Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2019 đạt khoảng 472 tỷ USD và được dự báo vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12.

Năm 2019, Việt Nam ghi nhận xuất siêu khoảng 11 tỷ USD, cao nhất từ năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 242 tỷ USD, nhập khẩu xấp xỉ 231 tỷ USD. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.

Để đạt mức xuất siêu kỷ lục có sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp nước ngoài với 167 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 4% so với cùng kỳ; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Đồng thời, việc tăng xuất sang một số quốc gia trong CPTPP như Canada, Mexico... cũng tạo đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Kết quả này được xem là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong bối cảnh kinh tế thế giới 2019 tăng trưởng chậm với nhiều bất ổn, thương mại toàn cầu giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước.


Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Các tỷ phú người Việt năm vừa qua liên tục ghi dấu ấn khi lọt vào BXH những người giàu nhất hành tinh. Tháng 3/2019, tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2019. Theo đó, Việt Nam có 5 đại diện sở hữu tài sản tỷ USD. Đó là Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco - Trần Bá Dương và 2 cái tên hoàn toàn mới là Chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank - Hồ Hùng Anh.

Trong đó người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup có thời điểm đã cán mốc 10 tỷ USD tổng tài sản. Đây là năm thứ 7 liên tiếp ông Vượng có tên trong danh sách này, với tài sản 6,6 tỷ USD, đứng thứ 239 thế giới, tăng 2,3 tỷ USD so với năm ngoái.

Trong khi đó, Madam Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lần thứ 3 góp mặt, với tài sản 2,3 tỷ USD, đứng thứ 1.008. Bà Thảo cũng gây ấn tượng khi lọt vào danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh năm 2019.


Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Ngày 19/2/2019, Bộ NN&PTNT chính thức công bố thông tin Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đây được xem là dịch bệnh nguy hiểm, hiện chưa có vắc-xin phòng chống và chưa thể chữa trị.

Tính đến trung tuần tháng 12, trên toàn quốc đã tiêu hủy gần 6 triệu con với trọng lượng 342.802 tấn, chiếm hơn 8% tổng trọng lượng lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch. Tổng thiệt hại đến nay chưa thể tính toán chính xác.

Dịch xảy ra trên diện rộng đã khiến nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thịt lợn tăng cao kỷ lục trong những tháng cuối năm. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu gần 100.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 101% về lượng và tăng gần 95% về trị giá.

Trước nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm, Chính phủ dự kiến tiếp tục nhập khẩu thịt lợn và tổ chức các biện pháp bình ổn giá. Các mặt hàng khác như thủy sản, gia cầm, trứng, trâu bò... được chuẩn bị để bù đắp cho việc thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2020.


Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Ngày 16/1/2019, Hãng hàng không Bamboo Airways chính thức gia nhập thị trường hàng không với chuyến bay thương mại đầu tiên TP.HCM - Hà Nội. Sau 8 năm, Việt Nam lại có thêm một hãng hàng không mới ra đời, mở ra cuộc cạnh tranh giành thị phần nội địa giữa các hãng hàng không.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty cổ phần hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh (dự án Hãng hàng không Cánh Diều - Kite Airlines) cũng đang hoàn thành các thủ tục để khai thác thương mại.

Song song với việc thành lập hãng hàng không, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của ngành hàng không như: Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways, học viện Hàng không Vietjet.


Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Năm 2019 ghi nhận việc một loạt ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.

Basel II là chuẩn mực cao nhất được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính... Tiêu chuẩn này sẽ giúp các ngân hàng thương mại đảm bảo các chỉ số vốn, yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, góp phần củng cố nền tảng vững chắc cho hệ thống tài chính tín dụng và cho nền kinh tế.

Tiêu chuẩn Basel II sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Hiện đã có 18 ngân hàng trong hệ thống đáp ứng chuẩn Basel II, trong đó có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài.


Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Năm 2019, lĩnh vực bất động sản chứng kiến nhiều vụ xử lý các dự án “ma” và một trong những sự kiện đáng chú ý là sự sụp đổ của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba).

Dù chỉ là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm do cá nhân đứng tên sở hữu và không được cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư dự án nhưng Địa ốc Alibaba vẫn tự bịa tên dự án, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hàng ngàn khách hàng thông qua hình thức cam kết lợi nhuận.

Ngày 18/9/2019, Bộ Công an đã phối hợp cùng Công an TP.HCM khám xét trụ sở địa ốc Alibaba, sau đó khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thái Luyện (CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba) cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (TGĐ Địa ốc Alibaba) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định Địa ốc Alibaba đã môi giới cho hơn 6.700 khách hàng nhận chuyển nhượng đất tại các dự án “ma”, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng.

Sau Địa ốc Alibaba, một doanh nghiệp chuyên vẽ dự án “ma” khác tại TP.HCM bị điều tra.

Ngày 2/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, ngụ Q.4), Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, Công ty Angel Lina của bà Nhung đã dựng lên nhiều dự án “ma” trên đất công cộng, đất quy hoạch tại quận 9, quận Bình Tân rồi rao bán cho người dân dưới hình thức góp vốn đầu tư, chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng.

Ngày 21/11, CSĐT Công an TP.HCM cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1970, ngụ TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land) để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây nhất, ngày 19/12, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đã ra quyết định bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát là công ty hoạt động tương tự Công ty Alibaba, rao bán dự án “ma”, bán đất nền trên đất nông nghiệp có dấu hiệu lừa đảo.


Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2019: Những nét chấm phá đặc sắc nhất

Năm 2019, các lực lượng chức năng đã vạch trần rất nhiều vụ việc thương hiệu hàng hóa nhập nhèm xuất xứ “Made in Vietnam” và “Made in China”, lừa dối người tiêu dùng như vụ Asanzo, Seven AM... Gần đây nhất, thông tin hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu Seven AM nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam đã làm xôn xao dư luận.

Hệ thống cửa hàng thời trang Seven AM chính thức xuất hiện năm 2009, đến nay đã có mặt tại 18 tỉnh, thành phố với hệ thống 24 showroom. Thương hiệu thời trang này đã từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: “Top 20 DN Toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng” và “Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp nhà nước - Top 15 DN Hội nhập và Phát triển toàn quốc”.

Trước đó, dư luận rúng động khi Asanzo bị báo chí điều tra và phát hiện nhập nhèm hàng Made in Vietnam và Made In China.

Sáng 28/10, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về chống gian lận xuất xứ đối với vụ việc Asanzo. Cơ quan hải quan cho biết quy trình lắp ráp của doanh nghiệp này không như quảng cáo. Việc lắp ráp TV, điều hòa nhiệt độ, máy xay sinh tố... đều diễn ra trên các bàn thủ công, không có dây chuyền hiện đại.

Các sản phẩm nêu trên, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.

Việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1-2%, do đó căn cứ vào các quy định thì không thể cho rằng đây là sản phẩm “made in Vietnam”, có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.

“Cả linh kiện, tem nhãn, phiếu bảo hành cũng in ở nước ngoài. Trong nước chỉ là công đoạn lắp ráp rất đơn giản thôi”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Hải quan, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết.