Bùng phát dịch bọ xít muỗi, nông dân mất trắng mùa điều

Bùng phát dịch bọ xít muỗi, nông dân mất trắng mùa điều

Chủ nhật, 26/03/2017 | 16:44
0
Với hơn 90% diện tích không thể thu hoạch, người trồng điều tại 3 huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng đứng trước nguy cơ mất trắng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Nghịch cảnh giá cao – mất mùa

Vụ điều 2016 - 2017 được nông dân các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) trông đợi bởi giá điều đang ở mức cao. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, dịch bọ xít muỗi và bệnh thán thư bất ngờ bùng phát, tàn phá một cách khủng khiếp diện tích điều tại 3 huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng.

Xã hội - Bùng phát dịch bọ xít muỗi, nông dân mất trắng mùa điều

 Nhiều diện tích điều trơ cành, cháy khô vì nhiễm dịch bọ xít muỗi.

Khẳng định thông tin trên, bà Trần Thị Thùy Châu, Phó chủ tịch UBND xã Mađagui, huyện Đạ Hoai, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, dịch bọ xít muỗi, bệnh thán thư đã bùng phát trên 100% diện tích trồng điều trong địa phương, khiến điều hư hại nặng, gây thiệt hại lớn cho người dân. So với các năm, điều vụ mùa 2016-2017 có giá rất cao nhưng người dân lại rơi vào nghịch cảnh mất mùa trầm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế địa phương".

Trong khi đó, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Sau khi UBND tỉnh công bố dịch bọ xít muỗi hại cây điều vào ngày 14/3, ngành chức năng đang thống kê sản lượng điều bị thiệt hại do dịch bọ xít muỗi gây ra ở 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên".

“Ước tính có khoảng trên 90% diện tích không còn gì để thu hoạch. Theo ước tính của tỉnh, năm nay, tỉnh sẽ thu khoảng 18.800 tấn điều nhân. Song, với tình hình dịch bệnh, ước lượng tỉnh chỉ thu hoạch chưa đến 2.000 tấn. Như vậy, bà con sẽ thất thu khoảng 17.000 tấn. Đặc biệt, với giá điều nhân lên đến 50.000 đồng/kg, tỉnh sẽ thiệt hại khoảng 850 tỷ đồng”, ông Hưng cho biết.

Người dân, chính quyền oằn mình chống dịch

Ông Cao Vũ Minh (35 tuổi, ngụ huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Cách đây vài tháng, gia đình tôi còn vui mừng khi giá điều năm nay vượt mốc 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trước tình cảnh dịch bệnh, gia đình đành cắn răng chấp nhận trắng tay. Điều chết cành, khô lá, quắt queo hết. Mấy tháng trước, tôi thấy có dấu hiệu dịch bọ xít muỗi, bệnh thán thư xuất hiện nên lo mua thuốc, chạy chữa đủ kiểu. Thế nhưng, bệnh lan ra một cách chóng mặt, khiến vườn điều chết sạch. Không có điều để thu hoạch, tôi rơi vào hoàn cảnh nợ nần tiền nhân công chăm sóc, tiền phân bón cây,...".

Ông Nguyễn Lệnh Đổng, cán bộ kỹ thuật thuộc trạm Kiểm dịch thực vật, chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Về nguyên nhân dịch bệnh lây lan, phát triển một cách chóng mặt, chúng tôi đã có những kết quả sơ bộ. Theo đó, dịch bệnh diễn ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, trời âm u có mưa nhỏ rải rác và mưa rào lớn, tạo điều kiện cho bọ xít muỗi sinh sản. Theo ghi nhận của chúng tôi, mật độ bọ xít muỗi trung bình từ 2 – 4 con/chồi”.

Xã hội - Bùng phát dịch bọ xít muỗi, nông dân mất trắng mùa điều (Hình 2).

 Dự báo, dịch bệnh sẽ vẫn còn tiếp diễn khiến nhiều hộ dân lo lắng.

Ngoài ra, bọ xít muỗi chích hút tạo vết thương là nguyên nhân khiến bệnh thán thư gia tăng nhanh. Trước viễn cảnh mất trắng vụ mùa, nhiều nông dân đã tìm mọi cách để chống dịch bệnh.

Tại xã Mađagui, PV ghi nhận, ngày 24/3 là ngày toàn xã phun xịt thuốc để nỗ lực chống dịch bệnh bọ xít muỗi. Bà Châu cho biết: “Hiện, 100% diện tích điều trên  toàn xã đã bị nhiễm dịch. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã chung tay với nông dân thực hiện các biện pháp chống dịch. Đến ngày 24/3, chúng tôi đã kết thúc đợt ra quân cuối cùng trong công tác phun, xịt thuốc trị bệnh trên địa bàn xã".

“Tuy nhiên, viễn cảnh trắng tay vào mùa sau vẫn còn hiển hiện. Hiện tại, chính quyền xã ngoài việc hỗ trợ cho bà con nông dân về các loại thuốc, kỹ thuật chăm sóc,… vẫn sẽ thường xuyên theo dõi, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bọ xít muỗi”, bà Châu cho biết thêm.

Cuộc sống người dân càng thêm vất vả

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đối với những vườn điều bị nhiễm dịch nhẹ, chúng tôi và bà con sẽ cố gắng cải tạo, khôi phục. Nhưng những khu vực cây chết, buộc phải chặt, nhổ đi để trồng lại. Thời gian để một cây điều con cho thu hoạch mất hơn 3 năm. Như vậy, người dân không chỉ mất mùa năm 2016-2017 mà còn đối mặt thực tế thất thu trong vài năm tới. Điều này làm cho cuộc sống người dân càng thêm khó khăn, vất vả”.

Hà Nguyễn

Cùng tác giả

Vui, buồn ngày Tết của đội lân Long Nhi Đường

Chủ nhật, 14/02/2021 | 15:00
Tết đến, những thành viên của đội lân Long Nhi Đường không mơ quần áo đẹp, được đi chơi cùng gia đình, mà Tết là cơ hội trình diễn...

Bầy khỉ hoang bất ngờ “đại náo”, cướp thức ăn từ tay người dân

Thứ 5, 14/01/2021 | 11:18
Đàn khỉ hoang bất ngờ trở nên phá phách, dạn người. Men theo các đường dây điện, chúng đột nhập vào nhà dân, nhao xuống cướp trái cây, bánh trái từ tay họ.

Hé lộ của người mẹ 6 năm miệt mài tìm con mất tích bí ẩn

Chủ nhật, 13/12/2020 | 10:00
Ngày phát hiện con trai mất tích bí ẩn ở TP.HCM, bà Bé như người mất hồn. Suốt 6 năm qua, một mình bà ôm tấm mền cháy thủng, đi tìm con trong nước mắt.

Thực nghiệm hiện trường vụ em rể bị anh vợ đâm tử vong vì mâu thuẫn tiền bạc

Thứ 6, 27/11/2020 | 07:16
Có hơi men trong người, ông C. và Quốc nảy sinh mâu thuẫn về tiền bạc nên lao vào xô xát. Sau đó ông C. bị anh vợ đâm tử vong ngay trong phòng trọ.

Nhặt được “nắm vàng”, chị ve chai trả lại người mất trong hạnh phúc

Thứ 3, 24/11/2020 | 10:54
Vô tình phát hiện mình nhặt được “cả nắm vàng”, chị ve chai run rẩy, lo sợ. Không tham của rơi, chị trả lại cho người đánh rơi.