Bí quyết chống lại ung thư của một cựu giáo viên

Bí quyết chống lại ung thư của một cựu giáo viên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Từng mang trong mình căn bệnh ung thư vòm họng, ông Vũ Văn Đ. đã tuyệt vọng về sự sống nhưng sau 5 năm bước chân khỏi bệnh viện, ông vẫn sống vui, sống hạnh phúc bên gia đình...

Ông Vũ Văn Đ. ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) là người kém may mắn khi mắc căn bệnh ung thư vòm họng. Thế nhưng, gia đình, hàng xóm và những người sống xung quanh sẽ còn nhắc đến ông nhiều trong mỗi câu chuyện về nghị lực, cách sống khoa học, trách nhiệm trong mỗi ngày sống bên gia đình.

Nước mắt rơi ngày nhận tiền "hưu non"

Theo nghiên cứu của giới khoa học, ung thư vòm họng di căn phần cổ chiếm 40-85%. Do vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú, các tế bào ung thư dễ dàng lan sâu lên trên cổ muộn hơn phát triển vào trong, xuống dưới, ra phía trước và hai bên. Khi phát triển số lượng càng nhiều, tốc độ càng nhanh, hạch cứng và không cho cảm giác đau đớn, tính hoạt động kém. Vào giai đoạn cuối sẽ bám dính cố định.

Xã hội - Bí quyết chống lại ung thư của một cựu giáo viên

Bệnh nhân đang điều trị ung thư vòm họng (Ảnh minh họa)

Gia đình ông Vũ Văn Đ. vẫn chưa thể quên ngày cả nhà đưa ông xuống Bệnh viện K (Hà Nội) xét nghiệm khối u ở vòm họng và nhận được kết quả xét nghiệm là ung thư ác tính, giai đoạn cuối. Bà Nguyễn Thị C., vợ ông Đ. vẫn nhớ như in lúc cầm kết quả. Bà gần như không thể nói được gì, vì lo cho kinh tế gia đình một phần (ông Đ. vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình), một phần lại sợ ông nghĩ quẩn. Nhưng trái ngược với lo lắng đó, ông Đ. lại đi vào gặp trực tiếp bác sỹ để hỏi xem ông còn bao nhiêu thời gian.

Ông Đ. nhớ lại: "Lúc chưa đi viện, thi thoảng tôi thấy chảy máu cam, nghẹt mũi, ù tai, nhức đầu... Bản thân tôi chỉ nghĩ chắc là do tôi làm nghề dạy học, thường xuyên nói nhiều, hít bụi phấn, nhất là lại dạy học sinh tiểu học nên các cháu nghịch ngợm… Mỗi năm cũng đều đi khám sức khỏe định kỳ, nhưng ở bệnh viện tuyến huyện máy móc kỹ thuật cũng hạn chế chỉ là đo đếm nhịp tim, huyết áp nên không phát hiện".

Đến giờ đã gần 6 năm, ông Đ. cũng không nhớ nổi tên vị bác sỹ đã trò chuyện với ông về bệnh tình. Ông Đ. chắc cũng nghĩ rằng, vị bác sỹ này cũng chẳng nhớ nổi là đã nói chuyện với ông. "Nhưng tôi nhớ như in lời vị này nói về những nguy cơ mà tôi sẽ phải trải qua. Vị bác sỹ nói rằng: "Đến khi đã di căn, khối u này sẽ lấn sang các vùng xung quanh, bề mặt khối u bị loét, chảy máu, chảy mũi nhầy lẫn máu. Khối u có thể làm tắc nghẽn mũi, gây ngạt mũi, ù tai, tức như bị nút ráy tai, nghe kém. Đến giai đoạn cuối có thể khối u sẽ cản trở và đè lên thực quản, đồng thời gây ù tai, nghẹt tai, nghe kém hoặc kèm theo tràn dịch tympanic…" - Ông Đ. kể lại.

