Bộ Công an đề xuất gắn chip trên thẻ căn cước công dân

Bộ Công an đề xuất gắn chip trên thẻ căn cước công dân

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 12/08/2020 10:50

Bộ Công an đề xuất Chính phủ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip để tích hợp các thông tin về bảo hiểm, bằng lái... Theo quy trình, hiện đề xuất này đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Báo Người lao động, ngày 11/8, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (bộ Công an) cho biết, nếu được Chính phủ phê duyệt và đáp ứng được các yêu cầu thì từ tháng 11/2020 sẽ bắt đầu cấp căn cước công dân gắn chip trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Huệ, người dân đã được cấp thẻ căn cước công dân dạng mã vạch vẫn sử dụng bình thường, khi hết thời hạn sử dụng thì mới đổi lại thẻ căn cước công dân có gắn chip. Tương tự, người dân đã được cấp thẻ CMND loại 12 số cũng không phải thay đổi.

Chính sách - Bộ Công an đề xuất gắn chip trên thẻ căn cước công dân

Thẻ căn cước công dân hiện nay được thiết kế bằng thẻ nhựa có chứa khoảng 20 thông tin. (Ảnh minh họa)

Về lý do đổi thẻ căn cước công dân có chip điện tử, ông Huệ cho biết thẻ căn cước công dân hiện nay dùng mã vạch. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và quan điểm của Chính phủ, mã vạch 2 chiều hiện nay không phát huy được lợi thế khi muốn tích hợp thêm thông tin và thực hiện Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã sản xuất được chip điện tử nên giá thành rẻ, ưu thế hơn mã vạch.

Theo báo Tuổi trẻ, hiện mới cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân, còn khoảng 80 triệu người chưa được cấp, trừ số người dưới 14 tuổi thì còn khoảng 50 triệu người, và có thể hoàn thành cấp trong một năm (từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021).

Để kịp tiến độ cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an có chủ trương đẩy nhanh tiến độ (gồm cả tuyên truyền, khuyến khích người dân đi làm thẻ căn cước công dân). Thực hiện chủ trương, thời gian qua Công an TP.HCM và nhiều tỉnh thành đồng loạt đẩy nhanh tiến độ cấp đổi căn cước công dân.

Tại TP.HCM, từ ngày 1/7, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) và công an quận huyện đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân thêm vào sáng chủ nhật hằng tuần, trừ những ngày lễ, tết. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC06) và công an quận, huyện cũng tăng cường cấp căn cước công dân lưu động và tại công an xã, phường, thị trấn... trong trường hợp cần thiết.

Tích cực hơn, PC06 còn hỗ trợ người dân đăng ký theo giờ hẹn qua số điện thoại tổng đài và đăng ký online. Nhưng giờ đang bối rối trước thông tin mẫu căn cước công dân sắp tiếp tục đổi.

Thẻ căn cước công dân hiện nay sử dụng công nghệ mã vạch. Sau khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip để trở thành thẻ công dân điện tử. C06 đề nghị công an các tỉnh thành giải thích cho người dân, những người chưa thật sự cần thiết cấp đổi thẻ căn cước công dân nên đợi để sắp tới đổi sang mẫu mới có gắn chip.

VnExpress đưa tin, trước đó, trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nói, theo kế hoạch dự kiến, sau này mỗi công dân "chỉ cần tấm thẻ in mã chip điện tử là có thể sử dụng cho nhiều loại giao dịch, giải quyết các thủ tục khác nhau".

Theo Đại tướng Tô Lâm, việc gắn chip điện tử hay mã QR code vào thẻ căn cước công dân sẽ giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn.

Theo Luật Căn cước công dân 2014, công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Bộ Công an dự kiến trong trường hợp được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận cấp thẻ gắn chip, các đơn vị sẽ cấp cho công dân đủ 14 tuổi trở lên hay những người cấp lần đầu. Những người đã có thẻ căn cước công dân có mã vạch thì không bắt buộc phải đổi sang thẻ gắn chip khi chưa hết hạn.

H.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.