Bình minh không bình yên dọc biên giới Nga - Ukraine

Bình minh không bình yên dọc biên giới Nga - Ukraine

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 27/04/2022 16:22

Giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông và miền Nam Ukraine, trong khi nông dân Ukraine ở vùng giáp giới tuyến miền Nam được nhìn thấy đang mặc áo giáp để cày ruộng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý “về mặt nguyên tắc” với sự tham gia của Liên hợp quốc (LHQ) và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) trong việc sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, miền Đông Nam Ukraine, LHQ cho biêt hôm 26/4.

Trong cuộc hội đàm ở Moscow, Tổng thống Putin và Tổng thư ký LHQ António Guterres đã thảo luận về tình hình tại nhà máy thép Azovstal - thành trì cuối cùng của người Ukraine ở thành phố cảng chiến lược Mariupol.

Hôm 21/4, sau nhiều tháng bao vây và giao tranh, Nga tuyên bố đã giành được toàn quyền kiểm soát thành phố Mariupol, ngoại trừ khu công nghiệp Azovstal khổng lồ với một hệ thống mê cung phức tạp dưới lòng đất.

Hôm 25/4, Nga tuyên bố đơn phương mở hành lang nhân đạo cho dân thường rời khỏi nhà máy thép, nhưng Ukraine không chấp nhận đề xuất và cáo buộc Nga vẫn đang tấn công vào khu vực này.

“Các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ được thực hiện với Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của LHQ và Bộ Quốc phòng Nga”, người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm.

Trước đó, hôm 26/4, ông Putin đã xác nhận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan rằng không có hoạt động quân sự nào đang diễn ra ở Mariupol và Kiev nên "chịu trách nhiệm" về những người bị mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal.

Ukraine hôm 25/4 đã kêu gọi LHQ và ICRC tham gia vào việc sơ tán dân thường khỏi Azovstal. Tổng thư ký Guterres dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 28/4.

Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, ông Guterres cho biết, ông đã đề xuất lập một "Nhóm Liên lạc Nhân đạo" gồm các quan chức Nga, Ukraine và LHQ "để tìm kiếm cơ hội mở các hành lang an toàn, chấm dứt các hành vi thù địch tại địa phương và đảm bảo rằng các hành lang nhân đạo thực sự hiệu quả".

Thế giới - Bình minh không bình yên dọc biên giới Nga - Ukraine

Oleksiy, một nông dân Ukraine ở vùng Zaporizhzhia, mặc áo giáp khi làm việc trên một cánh đồng, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, ngày 26/4/2022. Ảnh: Gazette

Giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Nông dân Ukraine ở vùng Zaporizhzhia giáp giới tuyến miền Nam được nhìn thấy đang mặc áo giáp để cày ruộng.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/4 tuyên bố, các lực lượng của họ đã "giải phóng" toàn bộ khu vực Kherson ở miền Nam Ukraine và một số khu vực của vùng Zaporizhzhia, Mykolaiv và Kharkiv, hãng thông tấn Interfax đưa tin. Nếu thông tin trên được xác nhận, đây được coi là một bước tiến quan trọng của Nga.

Các nhà chức trách Ukraine hôm 26/4 đã tháo dỡ một tượng đài khổng lồ từ thời Liên Xô ở trung tâm của thủ đô Kiev mang ý nghĩa tượng trưng cho tình hữu nghị Ukraine - Nga, theo Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko.

Bức tượng bằng đồng cao 8 m mô tả công nhân Nga và Ukraine vai kề vai, cùng nhau giơ cao biểu tượng tình hữu nghị của Liên Xô.

Bức tượng nằm dưới một "Vòm hữu nghị Nhân dân" khổng lồ bằng titan, được dựng lên vào năm 1982 để kỷ niệm 60 năm thành lập Liên bang Xô Viết.

Nhiều vụ nổ được nghe thấy ở các khu vực Nga giáp Ukraine

Một loạt vụ nổ đã được nghe thấy đầu ngày 27/4 tại thành phố Belgorod của Nga gần biên giới Ukraine, và một kho đạn trong tỉnh đã bốc cháy, Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết.

Ông Gladkov xác nhận không có dân thường nào bị thương do ngọn lửa bùng phát tại một cơ sở gần làng Staraya Nelidovka.

Nga trong tháng này đã cáo buộc Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod bằng máy bay trực thăng và nổ súng vào một số ngôi làng trong tỉnh.

Tỉnh Belgorod giáp với các vùng Luhansk, Sumy và Kharkiv của Ukraine, tất cả đều từng chứng kiến giao tranh ác liệt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 2 tháng trước.

Trong một diễn biến khác, ông Roman Starovoyt, Thống đốc tỉnh Kursk của Nga, giáp với tỉnh Sumy của Ukraine, cho biết các tiếng nổ đã được nghe thấy ở thành phố Kursk vào sáng sớm hôm 27/4, rất có thể là âm thanh của các hệ thống phòng không khai hỏa.

Tại Voronezh, trung tâm hành chính của một tỉnh khác của Nga giáp giới với Ukraine, hãng thông tấn TASS dẫn lời một quan chức Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết, 2 vụ nổ đã được nghe thấy trong khu vực và các nhà chức trách đang điều tra.

Nga đã bắn hơn 1.300 quả tên lửa ở Ukraine

Quân đội Nga đã phóng hơn 1.300 quả tên lửa vào Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hơn 2 tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thông tin.

Trong phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình Ukraine hôm 26/4, bà Maliar cho biết các lực lượng Nga đã sử dụng rất nhiều tên lửa phóng từ trên biển, trên không và trên mặt đất, theo hãng tin Ukrinform của Ukraine.

Thứ trưởng Maliar tuyên bố rằng dự trữ của Nga đã bị giảm một nửa, nhưng nước này vẫn giữ đủ tên lửa để tiếp tục gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Ukraine.

"Theo dữ liệu của chúng tôi, dự trữ tên lửa của họ đã giảm hơn một nửa kể từ khi họ phát động tấn công vào ngày 24/2", bà Maliar cho biết. "Hơn 1.000 quả tên lửa đã được sử dụng. Chính xác hơn là hơn 1.300 quả tên lửa", bà nói, đồng thời cho rằng Nga sẽ còn tiếp tục tấn công tên lửa ở Ukraine.

Thế giới - Bình minh không bình yên dọc biên giới Nga - Ukraine (Hình 2).

Bản đồ cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine đến ngày 26/4/2022, ngày thứ 62 của cuộc xung đột. Trận địa chuyển sang miền Đông và Nam Ukraine. Khu vực giáp giới Nga - Ukraine không bình yên. Ảnh: Al Jazeera

Bà Maliar cũng tuyên bố rằng, ngoài việc sử dụng các cuộc tấn công bằng tên lửa và lực lượng mặt đất, Nga đang cố gắng "tống tiền và đe dọa toàn thế giới" bằng cách xem xét việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đưa ra bình luận tương tự về các mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng, khi nói trong cuộc họp báo rằng Nga là mối đe dọa hạt nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 1986 và đang cố gắng "tống tiền thế giới bằng vũ khí hạt nhân", theo The Kyiv Independent.

Trang Newsweek (Mỹ) đã liên hệ với Chính phủ Nga để yêu cầu bình luận.

Gazprom xác nhận tạm dừng cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria

Việc cung cấp khí đốt của Nga cho Ba Lan và Bulgaria đã bị tạm dừng, Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga thông báo vào sáng 27/4.

Trong một tuyên bố mà các hãng thông tấn Nga trích dẫn, Gazprom cho biết, nguồn cung sẽ bị đình chỉ do các nước này chưa thực hiện thanh toán cho việc cung cấp nhiên liệu bằng đồng rúp theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuyên bố cho biết, nguồn cung sẽ bị ngừng cho đến khi các khoản thanh toán được thực hiện.

Ba Lan trước đó cho biết, họ dự kiến dòng khí đốt từ Nga qua Ukraine và Belarus bị cắt lúc 8h sáng ngày 27/4  (13h giờ Việt Nam).

Bộ Năng lượng Bulgaria cũng xác nhận rằng đã được Gazprom thông tin về việc ngừng cung cấp khí đốt kể từ ngày 27/4.

Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria đã cảnh báo việc Gazprom ngừng cung cấp khí đốt như vậy sẽ vi phạm hợp đồng hiện tại, vì việc giao khí đốt cho tháng 4 đã được thanh toán.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lên án động thái của Gazprom, nói rằng các nước EU sẽ hỗ trợ Ba Lan và Bulgaria. Bà nói: "Việc Gazprom tuyên bố đơn phương ngừng giao khí đốt cho khách hàng ở châu Âu là một nỗ lực khác của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ tống tiền".

Thế giới - Bình minh không bình yên dọc biên giới Nga - Ukraine (Hình 3).

Tượng đài thể hiện tình hữu nghị giữa Ukraine và Nga ở Kiev đang được tháo dỡ. Ảnh: Head Topics

Minh Đức (Theo Euractiv, Reuters, DW, Newsweek)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.