Bí quyết trường thọ ở nơi những người sống tới “tuổi giời”

Bí quyết trường thọ ở nơi những người sống tới “tuổi giời”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Lũng Vân vốn biệt lập với thế giới bên ngoài. Kinh tế các hộ dân nơi đây chủ yếu đều thuộc dạng tự sản tự tiêu. Cá bắt dưới suối, rau hái trên rừng, lúa cấy trên nương. Khí hậu nơi đây từ xưa thế nào đến giờ vẫn vậy, chưa hề bị biến đổi.

Vùng đất Mường Chậm thuộc xã Lũng Vân (Tân Lạc, Hòa Bình) vốn nổi danh là vùng đất của những con người sống qua 3 thế kỷ. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng tuổi thọ của những người cao tuổi nơi đây quả thực là rất nhiều người ở độ "xưa nay hiếm". Sau bài viết "Xứ sở thần tiên của những người sống tới tuổi giời", Nguoiduatin.vn tiếp tục gửi tới bạn đọc kỳ 2 của bài viết.

...

Khi tôi hỏi bác Đoài - con trại cụ Hà Thị Ỉ (năm nay vừa tròn 100 tuổi) xem cụ có bí quyết gì đặc biệt, bác cười bảo: “Ăn uống thì cũng có gì đặc biệt đâu. Mẹ tôi thời trẻ phải mấy tháng mới có được miếng thịt, chủ yếu ăn cá suối và rau rừng thôi. Có những lúc hết gạo phải ăn cả củ nâu, củ sắn thay cơm ý chứ. Nhưng người Mường Lũng Vân sáng nào trước khi lên nương cũng ăn một bát xôi thật đầy, ăn xôi chắc bụng và khỏe đôi chân đoi tay lắm”. Cụ Ỉ còn cô em gái Hà Thị Xuốn năm nay cũngđã 95 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn đi làm nương, làm rẫy cùng các con cháu”.

Rời khỏi nhà cụ Ỉ, trên đường ra về, chúng tôi lại bắt gặp cụ Hà Văn Đùi đang đi dạo quanh bản. Ông Đinh Thanh Dững - trưởng hội người cao tuổi ở Lũng Vân, cho biết năm nay cụ đã 102 tuổi. Chiều nào cụ Đùi cũng có thói quan đi dạo quanh xứ sở thần tiên này.

Xã hội - Bí quyết trường thọ ở nơi những người sống tới “tuổi giời”

Bản làng Lũng Vân (Ảnh: Internet)

Thật khó hiểu khi mảnh đất Mường cằn cỗi với những nếp nhà đơn sơ, những bữa ăn đạm bạc lại sản sinh ra những con người có tuổi đời trường thọ đến vậy. Một lần nữa khi tôi hỏi người dân nơi đây có bí quyết gì mà sống thọ đến vậy thì từ ông phó chủ tịch UBND xã đến các cụ cao niên đều cho biết: “Cũng chẳng có bí quyết gì ở đây cả, chỉ biết từ xa xưa đến nay, Lũng Vân vốn biệt lập với thế giới bên ngoài. Kinh tế các hộ dân nơi đây chủ yếu đều thuộc dạng tự sản tự tiêu. Cá bắt dưới suối, rau hái trên rừng, lúa cấy trên nương.

Khí hậu nơi đây từ xưa thế nào đến giờ vẫn vậy, chưa hề bị biến đổi. Nằm ở độ cao hơn 1.200m, Mường Chậm có không khí mát mẻ, ô nhiễm môi trường chưa bao giờ xuất hiện nơi đây”.

Thức ăn của người dân ở nơi đây chủ yếu là từ thiên nhiên, chưa ai biết đến khái niệm “nước máy”. Tất cả nước uống đều từ các con suối mà ra. Ở Lũng Vân có 3 dòng suối, suối Hợp, suối Trong và suối Miêu hợp thành một hợp lưu, dân làng bao đời nay cứ tới đó múc nước về sinh hoạt.

Người dân vẫn thường hay lên rừng hái các cây thuốc nam về và pha trà, ngâm rượu để uống. Họ còn lấy lá và rễ cây về phơi khô, rồi pha nước uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe. Lá trên núi, vỏ cây trên rừng, dân Lũng Vân không có tên gọi cụ thể cho từng loại nhưng vẫn quanh năm uống thứ nước ấy. Và chỉ có họ mới biết lá nào vào mùa nào không nên hái.

Mấy năm trở lại đây, tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đặt chân lên đất này để săn tìm các dược liệu quý cho Đông y. Thậm chí có nhà văn hóa khẳng định rằng, Lũng Vân là nơi có niều cây thuốc quý nhất Hòa Bình.

Ông phó chủ tịch UBND xã Lũng Vân – Hà Văn Khuê cũng cho biết thêm, do là xã nghèo nên người dân sinh ra ở Lũng Vân từ thuở bé đã theo cha mẹ lên nương làm rẫy. Ngày này qua tháng khác, nhờ lao động chăm chỉ mà họ rèn luyện cho cơ thể tráng kiện, ít bị bệnh tật đau ốm.

Phải đến Lũng Vân mới cảm nhận thấy cuộc sống nơi đây thực sự tinh khiết, không một chút bụi bẩn, không có sự tính toán, bon chen, tranh đua thiệt hơn của một xã hội công nghiệp. Mỗi người đều yên bình trong những nếp nhà sàn với những hạt lúa, bắp ngô, con ốc đá, lá rau rừng.

Có lẽ, chính cuộc sống trong lành thuần khiết, nguyên sơ đó của người dân Lũng Vân đã biến nơi đây trở thành thung lũng trường thọ, nơi có con người “sống mãi với thời gian”.

Ngọc Tú