Những năm gần đây, ngành công nghiệp làm đẹp của Việt Nam phát triển mạnh về chất lượng và số lượng.
Không ít ý kiến cho rằng, trong tương lại, Việt Nam sẽ trở thành "thánh địa" của phẫu thuật thẩm mỹ.
Thực tế, ngoài khách trong nước, Việt Nam đang thu hút lượng lớn khách nước ngoài, Việt kiều về nước để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.
Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Trần Thiết Sơn, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ Hà Nội.
Thị trường tiềm năng và cơ hội vươn xa
PV: Ông nhận định thế nào về thị trường làm đẹp hiện nay tại Việt Nam?
GS.Trần Thiết Sơn: Ngành công nghiệp làm đẹp hiện nay vẫn đang là xu hướng thịnh hành ở các nước trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoại lệ. Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này.
Sự tác động của nền kinh tế đã khiến cho thị trường làm đẹp cũng thay đổi mạnh mẽ. Khi mức sống của con người thay đổi, nhận thức về nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao và phẫu thuật tân trang nhan sắc dần trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho tất cả mọi người, dù ở độ tuổi hay giới tính nào.
Có cung ắt có cầu, để đáp ứng nhu cầu đó, rất nhiều spa, thẩm mỹ viện ra đời, nếu không nói là thị trường làm đẹp đang nở rộ như "nấm sau mưa rào" và số tiền người dân chi ra để làm đẹp là rất lớn.
PV: Thời gian qua, một lượng lớn khách nước ngoài lựa chọn Việt Nam để sử dụng dịch vụ làm đẹp, chữa bệnh. Liệu đây có phải là cơ hội để ngành làm đẹp của Việt Nam "cất cánh", thưa ông?
GS.TS.Trần Thiết Sơn: Ở Việt Nam, 5 năm trở lại đây, ngành phẫu thuật thẩm mỹ đang phát triển khá mạnh. Ngoài khách trong nước, còn có một lượng lớn khách nước ngoài, Việt kiều về Việt Nam để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Một trong những lý do là chất lượng dịch vụ ngày càng cao, chi phí thấp, bác sĩ có tay nghề.
Hiện nay, các bác sĩ Việt Nam không ngừng cập nhật các kiến thức và công nghệ làm đẹp trên thế giới. Nhiều bác sĩ đã được tu nghiệp chuyên sâu nhiều năm tại các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc... Hằng năm, các bác sĩ Việt Nam cũng thường xuyên tham dự các hội nghị thẩm mỹ quốc tế thường niên. Nếu so sánh, bác sĩ Việt Nam bây giờ không thua kém gì bác sĩ Hàn Quốc hay Nhật Bản...
Có thể thấy, sự chênh lệch về chi phí làm đẹp giữa Việt Nam và nước ngoài là rất lớn. Với những ca nâng ngực, hút mỡ, làm răng sứ, phẫu thuật hàm..., chi phí ở nước ngoài cao gấp hai, gấp ba thậm chí gấp 10 lần ở Việt Nam. Chính điều này đã khiến nhiều khách nước ngoài, Việt kiều không ngại ngần đầu tư một khoản chi phí về nước làm đẹp nhưng vẫn được trải nghiệm chất lượng quốc tế.
Đồng nghiệp của tôi từng chia sẻ, ở lĩnh vực nha khoa, Việt Nam được xem là "thiên đường" vì ở các nước châu Âu, nha khoa không thuộc danh mục bảo hiểm nên chi phí rất đắt đỏ, gấp năm lần so với Việt Nam. Trong khi đó ở nước ta, chi phí rẻ và chất lượng phôi sứ cũng đều nhập từ châu Âu. Vì thế, dịch vụ này ở Việt Nam rất được ưa chuộng.
Ở Mỹ hay nhiều nước phương Tây, muốn làm thẩm mỹ chưa chắc làm được ngay, phải mất khá lâu để chờ đợi, có khi đến 6 tháng và chi phí cho các cuộc đại phẫu là rất lớn. Trong khi đó, khách ở nước ngoài đến Việt Nam thì thủ tục được rút ngắn hơn rất nhiều.
Khi người nước ngoài lựa chọn Việt Nam để làm đẹp hay chữa bệnh thì đó cũng chính là bản lề để ngành công nghiệp làm đẹp có cơ hội phát triển và vươn xa hơn.
"Miếng bánh ngon" và lo ngại về "lỗ hổng" quản lý
PV: Quay trở lại thực tại của thị trường làm đẹp, có luồng ý kiến cho rằng, chính sự nở rộ của các cơ sở thẩm mỹ thời gian qua lại khiến thị trường "bát nháo", khó kiểm soát. Ông có đánh giá gì về điều này?
