Biến vải và giấy vụn thành

Biến vải và giấy vụn thành "cơn sốt" trong giới trẻ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Một nhóm sinh viên đã mạnh dạn sáng tạo ra các sản phẩm là đồ lưu niệm làm bằng tay (handmade), với nguyên liệu chính của các sản phẩm là vải và giấy vụn đồ bỏ đi. Nó đã khiến giới trẻ phát "sốt" vì trào lưu này...

Qua một người bạn, chúng tôi biết thông tin về một nhóm bạn trẻ đã tự nghĩ ra cách làm đồ handmade từ vải và giấy, sau đó lập chuỗi cửa hàng để kinh doanh, với những cái tên ngộ nghĩnh như: Bánh đa shop, bánh cuốn shop... "4handy". Dự án chuyên làm đồ handmade do một nhóm sinh viên lập ra không chỉ để được thỏa sức sáng tạo mà những người trẻ này đã từng bước chiếm lĩnh thị trường đồ lưu niệm tại Hà Nội.

Xã hội - Biến vải và giấy vụn thành 'cơn sốt' trong giới trẻ

Các thành viên của dự án "4handy"

Khi con trai cũng thạo đường kim mũi chỉ

Tôi gặp nhóm bạn trẻ này tại cửa hàng kinh doanh trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). Nhóm có năm người, lúc tôi đến, hai thành viên vẫn đang đến giảng đường, còn ba người đang ở cửa hàng để sắp xếp lại sản phẩm và lên kế hoạch kinh doanh. Theo Trần Anh Dũng (sinh viên năm thứ 3, Đại học Ngoại Thương), ban đầu, nhóm kinh doanh chỉ có 4 người, sau tăng lên 5 người gồm: Trần Anh Dũng, Vi Tuấn Anh, Lê Tuấn Hiệp, Đào Hồng Hạnh, và Đặng Thiên Thư, đều là sinh viên trường đại học Ngoại thương và đại học Kinh tế Quốc dân.

Vì là những thành viên trong câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học và câu lạc bộ Nhà doanh nghiệp tương lai trong trường đại học nên cả nhóm đã quen nhau từ trước và có nhiều ý tưởng kinh doanh giống nhau. Điều đặc biệt, từ những nguyên liệu "bình thường" với nhiều người là đồ bỏ đi như vải và giấy vụn, nhóm đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng và mẫu mã rất đẹp.

Shop có đội chuyên môn chỉ 2 - 3 người, có nhiệm vụ thiết kế và chế tạo sản phẩm mẫu và nhóm đã sáng tạo khoảng 200 bộ kit hướng dẫn làm các sản phẩm từ móc khóa, bánh ga tô bằng vải dạ cho đến thiệp giấy. Hiện nay đã có nhiều dòng sản phẩm có mặt trên thị trường: Bộ khâu móc khóa, khâu bánh bằng vải dạ nỉ, hay những bộ xếp hình giấy theo phong cách Nhật Bản và bộ làm thiệp lưu niệm... Những sản phẩm này đang được các bạn trẻ rất ưa chuộng.

Trần Anh Dũng chia sẻ, cách làm đồ handmade từ những đồ cũ hay đồ phế thải ở nước ngoài có rất nhiều, nhưng ở Việt Nam chỉ hai năm trước, rất ít và chưa được các bạn trẻ quan tâm. Đây cũng chính là động lực để cả nhóm quyết tâm làm "một cái gì đấy" thật mới và sáng tạo theo phong cách rất... teen.

Ban đầu, nhóm chỉ làm thử một vài sản phẩm nhưng càng làm, càng yêu nghề hơn. Dũng hóm hỉnh: "Ít ai nghĩ rằng, là con trai nhưng bọn em cũng có thể tự tay cắt dán và khâu vá những món quà lưu niệm ngộ nghĩnh và xinh xắn thế này. Vì cũng là người trẻ nên bọn em hiểu được xu hướng và thị hiếu của giới trẻ đang cần gì. Đây cũng là một lợi thế, nhưng cũng là thách thức của cả nhóm trong chiến lược kinh doanh".

Khi khởi nghiệp, phải mất 4 tháng đầu, các thành viên trong nhóm chỉ tập trung "nghiên cứu" sản phẩm bộ móc khóa gồm những hình ngộ nghĩnh dành cho giới trẻ. Cả nhóm bạn trẻ này đều chung tay làm và cho ra đời một sản phẩm ưng ý nhất. Hiện nay, shop đang mở hai dịch vụ chính: Đó là cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng lưu niệm và bán sản phẩm handmade.

Trần Anh Dũng cho rằng, có ba nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm handmade. Nhóm một là những người thích mua những sản phẩm handmade làm sẵn, được bán ở Bánh cuốn shop; Nhóm hai là những người mua bộ kit về làm theo hướng dẫn được phân phối ở “4handy”; Nhóm còn lại là những người chỉ mua nguyên liệu, tự thiết kế sản phẩm, có thể mua ở Bánh đa shop.