Sau khi đi khám bệnh về, cơ quan ông và gia đình đề xuất là ông nhận lương một lần theo chế độ "nghỉ hưu non". Cảm giác lúc đi nhận tiền theo chế độ về hưu non vô cùng đau đớn. Gần hơn 20 năm đứng lớp, giờ phải ở nhà chờ đón tử thần đến gọi đi. "Tôi đã mất một tháng để có thể làm quen với cảm giác nghỉ dạy ở nhà chờ đi điều trị hóa trị nhằm hạn chế tế bào lạ trong cơ thể di căn", ông Đ. buồn bã kể lại.

Mỗi giờ sống, phải là sống có ích

Có lẽ gặp lại ông Vũ Văn Đ., ít ai lại nghĩ ông mang trong mình căn bệnh nan y. Bởi mỗi sáng, những người quanh khu vẫn thấy ông đi tập thể dục. Đặc biệt, với lòng yêu nghề và kiến thức kinh nghiệm hơn 20 năm đứng trên bục giảng, ông vẫn giữ được niềm say mê yêu nghề dạy học.

Chị Đỗ Thị Lan, con dâu của ông tâm sự: "Lúc đi nuôi bố tôi ở dưới viện K, lần nào các con cũng tranh xuống chăm. Vì sợ nếu không xuống chăm sóc, nhìn mặt bố lỡ ông ra đi bất ngờ sẽ ân hận.Trong căn phòng mà bố tôi điều trị có đến gần chục bệnh nhân. Mọi người cũng trao đổi số điện thoại để thường xuyên thăm hỏi nhau. Sau vài tháng xuất viện, các bệnh nhân cùng phòng với bố tôi đã mất. Cả phòng chỉ còn mình bố tôi còn sống đến giờ này. Hàng ngày, ông vẫn kèm cặp hai đứa cháu học bài. Các con tôi năm nào cũng là học sinh giỏi, điều đó có công rất lớn của bố chồng tôi".

Bác Lê Thị Hồng, hàng xóm ông Đ., cho hay: "Tôi được biết cũng có nhiều người mách gia đình đi chỗ nọ chỗ kia tìm thầy tìm thuốc. Tuy nhiên, chính ông Đ. đã nói với cả nhà ông chỉ dùng thuốc khi có cơ sở khoa học và có những giải thích, căn cứ rõ ràng".

Chính nhờ chế độ ăn uống cộng với tinh thần sống lạc quan mà sau 6 năm từ viện K về, ông vẫn hạnh phúc sống cùng con cháu. Chế độ ăn của ông có lẽ cũng ít người thực hiện được. Từ rất lâu, trong khẩu phần ăn đã không còn cá thịt, mà chủ yếu là các loại rau, củ quả. Ông thường uống nước chè tươi, ăn gạo nứt. Tất cả được đong đếm bằng cân tiểu ly để đảm bảo vẫn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể mà không làm cho khối u phát triển thêm. Trong vườn, ông trồng đủ các cây thuốc dân gian như xạ đen, trinh nữ hoàng cung, nghệ… để chế thành nước uống, chống bệnh tái phát.

Ông Vũ Văn Đ. chia sẻ: "Tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ rất nhiều vào vợ và các con. Họ chăm sóc và chia sẻ bệnh tật với tôi. Vẫn biết, con người ta rồi ai cũng sẽ phải về cõi vĩnh hằng, nhưng mỗi ngày hãy sống bằng sự yêu thương, chia sẻ và đóng góp cho gia đình, cộng đồng. Những câu chuyện về những người trẻ bị ung thư vượt qua số phận, đóng góp cho xã hội là chỗ dựa cho tôi rất nhiều, để mỗi ngày tỉnh dậy sống và làm tất cả những việc mà bản thân tôi có thể làm cho gia đình và những người xung quanh".

Ngồi đợi chết hay sống có ý nghĩa?

Ông Đ. chia sẻ rằng, không phải ông không sợ bệnh tật, nhưng giữa việc ngồi chờ đợi ngày mình ra đi với việc sống từng ngày có ý nghĩa và cảm nhận sự hạnh phúc của cuộc sống thì điều gì tốt hơn?. Câu hỏi nghe tưởng chừng rất dễ trả lời, nhưng để làm được điều đơn giản đó, chống chọi với bệnh tật như ông Đ. thì không phải ai cũng làm được.

Nhóm phóng viên