Xem xét tình hình để đưa học sinh quay trở lại trường
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) đặt câu hỏi: Sau một thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch cả xã hội đều mong muốn cho học sinh sớm trở lại trường để việc học được chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay phụ huynh, nhất là ở bậc tiểu học rất tâm tư và chưa thực sự yên tâm khi con em chưa được tiêm vắc-xin mà vẫn trở lại trường. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng như thế nào? Bộ có biện pháp cụ thể gì liên quan đến vấn đề này để tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh?
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, về tình hình học sinh ở nhà đã lâu, mong muốn đến trường cho an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, nội dung này trong buổi chất vấn sáng hôm qua mọi người cũng đề cập và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trao đổi. Về phía trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ ngành giáo dục đã có kế hoạch thúc đẩy việc đưa học sinh quay trở lại trường học an toàn. Bộ cũng đã ban hành văn bản số 4808 và 4826 vừa hướng dẫn về chuyên môn, vừa đồng thời có những định hướng.
Bộ trưởng cho biết, về mặt quan điểm, đối với các đơn vị cấp xã, phường đang là vùng xanh, vùng an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu quay trở lại trường.
“Hiện nay, các tỉnh phần nhiều là xử lý theo quy mô cấp quận, huyện, nhưng có thể mạnh mẽ hơn xử lý đến cấp phường, cấp xã đối với đối tượng mầm non và tiểu học. Quy mô của các trường tiểu học và mầm non thì thường là phù hợp với quy mô của địa bàn xã, còn các trường trung học đến quy mô của cấp huyện, nếu như trong quy mô nhỏ nhất đến cấp xã, phường thuộc các vùng xanh thì có thể đưa học sinh tới lớp mà không cần đợi cả huyện hoặc cả tỉnh. Đối với trường trung học một huyện đã thuộc vùng xanh, vùng an toàn thì đưa các cháu quay trở lại học tập và sinh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc đến việc tiêm vắc-xin cho học sinh lứa tuổi từ 12 tuổi trở xuống, bây giờ vẫn còn là câu chuyện phía trước, nhưng chúng ta khi đưa học sinh trở lại trường có thêm các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của hai Bộ, chúng tôi nghĩ là cũng có thể tiến hành được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, các đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ để xem xét tình hình để đưa học sinh quay trở lại trường, nhưng tinh thần chung là vừa thực tiễn nhưng cũng rất cương quyết, mạnh mẽ xử lý trong nội dung công việc này.
Không bê nguyên chương trình trực tiếp để dạy online
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ) chất vấn, việc dạy học trực tuyến vẫn dạy theo nội dung chương trình trực tiếp, Bộ GD&ĐT có kế hoạch gì để điều chỉnh nội dung chương trình học?
Về chương trình dạy học trực tuyến thì vẫn dùng chương trình trực tiếp. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, việc dạy của chương trình giáo dục phổ thông năm nay, Bộ đã ban hành Văn bản số 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.
Về việc tinh giản chương trình, năm 2019-2020 trước tình hình dịch bệnh, Bộ đã hai lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình dạy học trong điều kiện dịch bệnh.
Năm học 2021-2022 Bộ thêm một lần nữa rà soát nhưng lần này chương trình được xác định là một chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải chương trình mỗi năm rút một ít thì không còn gì.
“Điểm khác biệt của chương trình trong văn bản 4040 là một chương trình xác định những yêu cầu, những nội dung mang tính cốt lõi và đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước các nội dung đúng theo chương trình cốt lõi, nếu tiếp tục an toàn thì quay lại củng cố và mở rộng, còn những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi, nếu được quay trở lại nhà trường cũng lại củng cố và mở rộng thêm... Theo chương trình này thì việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình cốt lõi này. Như vậy, không phải bê nguyên chương trình bình thường bên ngoài vào dạy trực tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đừng nhồi nhét phiếu đánh giá khi học sinh trở lại trường
ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cũng dành câu hỏi chất vấn Bộ trưởng: Theo báo cáo của Bộ trưởng, có 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức trực tuyến. Số lượng máy tính huy động mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho biết một, việc học trực tuyến của 53,9% học sinh hoàn cảnh khó khăn còn lại như thế nào? Hai, Bộ trưởng đánh giá chất lượng học trực tuyến như thế nào, nhất là đối với học sinh cấp tiểu học khối lớp đầu cấp? Giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ riêng có ở Việt Nam, đây là một việc mà cả thế giới phải làm.
