'Biệt phủ' của cán bộ tỉnh Kon Tum: Được 'đặc cách' nhờ lỗi đánh máy

'Biệt phủ' của cán bộ tỉnh Kon Tum: Được 'đặc cách' nhờ lỗi đánh máy

Thứ 5, 13/04/2017 | 09:24
0
Ông Hà có nguyện vọng xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất nông thôn nhưng lại được cấp dưới “đặc cách” phê duyệt thành “đất ở đô thị” là lỗi do đánh máy.

Ngoài việc ông Phạm Thanh Hà, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Kon Tum, xây dựng “biệt phủ” trái phép trên đất nông nghiệp năm 2003 nhưng đến năm 2010 mới hợp thức hóa giấy tờ mà báo Người Đưa Tin đã phản ánh, PV còn phát hiện nhiều bất cập khác.

Một trong số những điểm lạ là vào ngày 19/8/2010, ông Phạm Thanh Hà (thời điểm này là Chủ tịch UBND TP.Kon Tum) làm đơn đề xuất được chuyển mục đích sử dụng 1.000m2 đất nông nghiệp ở khu biệt phủ sang đất ở nông thôn.

Nội dung đơn đề xuất là vậy, nhưng không hiểu vì sao, ông Phan Văn Thế, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum (thời điểm năm 2010 là Phó Chủ tịch UBND TP.Kon Tum, cấp dưới của ông Hà) lại ký quyết định số 6468/QĐ-UBND “đặc cách” cho “sếp” chuyển đổi 1.000m2 đất nông nghiệp sang là “đất ở đô thị”?.

Xã hội - 'Biệt phủ' của cán bộ tỉnh Kon Tum: Được 'đặc cách' nhờ lỗi đánh máy

 "Biệt phủ" trái phép của ông Hà.

Trả lời về vấn đề này, ông Thế thừa nhận năm 2010, ông đã ký quyết định số 6468/QĐ-UBND đồng ý cho ông Hà chuyển đổi 1.000m2 đất nông nghiệp sang “đất ở đô thị”.

Tuy nhiên, mới đây, khi sự việc bị phát giác, ông Thế lại nói rằng, quyết định ghi chuyển đổi sang “đất ở đô thị” là sai sót từ lỗi đánh máy chứ thực chất chỉ cho chuyển đổi sang “đất ở nông thôn”. Khi ông ký quyết định này, khu đất đã được cho phép chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.

Xã hội - 'Biệt phủ' của cán bộ tỉnh Kon Tum: Được 'đặc cách' nhờ lỗi đánh máy (Hình 2).

 Đường trải nhựa dài khoảng 500m giá 80 triệu đồng.

Ở một diễn biến khác, người dân địa phương tỏ ra bức xúc bởi tuyến đường tỉnh lộ 671 không có trong quy hoạch lại phát sinh thêm một đoạn dài khoảng 500m, rộng hơn 3m, rẽ đến trước cổng nhà ông Hà thì dừng lại.

Ông Hà cho biết, để có được con đường trải nhựa chạy vào tận cổng nhà, ông phải bỏ ra số tiền “lớn” là 80 triệu đồng. Công nhân thi công tuyến đường tỉnh lộ 671 buổi tối ở lại công trình. Thấy vậy, ông bỏ tiền ra nhờ họ "nhặt" vật liệu "vương vãi" và tận dụng máy móc của công trình có sẵn làm thêm 500m đường.

Tuy nhiên, khi PV thắc mắc, nếu đúng như ông Hà nói thì những công nhân kia đã nhận tiền, ăn bớt vật liệu để làm “chui” cho riêng ông một đoạn đường, ông Hà phân trần: “Không phải như vậy, anh em công trình chỉ tận dụng giờ nghỉ và máy móc loại “cóc” (loại nhỏ - PV) làm khoảng 2 giờ là xong”.

* Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc.

 Hồ Nam