Bi hài đổi họ tên vì mê... phim Hàn Quốc

Bi hài đổi họ tên vì mê... phim Hàn Quốc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Gần đây, đồng bào Cơtu ở các huyện miền núi Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) đồng loạt thay tên, đổi họ cho con em theo phim Hàn Quốc.

Hiện tượng này chưa kịp dứt thì ở huyện Đông Giang, đồng bào lại ồ ạt tiếp tục thay tên, đổi họ khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay, thậm chí trở nên bất lực!.

Cán bộ cũng bị cuốn vào "trào lưu đổi tên"

Bắt đầu từ năm 2006, khi điện lưới quốc gia được kéo lên tận bản làng của đồng bào vùng cao Tây Giang, vô tuyến cũng được đồng bào sắm sửa mua về. Thời gian này, những bộ phim Mối tình đầu, Giày thủy tinh của Hàn Quốc liên tục được phát sóng khiến đồng bào say mê, thích thú.

Theo quyển sổ hộ tịch được lưu trong ngành tư pháp xã Atiêng (huyện Tây Giang), những cái tên được lai hóa theo kiểu nửa Cơtu, nửa Hàn Quốc như: Pơloong San Diu, Alăng Na Ra, Bhriu Thị Hy Su, Bhling Jang Gun... trở thành một danh sách dài dằng dặc, khiến những ai không biết dễ tưởng nhầm là người Hàn Quốc sinh sống tại Quảng Nam!.

Điều đáng nói, những cái tên lai hóa đó không chỉ có người dân thường mà ngay cả những cán bộ xã cũng xông xáo đặt tên cho con mình. Ví như Bhling Jang Gun, con của Bhling Nghiệp - Trưởng trạm Y tế xã A Tiêng; Pơloong San ốc, con của Pơloong Huân cán bộ xã Atiêng.

Nhịp sống - Bi hài đổi họ tên vì mê... phim Hàn Quốc
Ở huyện Tây Giang, Quảng Nam rất nhiều trẻ em mang họ Cơtu, tên... Hàn Quốc (?!).

Hỏi một vài vợ chồng trẻ có con được đặt theo tên Hàn Quốc, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: "Mê xem phim Hàn Quốc nên đặt con theo tên Hàn Quốc thôi. Mình đặt con theo tên gì thì có ảnh hưởng đến ai đâu mà”.

Đồng bào vùng cao thường ít quan tâm đến những hệ lụy sau này trong việc thay tên, đổi họ cho con em của mình. Do đó, mặc dù được nhà trường và chính quyền địa phương ngăn chặn nhưng vẫn không thuyết phục được họ. Và cứ thế, những cái tên nửa Cơtu, nửa Hàn Quốc vẫn được đặt cho các em nhỏ một cách vô tội vạ.

Khi chuyện đồng bào Cơtu ở huyện vùng cao Tây Giang lai hóa tên tuổi theo kiểu nửa Cơtu, nửa Hàn Quốc chưa kịp dứt thì ở Đông Giang, có không ít gia đình đã tự ý đổi họ cho con trong một gia đình một cách thiếu đồng nhất. Đơn cử là gia đình ông Alăng R. (trú ở xã Sông Kôn) và gia đình ông Alăng P. (trú xã Kà Dăng) với 3 họ khác nhau cho 3 người con của mình.

Theo tìm hiểu, gia đình ông Alăng R. có 5 người con. Trong đó, 2 người con trai mang 2 họ khác với những người còn lại. Người con trai lớn mang tên Nguyễn Văn M., người con trai út là Lê Văn M. Còn gia đình ông Alăng P., trong khi người anh mang tên Lê Duy H., nhưng người em sau có tên Cao Văn H., nhưng em trai út là Alăng L. Những người còn lại trong gia đình đều mang theo họ Alăng của người cha.