Đối với Việt Nam chúng ta có kinh nghiệm đã chuẩn bị trong đợt dịch trước và việc dạy trực tuyến cũng đã có từ các năm 2019-2020 với tư cách là một hình thức bổ trợ đã có từ lâu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bước vào năm 2021 quy mô, tính chất thời gian là chưa từng có kinh nghiệm và tiền lệ. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức. Đối với chúng ta, ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh chuyển sang dạy trực tuyến trong những điều kiện mà cả nước còn hết sức khó khăn. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã rất quan tâm đến chuyển đổi số quốc gia, đến phát triển hạ tầng công nghệ, nhưng mức độ của chúng ta còn có những khó khăn.
“Theo thống kê, không phải là 1,5 triệu cháu không có trang thiết bị học tập mà là 1 triệu 867 học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có được điện thoại thì trong những hoàn cảnh nào đó cũng là tốt, có gia đình 2-3 anh chị em mới có một điện thoại để học. Đây là một việc bất đắc dĩ để ứng phó. Cho nên, trước khi quan tâm đến chất lượng thì một trong vấn đề rất nóng cũng mong lãnh đạo các địa phương chia sẻ quan tâm, đó là làm thế nào để các cháu không có thiết bị gì trong tay, một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được. Đó là vấn đề cấp bách hơn trước khi chúng ta đánh giá xem các cháu học được gì”, Bộ trưởng bày tỏ.
Trong số hơn 20 tỉnh, thành đang học trực tuyến thì khu vực miền núi và trung du phía Bắc, các vùng địa hình chia cắt, rừng núi, khó khăn bậc nhất lại đang học trực tiếp.
Để đánh giá được chất lượng hiệu quả việc dạy trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có theo dõi thường xuyên hàng ngày xem diễn biến của các đơn vị, xem việc dạy đến đâu, tình hình giáo viên dạy như thế nào, tương tác ra sao, việc này được theo dõi thường xuyên, khó khăn như thế nào, Bộ cũng đang tổ chức hỗ trợ về máy tính và các thiết bị học tập.
“Để đánh giá được kết quả mức độ đạt được của dạy học trực tuyến, khi các cháu quay lại trường phải có kiểm tra, đánh giá, lúc đấy chúng ta mới biết được một cách đầy đủ, nhưng chắc chắn việc học trực tuyến là có những thách thức và có những ảnh hưởng đến chất lượng. Chúng ta không thể nói là chuyển sang học trực tuyến mà vẫn hoàn toàn chất lượng như là học trực tiếp thì điều đó hết sức khó”, Bộ trưởng nói.
Trong công văn 4808 Bộ hướng dẫn các đơn vị bổ sung, củng cố kiến thức khi các cháu quay lại trường. “Chúng tôi có yêu cầu nhà trường khi học sinh quay trở lại trường, việc đầu tiên đừng lôi các em ra đánh giá xem được gì trong đầu ngay, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên phải cho các em làm quen lại với trường học. Học cách phòng tự phòng, chống dịch cho bản thân, làm quen lại với môi trường. Sau đó lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái, rồi sau đó hãy bắt đầu, chứ đừng nhồi nhét ngay và không quẳng ngay vào trong tay các em, các loại phiếu khảo sát, các loại đánh giá”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Về giải pháp củng cố chất lượng trong nhóm học sinh sẽ quay trở lại trường, Bộ trưởng cho hay căn cứ vào các nội dung chương trình cốt lõi thì nhà trường sẽ củng cố kiến thức dựa theo cốt lõi đó sẽ mở rộng. Khi học sinh đã quay trở lại trường học trực tiếp thì cũng không bỏ việc học các bài giảng trên truyền hình và công cụ dạy học trực tuyến nếu đã có.