Trong lúc dư luận còn đang tập trung vào thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở điểm nóng Idlib của Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã châm ngòi cho một cuộc chiến giá dầu tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, và các công ty dầu khí Mỹ có thể là nạn nhân, tờ CNBC nhận định.
Đây được coi là bước đi trả đũa của Nga đối với hành động trừng phạt của Mỹ trong nhiều tháng qua.
Nga đảo ngược thị trường dầu
Vào buổi sáng ngày 7/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak bước vào trụ sở của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo, để thông báo rằng Moscow đã sẵn sàng đảo ngược thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nói với người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, ông Novak cho biết, Nga không muốn cắt giảm sản lượng dầu thêm nữa.
Điện Kremlin quyết định rằng việc trợ giá dầu khi nhu cầu năng lượng suy giảm bởi tác động của dịch virus corona sẽ là một món quà cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.
Các công ty của Mỹ đã bán ra hàng triệu thùng dầu trên thị trường toàn cầu trong khi các công ty Nga thì phải chịu ngồi yên. Đó được coi là một sự bất công.
Sau năm giờ thảo luận nhưng không có kết quả, khi Nga vẫn kiên quyết với chiến lược của mình, cuộc đàm phán đã đổ bể hôm 7/3. Tờ Los Angeles Times dẫn lại lời kể của một người trong phòng họp cho biết, các bộ trưởng có mặt khi đó đã rất sốc, họ không biết phải nói gì.
Trong vài tháng qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và nhóm của ông đã nhiều lần nói với các quan chức Saudi rằng họ cảm thấy ổn khi tham gia liên minh OPEC + nhưng không muốn cắt giảm sản lượng, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Trong cuộc họp cuối cùng của OPEC vào tháng 12, Nga đã đàm phán một vai trò để cho phép nước này duy trì sản xuất ở mức ổn định trong khi Saudi tiếp tục giảm mạnh sản xuất.
Khi dịch virus corona bắt đầu tàn phá hoạt động kinh tế Trung Quốc vào đầu tháng 2 - cắt giảm 20% nhu cầu dầu đối với khách hàng lớn nhất của Saudi - Hoàng tử Abdulaziz đã cố gắng thuyết phục người đồng cấp Novak rằng nên kêu gọi một cuộc họp OPEC + sớm để đáp ứng cắt giảm nguồn cung.
Ông Novak nói không. Nhà vua Saudi và Tổng thống Putin cũng đã nói chuyện qua điện thoại về vấn đề này – nhưng tất cả đều vô ích.
Người Nga không loại trừ khả năng cắt giảm sản lượng dầu nhưng vẫn bảo lưu quan điểm rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng cần phải có sự chia sẻ tương tự trong thời điểm hiện tại.
Moscow chắc chắn không muốn giúp cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ hưởng lợi trong khi tập đoàn Rosneft vẫn còn bị trừng phạt.
Thái tử Saudi đã cân nhắc việc gọi cho Tổng thống Putin hôm 7/3, nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin nói rõ với các phóng viên rằng nhà lãnh đạo Nga không có kế hoạch tham gia vào vấn đề trên.
Tác động đã xuất hiện rõ nét trên thị trường châu Á hôm 9/3, khi giá dầu giảm 31% trong vài giây sau khi mở giao dịch, mức giảm tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Dầu thô Brent giảm xuống mức thấp nhất 31 USD/thùng, trong khi Goldman Sachs Group Inc. cảnh báo giá có thể giảm xuống mức 20 USD. Tương lai thị trường chứng khoán cũng cho thấy những ngày đầy u ám ở Phố Wall.
Tức giận
Trong hơn ba năm qua, Tổng thống Vladimir Putin đã giữ Nga trong khuôn khổ OPEC +, liên minh gồm Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC để cắt giảm sản xuất dầu và trợ giá.
Ưu tiên quan trọng nhất là để giúp lấp đầy kho bạc của Nga khi xuất khẩu năng lượng là nguồn thu lớn nhất của đất nước. Trong khi đó, liên minh cũng mang lại lợi ích về chính sách đối ngoại, tạo ra một mối quan hệ với nhà lãnh đạo mới của Saudi, Thái tử Mohammed bin Salman.
Nhưng thỏa thuận của liên minh OPEC + lại vô tình hỗ trợ cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ và Nga ngày càng tức giận với việc chính quyền Donald Trump sẵn sàng sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị và kinh tế để trừng phạt các quốc gia khác.
Điều đặc biệt khó chịu là việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn việc hoàn thành đường ống nối các mỏ khí của Siberia với Đức, một dự án được gọi là Nord Stream 2. Nhà Trắng cũng nhắm mục tiêu trừng phạt đối với tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga khi làm ăn với Venezuela.
“Với những áp lực trên, Điện Kremlin đã quyết định hy sinh OPEC + để ngăn chặn sự trỗi dậy của các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng như trừng phạt chính Washington vì đã gây rối với Nord Stream 2”, ông Alexander Dynkin, chủ tịch Viện Kinh tế Toàn cầu và Quan hệ Quốc tế tại Moscow, nói với Los Angeles Times.
“Tất nhiên, đảo lộn mọi thứ với Saudi có thể là một điều rủi ro, nhưng đây là chiến lược của Nga vào lúc này – với biểu đồ lợi ích linh hoạt”.
Theo một số nguồn tin, thỏa thuận OPEC + chưa bao giờ được lòng các nhân vật trong ngành dầu khí Nga, những người cảm thấy khó chịu khi phải kìm hãm đầu tư vào các dự án mới có khả năng sinh lợi.
Ngoài ra, Điện Kremlin cũng thất vọng vì liên minh với Riyadh đã không mang lại những khoản đầu tư lớn của Saudi vào Nga.