, sau đó, đến hình thức tổ chức kỳ thi..., đáng lẽ ngay từ khi mới phát hiện các ca dương tính, Bộ đã phải có những kịch bản cụ thể. Tình hình diễn biến dịch bệnh kéo dài đến thời điểm nào, cho học sinh nghỉ học đến thời điểm nào thì có sẵn kịch bản ứng phó theo thời điểm đó, chứ không phải cứ “chạy theo” mãi rồi mới quyết định”, TS. Vũ Thu Hương lý luận.

Bộ phải chủ động trong chỉ đạo, không “ăn đong”, “chắp vá”

Đó là nhận định của GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật.

Thưa Giáo sư, ông có đánh giá như thế nào về những chỉ đạo liên quan đến tình hình dịch bệnh trong thời gian qua của bộ GD&ĐT?

Tôi cho rằng bộ GD&ĐT đang chỉ đạo một cách bị động! Bộ GD&ĐT thông báo “cho học sinh trở lại trường, thực hiện đảm bảo giãn cách” là truyền đạt lại ý của Thủ tướng Chính phủ, nhưng lại truyền đạt y nguyên, trong khi, đáng lẽ các cán bộ phải nghiên cứu thực tiễn để đưa những hướng dẫn cụ thể thì các địa phương mới thực hiện được. Đến khi các địa phương thực hiện, gặp vướng mắc, lại tiếp tục chỉ đạo “gỡ” ra.

Ngay như cách mà Bộ quyết định thay đổi từ kỳ thi THPT Quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao về cho các địa phương cũng rất khó hiểu! Bộ giao cho các địa phương tổ chức thì phải có yêu cầu, quy định rõ ràng, nếu không, mỗi địa phương sẽ tổ chức theo một kiểu. Với cách chỉ đạo như vậy, bộ GD&ĐT rất an toàn, nếu địa phương làm đúng thì thành tích của Bộ, còn địa phương làm sai thì Bộ vào cuộc xử lý kỷ luật...

Tôi e rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới còn “lung tung” hơn nữa, bởi một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia, ảnh hưởng đến bao nhiêu thí sinh mà lại không có những công bố rõ ràng, nay thay đổi, mai lại có thể thay đổi... Kế đến là quy chế tuyển sinh đại học cũng thay đổi liên tục, khiến các trường đại học nay quyết định tổ chức kỳ thi riêng, mai lại phải thông báo hủy kỳ thi... vì không đủ điều kiện, khiến học sinh quá hoang mang, mệt mỏi về mặt tâm lý.

Vậy, thưa Giáo sư, ông cho rằng lỗi trực tiếp của lối làm việc bị động như hiện nay nằm ở đâu?

Theo tôi, bộ GD&ĐT đang quen với cách làm việc không chuẩn bị, được đến đâu hay đến đó. Và lỗi trực tiếp chính là nằm ở các Vụ không tham mưu cho Bộ trưởng, đội ngũ giúp việc quá yếu kém, không đủ sức nghiên cứu, tính toán, xây dựng các kế hoạch.

Chẳng hạn, liên đến vụ gian lận thi cử năm 2018, Bộ đang xử lý thực sự rất “lằng nhằng”, “lấp lửng”... Nếu cán bộ đã không liên quan đến thì đưa ra làm gì, mà đưa ra rồi lại nói rằng “không đến mức kỷ luật”... khiến dư luận càng thêm băn khoăn. Tôi không hiểu, nếu không xử lý một cách dứt khoát, triệt để, thì Bộ lại dấy lên dư luận để làm gì?”.

Cuối cùng, ông có điều gì muốn nhắn nhủ với Bộ không?

Tôi mong rằng, từ nay, bộ GD&ĐT làm bất cứ việc gì, cũng cần phải có kế hoạch, chỉ dẫn chu đáo, phải có chỉ đạo sâu sắc, không thể “ăn đong”, việc đến đâu “chắp vá” đến đấy thì vô cùng nguy hiểm!

Xin cảm ơn Giáo sư!

Những phản ứng chậm trễ khiến dư luận hoài nghi

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên hệ thống Giáo dục Hocmai, dịch Covid-19 bùng phát là một diễn biến bất ngờ và bất khả kháng, nên những lúng túng của bộ GD&ĐT trong các chỉ đạo cũng là điều khó tránh khỏi và có thể “tạm chấp nhận”.

“Tuy nhiên, như vấn đề xử lý cán bộ sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, sau 2 năm, Bộ mới đi đến kết luận xử lý trách nhiệm như vừa công bố là rất chậm trễ, gây hoài nghi và băn khoăn trong dư luận. Sau những sự việc này, bộ GD&ĐT và các cơ quan chuyên môn có liên quan cần rà soát, xem xét lại các quy trình phối hợp công việc để có thể phản ứng nhanh hơn khi gặp các tình huống tương tự”, thầy Ngọc nhấn mạnh.

C.M