Bi hài những kiểu cải tạo nòi giống tự phát

Bi hài những kiểu cải tạo nòi giống tự phát

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Với hi vọng con cái của mình sẽ giỏi giang, khỏe mạnh hơn người, nhiều ông bố bà mẹ chẳng tiếc tiền mua đủ loại thuốc bổ, thức ăn đắt tiền mong cải thiện giống nòi.

Một số phụ huynh chú tâm vào thức ăn cho con cái mình mới mong muốn làm sao để đảm bảo dinh dưỡng để học tập và phát triển thể lực, trí lực một cách hoàn thiện nhất. Trong khi đó, nhiều ông bố bà mẹ khác không tiếc tiền của, mua các loại thuốc được quảng cáo cho sự phát triển của con em mình.

Xã hội - Bi hài những kiểu cải tạo nòi giống tự phát

Nếu không được tư vấn khoa học thì việc áp dụng các biện pháp cải tạo giống nòi sẽ bị tác dụng ngược

Chị Kim Oanh, ngụ tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, chị và chồng đều thuộc dạng thấp bé nhẹ cân. Chồng chị chỉ cao hơn 1,6 m, còn chị cũng chỉ hơn 1,5 m, sinh được một đứa con trai. Anh chị quyết tâm “hi sinh đời bố để củng cố đời con”, mong cho con cao lớn vượt trội và nổi bật hơn người. Do đó, từ lúc con ra đời, hai vợ chồng chị chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho con rất khoa học, ngày nào cũng bắt con uống sữa, ăn trái cây, chơi thể dục thể thao theo chế độ dinh dưỡng của bác sỹ đề ra.

Đến khi con của anh chị đã đến tuổi trưởng thành, nhận thấy chiều cao của con mình vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể so với bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng chị Oanh càng sốt ruột. Vì thế, hễ nghe bạn bè đồng nghiệp giới thiệu ở đâu có thuốc bổ, thực phẩm chức năng đắt cỡ nào là chị cũng chịu chi mua cho con dùng.

Có lần, chị nghe ở đâu tận ngoài Bắc có một phương thuốc bí truyền tăng chiều cao, không quản đường xa, chị lặn lội ra Bắc mua bằng được. Mặc dù vấp phải sự ngăn cản từ ông bà nội ngoại nhưng anh chị vẫn nhất quyết cải tạo chiều cao cho con bằng mọi giá.

Nhưng rồi bao nhiêu công sức của anh chị như “đổ sông đổ biển” khi con trai anh chị không những không tăng chiều cao được mà ngày càng ốm yếu và hay bệnh lặt vặt, học hành bê trễ. Tá hỏa trước tình trạng của con, lo sợ nếu kéo dài thì sẽ có chuyện không hay, chị Oanh đưa con đến bệnh viện kiểm tra, thử máu thì bác sĩ cho biết con chị bị ngộ độc vì dùng thuốc bổ và thực phẩm chức năng một cách bữa bãi và không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho hay: Cách đây khoảng 7 năm, bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân uống thuốc bổ, vì mẹ mong muốn cải thiện giống nòi, bệnh nhân bị nhồi rất nhiều thuốc bổ.

Thời gian đầu bé lớn rất nhanh khiến cả nhà vui mừng. Bé luôn cao hơn các bạn. Tuy nhiên, tới năm 16 tuổi, bệnh nhân hoàn toàn dừng phát triển và mắc nhiều bệnh khác nhau. Bác sĩ Nam giải thích: Có nhiều loại thuốc kích thích xương phát triển. Nhưng xương phát triển sớm theo kiểu “chín ép” nên sự phát triển nhanh chóng dừng lại và bệnh nhân không được cao to, khỏe mạnh như bình thường.

Vì vậy, trước khi cho con uống thuốc bổ, các mẹ cần phải được bác sĩ kê đơn, tuyệt đối không tự kê thuốc cho con để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Một công trình nghiên cứu lớn mới đây của Đan Mạch, thực hiện tại Đại học Copenhagen năm 2008, đưa ra kết luận: Uống bổ sung Vitamin làm tăng nguy cơ chết sớm lên 16%. Kết quả được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine cho thấy, uống thực phẩm bổ sung vi chất đồng làm tăng nguy cơ chết sớm lên 18%. Axit folic (vẫn thường được kê cho thai phụ) làm tăng nguy cơ tử vong lên gần 6%, trong khi sắt làm tăng nguy cơ này lên 4%.

Nguyên Việt