Cổ vật luôn tỏa ra sức hút kỳ lạ khiến cả những người khó tính cũng trở thành nô lệ cho những báu vật hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi.
Hai cha con buôn bán sản phẩm đông lạnh cũng không ngoại lệ, mặc dù cảnh sát chỉ tình nghi họ nhưng chắc chắn phía sau câu chuyện ẩn chứa nhiều tình tiết thú vị.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày tháng 7/2020, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành kiểm tra định kỳ tất cả các cửa hàng thủy hải sản.
Sau khi dừng chân tại cửa hàng hải sản đông lạnh ở thị trấn ven biển Santa Pola, Alicante, cảnh sát môi trường Tây Ban Nha đã phát hiện thấy những thứ thực sự đáng chú ý hơn là mực, cá hay hải sản được bày biện.
Tiến đến gần tủ đông lạnh, cảnh sát thấy có rất nhiều loại amphora gốm khác nhau tại cửa hàng, một mỏ neo kim loại có niên đại từ thế kỷ 18, trong khi mảng đá được khắc chữ "ESTE", có nghĩa là phía Đông.
Được biết, con trai của chủ cửa hàng đã tình cờ tìm thấy các cổ vật này trong khi đi câu cá và mang chúng tới cửa hàng để trang trí.
Sau khi phát hiện nhóm cổ vật quý giá, cơ quan văn hóa của chính quyền đã tiến hành tịch thu và đưa đến trung tâm khảo cổ.
Tại đây, các nhà khảo cổ đưa ra một kết luật giật gân rằng tất cả số cổ vật trên có từ thế kỷ thứ I sau công nguyên (SCN).
Những chiếc bình có lẽ lưu lạc sau các vụ đắm tàu ngoài khơi Địa Trung Hải và được bảo vệ bởi luật di sản khảo cổ.
Phần lớn cổ vật là đựng dầu sản xuất ở Andalucia và chuyển tới Rome từ Portus Ilicitanus, ngày nay là cảng Santa Pola, trong khi vài vò khác chứa rượu và nước mắm garum - một loại đặc sản ở thế giới La Mã.
Sau đó, số cổ vật trên đã được đưa đến bảo tàng biển Santa Pola theo quy định của luật pháp nước này.
Sau khi thẩm vấn, cảnh sát xác định các vò được lấy từ hai chiếc tàu đắm khác nhau. Chính quyền địa phương đang cố gắng xác định vị trí tàu để thu thập nốt cổ vật còn sót lại và có biện pháp bảo vệ con tàu cổ.
Theo cảnh sát, các thủ tục tố tụng đã được đưa ra để cáo buộc chủ cửa hàng và con trai ông vì nghi ngờ vi phạm luật di sản lịch sử và cố ý mua hoặc sở hữu các đồ vật có nguồn gốc đáng ngờ hay bất hợp pháp.
Nguyên Anh (Nguồn The Guardian)