GS.TS.Trần Thiết Sơn: Thị trường làm đẹp ở nước ta ngày càng phát triển cả về số lượng, kỹ thuật và phạm vi, tuy nhiên có một thực tế đáng buồn, số lượng cơ sở thẩm mỹ gia tăng nhưng chất lượng lại giảm.
Khi ngành công nghiệp làm đẹp trở thành "miếng bánh ngon" sẽ dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt và thực tế, thị trường làm đẹp ở Tp.HCM có sự cạnh tranh lớn hơn ở Hà Nội và các địa phương khác.
Theo tôi, thị trường làm đẹp đang phát triển không có kiểm soát- do lỗ hổng quản lý. Song song với những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và cấp phép hành nghề, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở "chui", hành nghề bất hợp pháp. Nhiều cơ sở không được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng các thẩm mỹ viện, spa vẫn quảng cáo công khai về các dịch vụ hút mỡ, nâng ngực, xẻ mí... Họ nhập nhèm giữa phẫu thuật thẩm mỹ và làm thẩm mỹ; họ cứ mở một cửa hiệu mang tên thẩm mỹ nhưng bên trong làm gì thì không ai biết. Tin vào những chiêu trò quảng cáo, nhiều chị em đã "sập bẫy" các cơ sở "chui".
Trước đây, ở lĩnh vực này chỉ có bác sĩ tạo hình thẩm mỹ mới được tham gia thực hiện những phẫu thuật xâm lấn nhưng hiện nay, người hành nghề không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng- Điều này cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng. Rõ ràng ở đây có lỗ hổng về quản lý!
Điều đáng bàn, việc nhiều người trẻ có xu hướng làm đẹp mù quáng, ham rẻ, tin vào những lời chèo kéo "ngọt ngào" trên mạng để rồi "tiền mất tật mang". Khi vẫn có người tin vào những cơ sở thẩm mỹ "chui" thì họ vẫn có "đất sống"!
PV: Để xóa bỏ thực trạng "vàng thau lẫn lộn" và lành mạnh hóa thị trường làm đẹp hiện nay, theo ông chúng ta cần những giải pháp căn cơ nào?
GS.TS.Trần Thiết Sơn: Hiện tại, tồn tại 2 loại hình cơ sở làm đẹp. Thứ nhất là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, đồng thời quản lý trực tiếp và loại hình thứ hai là cơ sở chăm sóc sắc đẹp (các thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, massage-PV) do UBND cấp quận, huyện cấp phép kinh doanh và quản lý. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, các cơ sở làm đẹp, spa vẫn tìm cách lách luật, "mập mờ" gắn biển hiệu thẩm mỹ viện, khiến nhiều người lầm tưởng đây là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Chúng ta không thể để tồn tại tình trạng cấp phép hoạt động thì dễ dàng nhưng công tác quản lý lại buông lỏng tạo điều kiện cho các cơ sở thẩm mỹ có cơ hội "treo đầu dê bán thị chó", quảng cáo "thổi phồng", vượt quá phạm vi cho phép. Làm thế nào để siết chặt quản lý hàng trăm cơ sở thẩm mỹ, không để xảy ra hiện tượng hành nghề vượt quá phạm vi cho phép vẫn là bài toán khó nếu chúng ra vẫn xử lý theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", "bắt cóc bỏ đĩa"...
Từ thực trạng thị trường làm đẹp hiện nay, theo tôi, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành quản lý Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố. Việc giám sát, siết chặt quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vi phạm ở là giải pháp tối ưu nhằm ngăn chặn những "con sâu làm rầu nồi canh", làm méo mó hình ảnh thị trường làm đẹp Việt Nam nói chung.
Để phát triển ngành công nghiệp làm đẹp bền vững, trở thành "thánh địa" về phẫu thuật thẩm mỹ, chúng ta cần có chiến lược rõ ràng, những bước đi bài bản và không ngừng đổi mới, trong đó đào tạo chiếm vị trí then chốt để nâng tầm chất lượng nhân sự làm ở lĩnh vực này trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Việt Nam đang dần trở thành "thánh địa" của ngành công nghiệp làm đẹp
PV: Ông có dự báo gì về ngành làm đẹp ở Việt Nam trong những năm tới?
GS.TS. Trần Thiết Sơn: Dù khởi đầu chậm nhưng theo nhìn nhận của tôi, ngành làm đẹp ở Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội. Nhu cầu làm đẹp của người dân trong nước và ngoài nước rất lớn.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại Việt Nam, 64,1% người được hỏi cảm thấy không hài lòng với các đặc điểm trên khuôn mặt, 15,8% có vấn đề với ngực và 7,5% muốn thay đổi làn da của mình. Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện – Thành phố lớn nhất về phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam. Trung bình, mỗi năm có khoảng 100.000 trường hợp thực hiện phẫu thuật. Chỉ tính riêng nhu cầu làm đẹp của người dân trong nước cũng có thể vