Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép'

Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép'

Thứ 3, 23/04/2013 | 14:34
0
Cùng vẽ lại bức tranh môi trường thế giới trong năm 2012, để chúng ta có thể xác định hướng đi, nêu cao quyết tâm và thiện chí cũng như vạch ra những đường hướng cụ thể và hiệu quả cho con đường đấu tranh chống lại sự nóng lên toàn cầu, bảo vệ trái đất, hướng tới phát triển bền vững cho sự sống của loài người.

1. Năm 2012 nắng nóng kỷ lục

Mặc dù đã dịu bớt do hiện tượng La Nina hồi đầu năm, nhưng 2012 vẫn được coi là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Hai biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng nắng nóng bất thường ở Mỹ và hiện tượng tan băng với tốc độ rất nhanh ở vùng Bắc Cực.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép'

Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 28/11 cho biết, các đợt nắng nóng khủng khiếp đã liên tục xảy ra tại Mỹ và châu Âu. Trong giai đoạn từ tháng 1-10, nhiệt độ trung bình ở Mỹ đạt mức cao nhất trong lịch sử của châu lục này và cao thứ 9 trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), tháng 7/2012 là tháng nóng nhất được ghi nhận trong 117 năm qua tại 48 bang của Mỹ và cũng là tháng nóng nhất trong 1.400 tháng nóng ở Mỹ kể từ năm 1895.

Nhiệt độ của trái đất nóng dần lên là nguyên nhân chính làm tan chảy các núi băng ở vùng Bắc Cực, làm dâng mực nước biển. Trung tâm dữ liệu về tuyết và băng ở bang Colorado (Mỹ) hồi tháng 9 công bố báo cáo cho biết, diện tích băng phủ ở vùng biển Bắc Cực hiện đã giảm 18% so với mức thấp kỷ lục năm 2007, chỉ còn khoảng 3,41 triệu km2. Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí "Nghiên cứu môi trường" ngày 27/11 cũng cho thấy, mực nước biển dâng trung bình là 3,2 mm/năm, nhanh hơn so với dự đoán 2mm/năm trong báo cáo của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPCC) công bố năm 2007.

2. Hạn hán - một trong những nguyên nhân đẩy giá lương thực tăng cao

Năm 2012, nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân các châu lục từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ, đặc biệt đẩy giá lương thực tăng cao.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép' (Hình 2).

Ảnh minh họa: Internet

Hạn hán nghiêm trọng đã tàn phá hàng mùa vụ của hàng nghìn nông dân tại khu vực Đông Nam châu Âu. Theo ước tính, hơn 5 triệu hecta đất gieo trồng tại Nga đang bị thất thu do hạn hán, thiệt hại hơn 30 tỷ Rub, tương đương hơn 1 tỷ USD. Tại các nước như Bosnia và Serbia, những quốc gia chủ yếu làm nông nghiệp, thiệt hại do hạn hán đã lên tới hàng triệu euro. Còn tại Rumania, nhiều cánh đồng ngô, lúa mỳ và hoa hướng dương đều bị chết khô vì thiếu nước...

Châu Á cũng phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài. Ấn Độ trải qua một đợt hạn hán tồi tệ với lượng mưa ít hơn 70% so với mọi năm, làm hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất lương thực của nước này. Tại Campuchia, hạn hán cũng hoành hành ở 11 trong tổng số 24 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hecta trồng lúa. Nhiều khu vực tại CHDCND Triều Tiên cũng rơi vào cảnh hạn hán trầm trọng nhất trong vòng 5 thập kỷ qua, khiến các diện tích trồng lúa, ngô đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi các cánh đồng lúa mì, lúa mạch và khoai tây tại các khu vực hạn hán bị hư hại hoàn toàn...

Tại châu Mỹ, Mỹ là nước phải hứng chịu đợt hạn hán nặng nề nhất trong lịch sử khi có tới 3/4 bang có diện tích đất canh tác bị hủy hoại. Theo ước tính, sản lượng ngũ cốc trên mỗi mẫu đã giảm mất 25% và đậu nành là 14%. Khoảng 2.500 hạt trên toàn nước Mỹ đã buộc phải nhận trợ cấp thảm họa do nạn hạn hán – một trong những nguyên nhân đẩy giá bán lẻ lương thực tăng thêm 3 – 4% trong năm tới. Khu vực Đông Bắc Brazil cũng phải trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng nửa thế kỷ qua, gây thiệt hại nặng nề cho các nông trại, với nhiều nông trang bị mất 50% số vật nuôi trong khi cây trồng cằn cỗi, chết khô...

3. Thời tiết giá lạnh, băng giá kỷ lục

Hiện tượng biến đổi khí hậu đã không thể phủ nhận và tiếp tục gây ra những diễn biến bất thường “nóng – lạnh” của thời tiết. Tại khắp các châu lục trên thế giới, người dân phải hứng chịu những đợt khí hậu lạnh giá khắc nghiệt.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép' (Hình 3).

Ảnh minh họa: Internet

Một mùa đông 2012 với nhiệt độ xuống thấp kỷ lục đã khiến hàng chục và thậm chí là hàng trăm người trên khắp Trung và Đông Âu thiệt mạng hay phải nhập viện điều trị. Ít nhất 50 người đã thiệt mạng, chủ yếu là ở Ukraine và Ba Lan, khi khối khí lục địa băng giá từ Siberia kéo nhiệt độ của vùng trung và đông châu Âu xuống -27°C trong những ngày đầu năm nay. Thời tiết lạnh giá còn trải rộng đến các nước miền Nam châu Âu như Bulgaria. Nhiệt độ tại thủ đô Sofia đã ở mức -20°C, thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Tới cuối năm, Nga và Đông Âu cũng tiếp tục phải gánh chịu thời tiết giá lạnh. Ngày 29/11, thủ đô của Nga đã đón đợt tuyết rơi đầu tiên trong mùa đông, cũng là trận tuyết lớn kỷ lục trong suốt 50 năm qua. Sau đó, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, ngày 24/12, đã phải lên tiếng cảnh báo thời tiết lạnh giá bao trùm hầu hết lãnh thổ nước này, khiến ít nhất 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác phải nhập viện. Tại Ukraine, nhiệt độ trung bình là -15°C, tuyết rơi dày trong nhiều tuần qua, đã khiến 83 người chết vì lạnh và khoảng 526 người khác phải nhập viện điều trị. Tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng tại Ba Lan, Lithuania, Latvia, Cộng hòa Czech và Slovakia...

Tại châu Á, thời tiết giá lạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Nhà chức trách Trung Quốc, ngày 04/11, đã nâng mức báo động từ màu da cam lên màu đỏ sau khi tuyết tiếp tục rơi dày đặc tại các tỉnh miền Bắc. Riêng tại thủ đô Bắc Kinh, tuyết được cho là rơi dày nhất hơn 50 năm qua.

Từ nhiều ngày nay, một đợt giá lạnh mùa đông gây ra bão tuyết đã tác động mạnh đến nước Mỹ, từ Vịnh Mexico tới khu vực Hồ Lớn (Great Lakes), khiến 7 người thiệt mạng và rất nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Cơ quan khí tượng Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về "điều kiện đi lại nguy hiểm do tuyết và băng phủ kín các con đường", cũng như tình trạng tuyết phủ dày trên các cành cây và các trạm điện có thể dẫn đến việc cắt điện. Các cảnh báo cũng được đưa ra, khuyên người dân nên ở nhà thay vì đi ra ngoài có gió mạnh và nhiệt độ băng giá.

4. Bão, lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Liên tiếp trong năm 2012, các quốc gia trên toàn thế giới phải gánh chịu những hệ quả khôn lường từ các trận bão, lũ liên tiếp tràn qua.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép' (Hình 4).

Ảnh minh họa: Internet

Sandy, một trong những cơn bão lớn nhất đánh vào bờ đông nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, làm thiệt mạng hơn 90 người, gây thiệt hại về kinh tế có thể tới 80 tỷ USD. Đây là con số thiệt hại do thiên tai lớn nhất kể từ trước đến nay, cao hơn cả mức tàn phá của cơn bão Katrina hoành hành nước Mỹ hồi năm 2005. Với sức gió 80km/h, ngày 29/10, bão Sandy đã trở thành siêu bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển miền Đông nước Mỹ trong nhiều năm qua. Đây cũng được xem là cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này.

Bopha là cơn bão mạnh nhất quét qua Philippines trong năm nay với sức gió tối đa được duy trì ở mức 257km/h. Hội đồng quản lý và giảm thiểu nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines (NDRRMC), ngày 16/12, công bố số người thiệt mạng do siêu bão Bopha đổ vào nước này ngày 4/12 vừa qua đã lên tới 1020 người và hiện vẫn còn 844 người mất tích. Bão Bopha gây lụt và lở đất nhiều nơi ở Philippines, hơn 10.000 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 6,2 triệu người không có lương thực và nơi trú ngụ. Hiện 30 tỉnh, thành phố vẫn bị mất điện, 6 tỉnh không có nước, gây thiệt hại cho nông nghiệp 16 tỉ peso (390 triệu USD) và thiệt hại về cơ sở hạ tầng là 7,7 tỉ peso.

Cũng trong năm 2012, liên tiếp các trận bão lớn đổ bộ vào các quốc gia châu Á như bão Saola, Kai-Tak,… gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong khi đó, lũ lớn trên diện rộng tại Ấn Độ hồi đầu tháng 7 đã khiến 121 người thiệt mạng và khoảng 6 triệu người rời bỏ nhà cửa. Mùa mưa tại Ấn Độ, kéo dài từ tháng 6 tới tháng 9, rất quan trọng đối với nông dân song cũng cướp nhiều sinh mạng mỗi năm. Chỉ tính riêng trong tháng 7 năm nay, mưa lớn đã gây lũ quét tại 20 trong tổng số 27 quận của bang Assam, còn nước sông Brahmaputra đã tràn bờ và gây lũ tại ít nhất 9 khu vực trong bang.

Tại CHDCND Triều Tiên, các trận lũ từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 đã cướp đi mạng sống của khoảng hơn 300 người dân nước này, trong khi vẫn còn 600 người mất tích. Các đợt mưa lũ còn phá hủy 87.280 ngôi nhà, làm ảnh hưởng khoảng 298.000 người, hư hại nhiều đất nông nghiệp và các cơ sở hạ tầng, gồm dây cáp điện, mỏ than và đường ray xe lửa. Trong đó, đợt bão Bolaven ập vào gần như cả CHDCND Triều Tiên hồi cuối tháng 8, cũng đã khiến 59 người chết và 50 người mất tích.

5. Động đất, lở đất tiếp tục hoành hành

Năm 2012, các quốc gia trên thế giới nói chung, đặc biệt là châu Á tiếp tục phải hứng chịu một loạt các trận động đất tấn công. Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Hàn Quốc (KMA), năm 2012, xứ sở kim chi phải hứng chịu 56 trận động đất. Đây là năm thứ hai Hàn Quốc có số lượng trận động đất nhiều nhất kể từ khi bắt đầu đưa vào hệ thống theo dõi động đất từ năm 1978.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép' (Hình 5).

Ảnh minh họa: Internet

Philippines cũng là quốc gia hứng chịu nhiều trận động đất trong năm nay và một trong số đó là trận động đất xảy ra ngày 06/2 làm ít nhất 43 người tại quốc gia này thiệt mạng. Trận động đất 6,8 độ Ricter, độ sâu 46,6km tại khu vực cách thành phố Dumaguete trên đảo Negros khoảng 70km đã gây ra sụt lở và chôn vùi nhiều làng mạc.

Tại Iran, hai trận động đất mạnh với cường độ lần lượt khoảng 6,4 độ Richter và 6,3 độ Richter đã tấn công vào phía Tây - Bắc nước ngày ngày 11/8 vừa qua đã khiến hơn 300 người đã thiệt mạng trong khi những ngôi làng bị phá hủy hoàn toàn. Ít nhất 80 dư chấn đã được cảm nhận sau hai trận động đất chính.

6. Báo động đỏ đối với những hệ sinh thái hoang dã cuối cùng của thế giới

Ngày 13/3, Liên minh quốc tế về bảo tồn tự nhiên (IUCN) cùng nhiều tổ chức quốc tế phi chính phủ cảnh báo cơn lốc toàn cầu khai thác các nguồn đất đai và khoáng sản đang đe dọa các hệ sinh thái hoang dã cuối cùng có tầm quan trọng sống còn đối với con người và thiên nhiên, phá hủy các cộng đồng và làm ô nhiễm những nguồn nước sạch khổng lồ trên thế giới, đặt lợi nhuận cao hơn lợi ích của nhân loại và hành tinh.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép' (Hình 6).

Ảnh minh họa: Internet

IUCN nhấn mạnh các di sản thế giới cũng đang bị đe dọa bởi những dự án khai thác dầu mỏ, khí đốt và đất đai. Một trong 4 khu vực sinh thái điển hình ở châu Phi đã bị tác động nghiêm trọng bởi những dự án này. Không một công viên quốc gia, hệ sinh thái hoặc cộng đồng nhạy cảm nào thoát khỏi cơn lốc săn lùng các kim loại quý, khoáng sản, đá quý và dầu khí bất chấp việc trái đất đang nóng lên và nhân loại đang tiêu dùng vượt quá tiềm năng tài nguyên của hành tinh.

7. Môi trường biển bị hủy hoại và những hệ lụy khó lường

Nhiệt độ của trái đất nóng dần lên là nguyên nhân chính làm tan chảy các núi băng ở vùng Bắc Cực, làm dâng mực nước biển. Không những thế, nghiên cứu do các nhà khoa học Liên hợp quốc và Mỹ công bố ngày 02/3 đã khẳng định các đại dương trên thế giới hiện đang bị axit hoá với tốc độ nhanh nhất so với bất cứ thời điểm nào trong vòng 300 triệu năm qua do khí thải công nghiệp, đe dọa môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển.

Chính vì vậy, phát biểu nhân lễ kỷ niệm “Ngày đại dương thế giới” (08/6/2012), tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hối thúc các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo vệ các đại dương của thế giới hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng khai thác hải sản quá mức, chất thải độc hại và biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki-moon đồng thời nhấn mạnh thế giới cần tăng cường hành động để bảo vệ các đại dương đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khai thác cạn kiệt hải sản và sự suy giảm nghiêm trọng môi trường biển.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ngày 10/12/2012, tổng thư ký Ban Ki-moon cũng lên tiếng kêu gọi một nỗ lực toàn cầu nhằm vận động tất cả các nước tham gia bản “hiến pháp đại dương” này. Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, các đại dương vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm, tình trạng axit hóa, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, cướp biển và tranh chấp lãnh hải, do đó, đòi hỏi các nước thành viên phải nỗ lực thực hiện đầy đủ công ước.

8. Nạn phá rừng Amazone tiếp tục được kiềm chế

Nhờ những nỗ lực của chính phủ và chính quyền địa phương, tốc độ phá rừng Amazone tại Brazil đã giảm mạnh nhất trong 24 năm qua. Số liệu công bố ngày 27/11 của Chính phủ Brazil cho biết năm 2012 là năm thứ 4 liên tiếp tốc độ phá rừng tại Amazone đã chậm lại và ở mức thấp nhất kể từ năm 1988, thời điểm các cơ quan chức năng Brazil giám sát các hoạt động của con người ở khu vực này.

Việt Nam Xanh - Bức tranh môi trường thế giới năm 2012 qua 10 'mảnh ghép' (Hình 7).

Ảnh minh họa: Internet

Theo Bộ Môi trường Brazil, trong thời gian từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2012, diện tích rừng Amazone bị phá hủy là 4.656 km2, giảm 27% so với cùng kỳ một năm trước đó.

9. Hội nghị Rio+20 và quyết tâm hướng tới phát triển bền vững

Năm 2012 thế giới chứng kiến một sự kiện từng được tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá là “chỉ diễn ra một lần trong một thế hệ con người” nhằm mục tiêu xuyên thế kỷ là định hướng thế giới phát triển bền vững và phổ quát trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường và công bằng xã hội về phúc lợi. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) kết thúc thành công ngày 22/6/2012 tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với sự tham dự của hơn 90 nguyên thủ và đại diện 191 trong tổng số 193 thành viên Liên hợp quốc với trọng tâm chính là thảo luận các biện pháp thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Với chủ đề "Tương lai mà chúng ta mong muốn”, các cuộc thảo luận chính thức của Hội nghị tập trung bàn thảo các nội dung cải thiện khuôn khổ thể chế để phát triển bền vững. Kết quả quan trọng nhất mà Hội nghị Rio+20 đạt được đó là đã thông qua Văn kiện quan trọng, phản ánh những nội dung, biện pháp nhằm giải quyết một số vấn đề chính liên quan đến 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, xác định định hướng phát triển kinh tế xanh là phương thức thực hiện phát triển bền vững và xóa nghèo, xác định khung thể chế cho phát triển bền vững; đồng thời đưa ra khung hành động và các phương thức, biện pháp để thực hiện phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

10. Bước đầu thống nhất về giai đoạn 2 cho Nghị định thư Kyoto

Sau nhiều lần “lỡ hẹn” thì cuối cùng, tại Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP18), cộng đồng quốc tế cũng đi đến thống nhất trong việc đưa ra giai đoạn thứ hai cho Nghị định thư Kyoto. Về công cụ ràng buộc pháp lý được thông qua vào năm 1997 này, 37 quốc gia công nghiệp phát triển nhất và các nước đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã ấn định các giới hạn bắt buộc phải tôn trọng về khí thải cũng như các chương trình giảm thiểu. Giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012 và những người tham gia hội nghị Doha phải thống nhất một văn bản để thay thế nó.

Theo đó, giai đoạn thứ hai của Kyoto sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2013 đến năm 2020, trong khi chờ một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải nhà kính. Giai đoạn thứ hai của Nghị định thư buộc Liên minh châu Âu (EU), Australia và hàng chục quốc gia công nghiệp khác phải giảm phát thải khí nhà kính (GHG) vào năm 2020, song Mỹ, Nhật Bản, Canada và Nga từ chối không đưa ra các cam kết của họ đối với thỏa thuận mới, bất chấp các chỉ trích từ phía cộng đồng quốc tế.

Dù chưa được như kỳ vọng và trước mắt vẫn còn “rất nhiều việc phải làm” theo như lời của tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thì việc thống nhất mở rộng Nghị định thư Kyoto vẫn được xem là một bước tiến của cộng đồng quốc tế trên con đường hành động đấu tranh chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.

Theo Chinhphu.vn

Lũ lụt tại Thái Lan gây khó nhà lãnh đạo mới

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Những trận lụt tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua đang hoành hành tại Thái Lan, gây nhiều phiền phức cho Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi mà chi phí tài chính dành cho thiên tai thảm họa tiếp tục tăng lên.

Đồng Nai: Hàng vạn cây gỗ bị khô rụi vì nắng nóng

Thứ 2, 15/04/2013 | 14:42
Từ đầu tháng Hai đến nay, hạn hán và nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Toàn cảnh bão lũ tại miền Trung

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Tối 26/9, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lên kế hoạch chuẩn bị di dời, sơ tán khẩn cấp hơn 25.000 hộ dân tại các địa bàn khu vực nguy hiểm vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, hạ du các hồ chứa nước, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tìm ra lý do 'hạn hán' của Van Persie

Thứ 7, 06/04/2013 | 09:57
Sir Alex Ferguson vừa gây sốc khi cho rằng vì chưa bao giờ được tôi luyện một cách khắc nghiệt ở Arsenal nên Robin van Persie đang quá tải dẫn đến tịt ngòi ở M.U.