'Bún chửi' Hà Nội lên sóng CNN: Sao phải xấu hổ?

'Bún chửi' Hà Nội lên sóng CNN: Sao phải xấu hổ?

Thứ 4, 05/10/2016 | 16:06
0
Có rất nhiều tranh luận đã nổ ra xung quanh việc quán bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên – Hà Nội được lên sóng CNN.
Tin cũ - 'Bún chửi' Hà Nội lên sóng CNN: Sao phải xấu hổ?

Bỗng dưng thời gian gần đây, chúng ta lại "đóng góp" thêm một món ăn đặc trưng nữa trên bản đồ thực phẩm thế giời: Bún. Cụ thể là bún chả và “bún chửi”.

Đã có hai luồng phản ứng trái ngược nổ ra ngay sau khi đoạn phóng sự về quán bún chửi ở Ngô Sĩ Liên, Hà Nội được đầu bếp nổi tiếng người Mỹ: Anthony Bourdain o bế và giới thiệu trên kênh truyền hình CNN.

Người thì tự hào - đương nhiên, ngoài những món ăn đã quá cũ trong tư duy của các nước bạn về văn hóa ẩm thực Việt Nam như phở, nem rán, bỗng dưng thời gian gần đây, chúng ta lại đóng góp thêm một món ăn đặc trưng nữa trên bản đồ thực phẩm thế giời: Bún. Cụ thể là bún chả và “bún chửi”.

Nhưng với tư duy “tốt khoe, xấu che”, nhiều người không tránh khỏi sự xấu hổ, ê chề, nhục nhã khi thứ văn hóa dịch vụ đi giật lùi với sự phát triển lại được “khoe” ra thế giới như một nét đặc trưng ấn tượng của ẩm thực.

Thôi thì ai cũng có cái lí của họ để biện minh cho xúc cảm và quan điểm của mình. Nhưng dù có nói như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn không thể chối bỏ sự thật là những hàng quán “chửi” (phở chửi, cháo chửi, bún chửi…) thu hút rất nhiều thực khách từ bình dân cho đến sành sỏi, từ nước ngoài cho đến nước trong.

Với sự phát triển và cạnh tranh chóng mặt về dịch vụ ẩm thực, hàng quán như hiện nay, những thực khách không quá khó khăn khi tìm kiếm một quán ăn hợp khẩu vị. Điều đó cũng một phần khẳng định rằng những quán ăn “chửi” không đơn thuần thu hút khách hàng bởi đồ ăn ngon mà có lẽ còn bởi nhiều yếu tố văn hóa khác. Và chắc chắn yếu tố đấy chính là “chửi”.

Tin cũ - 'Bún chửi' Hà Nội lên sóng CNN: Sao phải xấu hổ? (Hình 2).

Bà chủ quán bún chửi với lời "đuổi khách" - tạm dịch: "Hãy ra khỏi đây". Ảnh cắt từ clip.

Từ thời Tam Quốc, người ta đã nói đến thứ “đặc sản” này của nhân loại. Trong Tam quốc chí, người viết đã kể rất kĩ về những "mạ thủ" (người chửi). Chỉ những người có giọng tốt, ngữ điệu phải chắc chắn, cong cớn mới được đứng ở hàng đầu để gào to, xỉ mắng đối phương khiến đối phương chùn bước. Khổng Minh Gia Cát Lượng của nhà Thục đã từng mắng chết Tư đồ Vương Lãng của nhà Ngụy ngay tại trận.

Hay ở Ukraine hiện tại có cả cuộc thi chửi được tổ chức hàng năm có mục đích để thanh niên làm quen với văn hóa chửi của dân tộc và nâng cao tình yêu nước.

Cho đến Việt Nam, trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm có đoạn: “Với lối chửi có vần điệu, có cấu trúc chặt chẽ, người Việt Nam có thể chửi từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không hề nhàm chán. Đó là một nghệ thuật độc nhất vô nhị mà không một dân tộc nào trên thế giới có được”.

Vậy, chúng ta không thể chối từ việc “chửi” cũng là một thứ văn hóa, nghệ thuật. Người chửi đương nhiên là một nghệ sĩ. Và tìm đến quán để ăn và nghe chửi (gọi tắt là “ăn chửi”) cũng là một hình thức thưởng thức nghệ thuật.

Dự đoán trong tương lai, những món “ăn chửi” như thế này sẽ còn phát triển hơn khi con người ta quá ngán những thứ mơn trớn, ngọt ngào đầy giả dối.

Không những vậy, thái độ “bất cần khách” của chủ quán lại là một yếu tố khiến quán bún đó có sức hút hơn.

Ai cũng biết làm kinh doanh, mục đích chính là tạo ra lợi nhuận. Khách hàng chính là thước đo của mục đích đó. Điều này chắc hẳn bà chủ quán “bún chửi” hiểu rất rõ. Người làm kinh doanh phải là người cân bằng được cán cân chất lượng và lợi nhuận. Khi chạy theo lợi nhuận một cách mù quáng đồng nghĩa với việc chất lượng bị bỏ ngỏ và ngược lại.

Vì vậy thái độ không “thèm” chạy theo lợi nhuận của chủ quán “bún chửi” đã phần nào minh chứng cho sự chất lượng của sản phẩm bà bán ra.

Ai tự hào, ai xấu hổ mặc ai, quán “bún chửi” của bà vẫn đông nườm nượp. Có lẽ giờ đây người ta bỏ tiền ra không chỉ để mua vui cho dạ dày mà còn để khẳng định sức chịu đựng của bản thân.

Bùn, đất nếu ăn được còn trở thành đặc sản thì tại sao chúng ta phải xấu hổ khi có những quán ăn bán thứ “một công đôi việc”: Chẳng những được ăn ngon mà còn học được cách phải nhẫn nhịn trước những điều vô lý. Ấy chẳng phải lợi quá hay sao! Có gì phải xấu hổ!

Vả lại từ lâu lắm rồi, chúng ta mặc định “chửi” cũng là một thứ để ăn và việc “ăn chửi” cũng là việc bình thường đấy thôi!

Bảo Trang/NĐT

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tag: CNN