Trong đợt kiểm tra, rà soát hộ khẩu, hộ tịch mới đây, các ngành chức năng (công an và tư pháp) của huyện Tây Giang đã kiểm tra thí điểm công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, hộ khẩu trên địa bàn xã Atiêng, xã trung tâm huyện. Kết quả: Sau khi rà soát tại 6/6 thôn của xã với tổng số 380 hộ dân, đã phát hiện 125 trường hợp chỉnh sửa sổ hộ khẩu. Đó là chưa kể những sai lệch thông tin giữa giấy khai sinh và sổ hộ khẩu mà các cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê được.

Rắc rối nảy sinh

Với cách nhìn của một người nhiều năm làm công tác văn hóa, ông Nguyễn Quang Khởi, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đông Giang cho biết: "Thực trạng đồng bào Cơtu tự ý đổi họ thiếu đồng nhất như hiện nay cũng gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng trong đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào. Ở một gia đình lại mang nhiều dòng họ khác nhau không chỉ gây rắc rối trong vấn đề quản lý hộ tịch, mà còn gây nhiều hệ lụy phát sinh trong việc hôn nhân gia đình của đồng bào sau này. Nếu đồng bào cứ tiếp tục đổi họ thiếu đồng nhất như hiện nay thì e rằng sẽ rất khó khăn trong quản lý hôn nhân giữa anh em cùng huyết thống. Và như vậy, càng về sau, nguy cơ biến mất tộc họ chung của đồng bào là khó tránh khỏi".

Câu chuyện của anh Arất Ngh. (ở xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) là một ví dụ. Từ nhiều năm nay, anh chạy khắp nơi để mong sửa lại họ của mình cho đúng với họ người cha (Alăng) nhưng chẳng cơ quan nào giúp được, bởi trước đây khi nhập học, cán bộ địa phương khai nhầm họ anh thành Arất. “Gia đình mình ai cũng mang họ Alăng, duy chỉ có mình là Arất. Do đó, mình đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục, sổ sách cần thiết”, anh Ngh. than thở.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, người Cơtu phân chia thành 3 vùng sinh sống khác nhau: Cơtu Zal (người Cơtu sống ở vùng cao), Cơtu Phương (người Cơtu sống ở vùng trung du) và Cơtu Êếp hay Cơtu Zúp (người Cơtu sống ở vùng thấp) với hơn 30 họ, gồm: Alăng, Arâl, Ating, Bhriu, Zơrâm, Bhnướch, Aviết, Coor, Riah, Rapát, Clâu, Jơđêl, Bhlup, Bhling, Hôih, Tarương, Avô.

Theo đó, mỗi tộc họ quy định chung là tất cả các người con Cơtu được sinh ra (cả trai lẫn gái) đều mang theo họ cha và không mang bất kỳ họ nào khác ngoài tộc của mình. Đây được xem là quy ước chung trong việc lấy họ mang tên của người Cơtu từ bao đời. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều bản làng người Cơtu ở các huyện Đông Giang và Tây Giang lại rộ lên vấn đề lai hóa họ tên một cách thiếu đồng nhất. Thậm chí, ở một số gia đình lại có đến 3 họ cùng tồn tại khiến công tác quản lý hộ tịch của ngành chức năng trở nên rắc rối, phức tạp.

Chuyện không nên làm

Già làng Bhriu Prăm (84 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII), hiện đang sinh sống tại thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang cho biết: "Trước đây, trong một tộc họ người Cơtu chỉ theo một họ nhất định. Trong gia đình, tất cả các con mang theo họ người cha, không theo họ mẹ”.

Tuy nhiên, cũng theo già Prăm, việc một số gia đình người Cơtu hiện nay đã tự ý đổi họ nhưng không thống nhất là một việc không nên làm, ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. “Trong chiến tranh, đồng bào đổi họ thay tên là để đảm bảo bí mật khi hoạt động Cách mạng. Một gia đình có thể đổi thành nhiều họ, thậm chí một người có đến 5 - 6 cái tên là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đổi họ như cách hiện tại là không thể chấp nhận được. Thời của già, nếu đổi như vậy có thể sẽ bị trục xuất ra khỏi tộc họ của mình", già Prăm khẳng định.

Vương Hoàng - Phong Hàn