Sáng 28/10, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các thành viên Ban chỉ đạo, phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng".
Các biện pháp phòng chống dịch đang triển khai thực hiện chỉ mới đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xem xét để điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế và mục đích đề ra là phải kiểm soát cơ bản được dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, hiện tại, công tác phòng chống dịch của tỉnh là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đã có biểu hiện lơ là, chủ quan từ các cấp chính quyền và cả ở người dân. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất y tế phục vụ điều trị các ca nhiễm, tỉ lệ tiêm vắc-xin còn hạn chế. Cho nên, đây là nguyên nhân khiến các ca mắc mới trong cộng đồng gia tăng mạnh trong thời gian qua.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 2780/QĐ-UBND, khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục rà soát các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung điều trị, lên phương án về vật tư, sinh phẩm y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Về quản lý việc đi lại giữa các vùng trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong khu vực vùng đỏ, với khu vực cách ly y tế (khu vực phong tỏa cứng) phải thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 2780/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Các khu vực còn lại của vùng đỏ vẫn phải triển khai lập chốt kiểm soát để phong tỏa nếu chưa xác định được yếu tố dịch tễ trong khu vực này. Sau khi xác định được yếu tố dịch tễ, tiến hành thu hẹp phạm vi phong tỏa và bố trí chốt kiểm soát phù hợp.
Đối với vùng cam, thực hiện việc phong tỏa theo phạm vi hẹp đối với nơi có ca mắc, đồng thời quản lý chặt chẽ các đối tượng nguy cơ cao trong vùng này.
“Người từ vùng cam đi làm tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc vùng khác phải có cơ chế giám sát và bắt buộc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi đến nơi làm việc”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Đối với việc xử lý tình huống khi có ca F0 trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xử lý các trường hợp này tương tự cách thức xử lý một ổ dịch. Tiến hành phong tỏa hẹp, nếu cần thiết thì triển khai phong tỏa tạm thời theo quy mô thôn, khu phố để tiến hành xét nghiệm sàng lọc. Trên cơ sở kết quả xét nghiệm sàng lọc và đánh giá mức độ nguy cơ, tiến hành thu hẹp phạm vi phong tỏa.
Theo báo cáo của sở y tế, số lượng vắc-xin đã được phân bổ cho tỉnh Bình Thuận là 914.230 liều trong đó 86.880 liều AstraZeneca, 450.500 liều Vero Cell, 53.760 liều Moderna, 123.090 liều Pfizer.