Bộ cổ vật của người sở hữu long bào triều Nguyễn

Bộ cổ vật của người sở hữu long bào triều Nguyễn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
38 tuổi, người đàn ông có khuôn mặt còn khá trẻ Nguyễn Hữu Hoàng, trú tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đã có trong tay hàng triệu cổ vật với đủ chất liệu: Đá, gốm, sứ, vàng, bạc, đồng,... gắn với các thời đại lịch sử, các nền văn hóa cổ xưa.

Trong đó, nhiều hiện vật mang niên đại khủng cách đây khoảng 3000 - 5000 năm.

Một thập kỷ săn đồ cổ... bằng xe đạp

Xuất phát từ niềm đam mê, người đàn ông ấy đã tự thân tích lũy một lượng kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa các thời đại rồi gom góp nên kho tài sản khủng nói trên.

"Chuyện là, thời còn học trung học cơ sở, trong nhà tôi còn sót lại vài cái đĩa, bình sứ hồi thế kỉ XIX, nhìn những hoa văn, tiết họa trên đó, tôi mê lắm! Đầu lúc nào cũng đặt câu hỏi, vì sao dân ta ngày trước lại làm được như vậy?" - Hoàng chia sẻ về cái duyên ban đầu gắn bó với đồ cổ.

Sự kiện - Bộ cổ vật của người sở hữu long bào triều NguyễnHoàng giới thiệu hai cây kiếm cổ dưới thời nhà Nguyễn.

Đang học lớp 11, bỗng dưng Hoàng quyết định nghỉ học để đi sưu tầm đồ cổ, khiến cả nhà ai cũng sửng sốt. Gia đình Hoàng vốn làm nghề thợ mộc, không giàu nhưng cũng không đến mức phải để Hoàng bỏ học.

"Ba mẹ, anh em phản đối dữ lắm nhưng tôi cứ cứng đầu không nghe", Hoàng nói. Quyết là làm, ngay tờ mờ sáng hôm sau, với chiếc xe đạp cà tàng cùng gùi ba lô trên vai, Hoàng lên đường đi săn đồ cổ.

Thời gian đầu, do lạ nước lạ cái nên Hoàng chủ yếu đi quanh quẩn trong tỉnh. Dần dà, Hoàng rong ruổi khắp nơi, từ Nam chí Bắc, nghe hơi vùng nào có đồ cổ là Hoàng đạp xe đến cắm chốt săn lùng. Gặp món đồ rẻ, Hoàng dùng số tiền ba mẹ cho mua trước, đồ quý hiếm Hoàng về nhà vay mượn anh em rồi quay lại mua bằng được.

Mỗi chuyến đi của Hoàng thường kéo dài 15 ngày, có khi cả mấy tháng trời. Hoàng lội hết làng này sang làng khác, khi nào đầy ba lô thì mới chịu đạp xe về.

Hồi đó, đồ mang về chất đầy nhà nhưng cậu chàng vẫn chưa biết được niên đại và mức độ quý giá của nó, nên phải nhờ các bậc tiền bối đi trước chỉ vẽ, giải thích thông tin.

"Khi nghe họ tiết lộ những món đồ mình sưu tầm được thuộc đời dưới thời này, thời nọ là tôi mừng rơn người và lại càng máu đi", Hoàng tâm sự.

Về sau, khi cầm một lúc nhiều món đồ trên tay, Hoàng lại so sánh bằng cách trao đổi với những người chuyên sưu tập thể loại đồ đó, rồi dần tự mình xác định được đời, niên đại, địa điểm.

Vừa sưu tầm vừa trao đổi đồ cổ với đồng nghiệp, Hoàng bắt đầu có lợi nhuận và nhanh chóng tự chủ được tài chính. Để có được những món đồ quý hiếm, gặp cái gì cổ là Hoàng mua tất và mua với giá cao nhất.

"Thấy tôi làm nghề này, không ít người bảo tôi mát. Vì ngày đó, không có ai đi xe đạp mà mua cái tô hơn chục cây vàng như tôi!", Hoàng vừa nói vừa nhẩm tính: "Thế mà cũng đã hơn 10 năm trời đạp xe đi sưu tầm đồ cổ rồi đấy".

Kể lịch sử bằng cổ vật

Kiểu sưu tầm đồ cổ của Hoàng được dân cổ ngoạn đánh giá là không giống ai. Hoàng không đơn thuần sưu tầm tập trung vào một thể loại đồ nhất định, mà tổng hợp đa chủng loại, chất liệu. Từ đá, đồng, vàng, bạc đến gốm, sứ, vải, lụa, tranh, sách..., trong đó, dẫn đầu số lượng phải nói đến đồ gốm và sứ kí kiểu.

Theo Hoàng, những cổ vật mang chất liệu trên chủ yếu là ly, chén, tích, lư, bình được những người chuyên trách trong các triều đình phong kiến Việt Nam vẽ mẫu mã, hình hài rồi đưa sang Trung Quốc đặt làm. Vì vậy, trên bề mặt các đồ vật gốm, sứ kí kiểu thường có khắc họa hình ảnh sông Hương, núi Ngự, Kinh thành Huế, đồi Thiên An, đèo Hải Vân...

