Biểu diễn văn nghệ hay “múa thoát y”?

Biểu diễn văn nghệ hay “múa thoát y”?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Mấy ngày qua, dư luận lại được dịp xôn xao trước clip biểu diễn văn nghệ có màn "múa thoát y" của nhân viên Tinh Vân Group. Không chỉ dư luận mà nhiều chuyên gia khi xem clip này đã tỏ thái độ không đồng tình. Họ cho rằng văn hóa doanh nghiệp tại các công ty Việt Nam đang có vấn đề.

“Bất ngờ” từ việc giữ “Bí mật đến phút chót!”

Hình ảnh trên clip là một tiết mục biểu diễn văn nghệ của nhân viên công ty Tinh Vân nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 17 tuổi. Mở màn là hình ảnh một cô gái trẻ với trang phục công sở nhảy cùng một chàng trai. Ngay sau đó, chàng trai, bạn nhảy của cô gái, bắt đầu... lột váy của bạn nhảy. Lúc này, cô nhân viên công sở kia chỉ còn bộ bikini nhưng vẫn nhảy nhót trên sân khấu. Cứ thế, cặp thứ hai rồi cặp thứ ba lần lượt trình diễn tiết mục: nhảy - tụt váy! Ngay sau khi clip này được phát tán lên mạng, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối tiết mục kiểu "cây nhà là vườn" này.

Màn lột váy phản cảm (Ảnh chụp từ Clip)

Trên diễn đàn web tretho, một thành viên có nickname Small_carrot chia sẻ: "Nếu thi biểu diễn bikini bình thường thì chả có vấn đề gì, mấy chàng trai cũng biểu diễn đồ bơi thì không sao, nhưng màn của mấy anh chị Tinh Vân kia thì cứ như biểu diễn kích dục ý". Anh Phạm Quang Anh, nhân viên truyền thông tại Hà Nội bức xúc: "Không thể chấp nhận được. Công ty có làm ăn phát đạt đi chăng nữa thì cũng nên ăn chơi có văn hóa. Biểu diễn văn nghệ gì mà như biểu diễn sex show".

PGS.TS Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển bình luận: "Thực sự đây là một tiết mục "biểu diễn" phản cảm, đi ngược lại những giá trị mà văn hóa Việt Nam đang cố gắng hướng tới là Chân-Thiện-Mỹ".

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho biết: "Clip này có quá nhiều điều khác thường, từ ý đồ đạo diễn và nội dung chính của tiết mục này là sự khuyến khích cởi quần áo (lột đồ) của các thành viên; trong quá trình nhảy, các bạn nam lột đồ của các bạn nữ rồi tự lột áo của chính mình. Hành vi trên được tôn vinh ngay trên sân khấu trước phông màn ngày lễ của Công ty và được cổ vũ, hưởng ứng trong tiếng nhạc, tiếng hú hét của số đông người dưới sân khấu".

Trao đổi về sự việc này với báo chí, ông Phan Quang Minh, phó Tổng giám đốc phụ trách truyền thông của Công ty cổ phần Công nghệ Tinh Vân phân trần rằng mọi người đều hoàn toàn bất ngờ trước màn trình diễn này. Bởi khi tổng duyệt, những người tham gia hoạt cảnh đã tuyên bố sẽ "giữ bí mật đến phút chót" và trong quá trình tập luyện họ vẫn mặc quần áo bình thường. Chỉ đến khi ra sân khấu trình diễn thật thì mới có màn biểu diễn như thế (?).

Sự cố hay một chiêu gây sốc?

PGS.TS Đỗ Minh Cương cho biết: "Hiện nay việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại các công ty của Việt Nam chỉ chú ý tới chức năng đối nội của văn hóa doanh nghiệp hoặc chú trọng tới chức năng đối ngoại và phát triển kinh doanh mà buông lỏng việc xây dựng các quy chế quản lý ứng xử nội bộ. Nhiều lãnh đạo chỉ quản lý nghiêm khắc nhân viên trong giờ làm việc còn đến giờ nghỉ, trong các sinh hoạt, vui chơi tập thể, thì lại cho nhân viên tùy ý. Thêm nữa, họ cho rằng sinh hoạt, văn nghệ nội bộ của tổ chức mình thì người ngoài làm sao biết được. Cách nghĩ, cách ứng xử của lãnh đạo đơn giản và dễ dãi như vậy sẽ dẫn tới các "tai nạn" về văn hóa doanh nghiệp như đã xảy ra ở FPT và Công ty Cổ phần Tinh Vân...".

Được biết, hàng năm vào ngày 20/7, Công ty Tinh Vân đều tổ chức sinh nhật. Clip trên là tiết mục văn nghệ nhân kỷ niệm sinh nhật tuổi 17 của Tinh Vân. Tiết mục này là phần tham gia của Công ty Cổ phần Viễn thông Tinh Vân (Tinh Vân Telecom) với hoạt cảnh về quá trình làm việc trăn trở của cán bộ nhân viên. Phần thoát y này nằm trong đoạn cuối của hoạt cảnh nói đến giai đoạn công ty làm ăn hiệu quả, nhân viên có tiền thưởng rủng rỉnh được đi du lịch...

Cách đây không lâu, năm 2008, dư luận cũng được phen "lác mắt" với clip "múa khỏa thân" của nhân viên FPT trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập FPT. Ngay sau khi clip này được đưa lên mạng, đông đảo người xem cũng tỏ thái độ bất bình. Nhưng có lẽ câu chuyện của FPT vẫn chưa đủ sức răn đe với các công ty muốn "chơi trội".

PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng: "Đó không phải là văn hóa hay văn nghệ. Đó là biểu hiện của cái phản văn hóa hay còn gọi là "văn hóa xấu" có xu hướng nổi lên trong thời gian gần đây ở một số công ty, ở một số người làm nghề nghệ thuật như ca sỹ, người mẫu...dù dư luận xã hội đã nhiều lần lên án".

Theo quan điểm của PGS.TS Lê Quý Đức, "Nếu Công ty Tinh Vân muốn dùng sự kiện này để gây sốc thì quả là một cách quảng bá quá lố bịch. Hành động này không chỉ làm xấu hình ảnh của Công ty mà còn đi ngược lại văn hóa truyền thống. Một phần nó cũng thể hiện sự yếu kém và không chú trọng đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây có lẽ cũng là tình trạng chung của các các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là xây dựng văn hóa doanh nghiệp mới chỉ mang tính chất chạy theo phong trào".

PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng nếu các doanh nghiệp muốn "đánh bóng" và xây dựng thương hiệu theo cách này (tạo scandal phản văn hóa) thì họ sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng mất khả năng kiểm soát hoặc tự sát.

Đỗ Thơm