Bi hài sĩ tử mang sách lên chùa đoán đề thi

Bi hài sĩ tử mang sách lên chùa đoán đề thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
“Được thần phật phù hộ thì sẽ dễ đạt điểm cao ở những môn thi trắc nghiệm”.

Chỉ còn vài ngày nữa là kì thi đại học diễn ra, nhiều sĩ tử lên chùa cầu may cho kì thi sắp tới. Bên cạnh hương, hoa quả, nhiều người mang thêm giấy để viết tên tuổi, phòng thi, trường thi để mong được phật “chứng”. Ở khắp chùa Vĩnh Nghiêm, người ta cũng thấy những mảnh giấy ghi những thông tin này của sĩ tử. Bạn Nguyễn Minh Tiến (trường THPT Lê Quí Đôn), cho biết: “Không biết có linh hay không nhưng thấy mọi người làm mình cũng làm theo, hy vọng là thần phật sẽ để ý”.

Xã hội - Bi hài sĩ tử mang sách lên chùa đoán đề thi

Càng đến ngày thi càng nhiều sĩ tử đến chùa cúng vái

Viết số báo danh, phòng thi để phật “chứng”

Một sư thầy tại đây cho biết: “Hơn một tuần nay, người đến lễ phật ngày càng nhiều, đặc biệt là các em sắp thi đại học. Nhưng không biết ai mách nước, họ lại đem giấy đến dán đầy chùa với hy vọng được may mắn. Ngày nào, các sư thầy ở chùa cũng phải đi gỡ bỏ.

Bạn Nguyễn Thanh Hương (trường THPT bán công Diên Hồng), cho biết: “Đã hơn một tháng nay, ngày nào em cũng đến Việt Nam Quốc tự để thắp hương. Em học nhiều nhưng vẫn lo lắng. Thi có nhiều môn trắc nghiệm, cần may mắn nên lên chùa cũng cần thiết”.

Còn Dương Thị Hoài Thương (trường THPT Nguyễn Công Trứ) thì mỗi sáng sớm lại đến Chùa Hoằng Pháp thắp hương cầu phật. Thương bật mí: “Em đến chùa vào sáng sớm, lúc đó chưa có ai đến cầu nguyện, chỉ riêng mình cầu thì mới tốt, thần phật dễ “chứng” hơn”.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều sĩ tử không chịu học bài mà đem sách đến chùa để đoán đề thi. Sáng 28/6, trước điện tu viện Thánh Đức (Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, TP.HCM) có hai sĩ tử thắp hương nghi ngút, miệng lẩm bẩm điều gì đấy rồi nhắm mắt giở cuốn sách ôn thi đại học môn ngữ văn. Khi mọi việc đã xong, chúng tôi đến hỏi thăm thì hai học sinh này cho biết là học trường THPT Thủ Đức, đang cố gắng xin phật cho đề thi.

1001 thứ kiêng kị

Bên cạnh những sĩ tử đến chùa một mình hay với bạn bè thì còn có nhiều bạn khác được người nhà hộ tống. Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Q.10), chia sẻ: “Mặc dù rất bận, nhưng tôi vẫn đến chùa thắp hương, cầu xin thần phật phù hộ cho con mình trong kì thi sắp tới. Để đạt được mục đích, chị Oanh còn mua cả sách về nhà để tập khấn cho có bài bản.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoàng (Q.3, mẹ của Phương Hạnh, trường THPT Lê Quí Đôn) sau những ngày đến chùa thắp hương lại yêu cầu con mình kiêng kị rất nhiều thứ. Bà Hoàng chia sẻ: “Do gần thi nên cũng có chế độ đặc biệt cho cháu. Tôi không cho cháu ăn các loại như lạc vì sẽ lạc đề, không ăn trứng vịt lộn vì sẽ dễ bị điểm 0, không ăn cái loại mì vì nó sẽ làm thằng bé nóng ruột, rối tung bài vở”. Thay vào đó, chị mua các loại đỗ về nấu chè, nấu cháo. Các món đó vừa mát, thi dễ đỗ vì có từ đỗ đi kèm. Không những thế, gia đình chị còn dự đình thịt gà, thổi xôi cúng trước 6h sáng ngày thi đầu tiên, cho Hạnh ăn “lộc” xong thì mới lên đường.

Do nhiều sĩ tử cùng người thân lên chùa thắp hương nên dịch vụ buôn bán các sách tử vi, bói toán ở trước cửa chùa ăn nên làm ra. Bà Trần Thị Hằng (46 tuổi, bán hàng trước Việt Nam Quốc Tự) tươi cười cho biết: “Nhờ vào kì thi tốt nghiệp mà quầy hàng của tôi đắt hơn nhiều. Trong đó, các sách về bói toán là bán đắt nhất. Công an cấm buôn bán các loại sách mê tín dị đoan, tuy nhiên, do nhu cầu mua nhiều nên những người bán hàng vẫn cố gắng tìm mọi cách để bán.

Trong phật có thuyết nhân quả

Trao đổi với phóng viên Người đưa tin về tình trạng nhiều sĩ tử rủ nhau đến chùa cầu may, sư thầy Thích Thanh Thiên (chùa Vĩnh Nghiêm) khuyên: “Các em học sinh sắp thi đến chùa tìm sự thanh tịnh, thảnh thơi cũng tốt. Tuy nhiên, nếu đến chùa để cúng bái, thực hiện nhiều hành động mê tín dị đoan thì không nên. Trong nhà phật đã có thuyết nhân quả. Chính vì vậy, nếu không học bài thì không làm bài được là tất nhiên”.

Việt Cường