Sự kiện - Bộ cổ vật của người sở hữu long bào triều Nguyễn (Hình 2).Chiếc long bào lần đầu tiên được Hoàng đưa ra trưng bày triển lãm nhân dịp Festival Huế 2012.

Hoàng còn sở hữu nhiều bộ sưu tập tư liệu, hiện vật quý hiếm như sách Đồng (của vua Tự Đức ban phát cho hoàng tử, công chúa); sách lụa dưới thời vua Thành Thái, sách về thuốc nam, tướng số, phong tục tập quán thế kỉ XIX; các bức khảm khắc chân dung vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương (vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX - PV); trống đồng Đông Sơn (thuộc thời đại kim khí); đồ đá như dao đá, rìu đá (thuộc thời tiền và sơ sử, có niên đại cách đây khoảng 3000 - 5000 năm).

Bộ sưu tập là minh chứng khách quan và thiết phục nhất về quá trình phát triển lịch sử, đời sống văn hóa, tinh thần của dân ta ngày trước, Hoàng nói.

Phát hiện giá trị văn học cổ nhờ cổ vật

Điều đặc biệt là thông qua những cổ vật này, Hoàng phát hiện nhiều bài thơ, câu đối viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của các vua chúa triều Nguyễn ở Đàng trong và triều đình nhà Nguyễn ở Huế sáng tác (kí kiểu tại Trung Hoa từ nửa sau thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XX - PV), nhưng chưa từng được in thành sách và tư liệu.

Trong số các tác phẩm của Hoàng, có khi là một phần thi phẩm hoàn chỉnh, có khi là đoạn trích do chúa Nguyễn Phúc Chu, hòa thượng Thạch Liêm (tức Thích Đại Sáng), vua Thiệu Trị, hay một tác giả khuyết danh sáng tác.

Dù sở hữu hàng ngàn cổ vật quý hiếm thuộc mọi miền đất nước, nhưng chưa bao giờ Hoàng nghĩ sẽ giữ chúng cho riêng mình. Đổi lại, anh thường xuyên hiến tặng hiện vật cho Hội Võ thuật Cổ truyền Huế (như kiếm cổ dưới thời nhà Nguyễn); Trung tâm Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) cùng một số nhà lưu niệm trong và ngoại tỉnh (như đồ đá, đồ đồng, gốm, sứ).

Đặc biệt, trong đợt Festival Huế 2012, lần đầu tiên tại Việt Nam, 12 bộ trang phục cung đình do Hoàng cất công sưu tầm (ở Huế và Quảng Trị) trong gần 20 năm qua được trưng bày triển lãm. Đây là những bộ trang phục đặc biệt quý hiếm, có giá trị cao về mặt văn hóa, lịch sử, gồm long bào, áo hoàng hậu, cung nữ, quan quân quần thần dưới thời nhà Nguyễn.

"Không chỉ người dân mà cả giới chơi cổ ngoạn cũng bất ngờ khi biết tôi có được bộ hiện vật này, vì họ chưa một lần được xem", Hoàng khoe. Tuy nhiên, theo Hoàng, trong số trang phục trưng bày, hiện có chiếc long bào của một vị vua vẫn đang còn là một bí ẩn và gây nhiều tranh cãi.

Dựa vào địa điểm sưu tầm, kích cỡ của long bào ứng với thời gian vị vua cùng các quần thần di chuyển, rất có thể đây là áo của vua Hàm Nghi - Hoàng nhận định. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, theo những đường thêu và huy hiệu gắn hai bên áo, khả năng đây là long bào của vua Khải Định?

Với Hoàng, chuyện đem hiện vật đi hiến tặng, trưng bày triển lãm như trên không phải để ra oai, kể công mà là việc làm thể hiện tình yêu quê hương đất nước. "Tôi nghĩ đây là việc làm tối thiểu mà những người sưu tầm đồ cổ như mình có thể làm được. Điều tôi vui nhất là những cổ vật ấy được toàn vẹn trở về với cái nơi mà trước kia nó vốn ở đó" - chủ nhân của bộ sưu tập bộc bạch.

Trong nghiệp sưu tầm đồ cổ, buồn vui Hoàng nếm đủ nhưng một kỉ niệm khiến Hoàng nhớ nhất, đó là khoảng thời gian theo đuổi một chiếc dĩa kí kiểu vẽ hình con bọ ngựa, đề hiệu Tây Hưng Lăng Cổ dưới thời Lê Trịnh (thế kỉ XVIII). Nói anh em đừng cười.

"Tôi theo đuổi chiếc dĩa này đúng 8 năm trời! Vì có quá nhiều người muốn mua chiếc dĩa quý này (cả nước Việt Nam dưới thời đó chỉ có đúng 5 cái), mặc dù mình trả giá tay trên nhưng vì sợ hớ lại vừa luyến lưu của quý nên người giữ nó nửa muốn bán, nửa không. Khi hàng chục các tay chơi đồ cổ khác buông xuôi thì chỉ còn tôi theo nó. Thế nhưng, mãi đến ngần ấy năm người giữ nó mới xiêu lòng đồng ý bán", Hoàng cười mãn nguyện.

Tiêu Sơn - Loan Nguyễn