Xã hội - Biến vải và giấy vụn thành 'cơn sốt' trong giới trẻ (Hình 2).

Bộ sản phẩm do "4handy" cung cấp

Chinh phục khách hàng bằng sự sáng tạo

Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm handmade trong dự án "4handy" rất phong phú, từ vải dạ, vải nỉ, chỉ, bông, đến các loại giấy cao cấp. Điều đặc biệt, nhóm kinh doanh của Trần Anh Dũng còn tận dụng cả những loại vải bỏ đi của hàng may mặc. Từ những nguyên liệu này, qua bàn tay tài hoa và đầu óc sáng tạo của các bạn trẻ, những sản phẩm đẹp mắt và ý nghĩa đã ra đời. Có những loại vải các thành viên trong nhóm phải đặt tận ở nước ngoài. Chính sự kỳ công này đã gắn kết các thành viên lại và tất cả đều quyết tâm xây dựng thương hiện "4handy".

Từ 5 thành viên đầu tiên, hiện nay chuỗi cửa hàng và dự án "4handy" đã lên tới 20 thành viên, có đội thiết kế và may vá riêng. Vì đều là những người trẻ năng động nên họ làm việc trên tinh thần thoải mái và tôn trọng ý kiến của nhau.

Hiện nay, những sản phẩm handmade của dự án "4handy" đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, thông qua hai kênh bán hàng là các shop lưu niệm và các nhà sách. Nhóm cũng đang có kế hoạch đưa sản phẩm về các tỉnh lân cận để đáp ứng thị hiếu của giới trẻ nhiều vùng miền.

Vào những ngày đầu, “4handy” đã từng thu hồi hàng nghìn sản phẩm do không nắm bắt được thị trường kinh doanh, đánh giá không đúng nhu cầu khách hàng. Trần Anh Dũng kể cho tôi nghe về những ngày cậu đi khắp các cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội để quảng cáo sản phẩm handmade nhưng hầu như bị từ chối, thậm chí còn bị chủ cửa hàng... đuổi về. Có cửa hàng xem qua sản phẩm nhưng không nhận bán. Không nản chí, tất cả các thành viên trong nhóm kinh doanh đều động viên nhau phải quyết tâm làm bằng được.

Xã hội - Biến vải và giấy vụn thành 'cơn sốt' trong giới trẻ (Hình 3).

Bộ sản phẩm do "4handy" cung cấp

Sau nhiều ngày đi 'tiếp thị" sản phẩm, một vài cửa hàng mới đồng ý cho ký gửi sản phẩm của "4handy" với yêu cầu: "Khi nào sản phẩm bán được thì mới trả tiền". Dù vậy, điều đó cũng là sự an ủi cho cả nhóm tiếp tục hiện thực ước mơ. Dường như những sản phẩm lưu niệm ấy đã đánh trúng vào thị hiếu của giới trẻ nên sau đó vài ngày, cả nhóm nhận được đơn đặt hàng của các cửa hàng lưu niệm như ở Núi Trúc (Ba Đình), Tô Hiệu (Cầu Giấy) hay các cửa hàng bán đồ handmade ở khu A8, Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội...

Tuấn Hiệp chia sẻ thêm, việc dành thời gian ngồi làm đồ handmade để có những sản phẩm đáng yêu hay dành tặng người thân sẽ có ý nghĩa hơn là ngồi chơi game và những trò chơi vô bổ khác. Cả nhóm cũng muốn mang một thông điệp đến những người trẻ: "Hãy cứ sống và thể hiện hết khả năng của mình, bạn sẽ làm được những điều rất bất ngờ mà khi ngồi một chỗ, bạn không thể hình dung được".

Các thành viên "4handy" cho biết, là những người trẻ lần đầu tiên kinh doanh, ban đầu họ không khỏi lo lắng và bị áp lực. Thế nhưng, họ vẫn quyết tâm làm đến cùng và giờ đây họ đã có trong tay một số vốn kha khá để tạo dựng sự nghiệp. Sau một thời gian kinh doanh, cả nhóm mới nhận ra rằng, những bài học kinh doanh thực tế đã giúp họ lớn hơn rất nhiều.

Nỗ lực để thành công

Với thành công bước đầu của "4handy", nhóm đã tự tin gửi dự án này đến ban tổ chức cuộc thi "Diễn đàn khởi nghiệp trẻ Việt Nam" năm 2011 (VYE 2011) và được lọt vào top 5. Điều này càng trở thành động lực cho các thành viên trẻ nỗ lực thực hiện dự án kinh doanh đầu đời. Và dự án này đã nhận được đề nghị cấp vốn của tổ chức "YESE" tại Việt Nam, do đại học Houston (Mỹ) đỡ đầu.

Lạc Thành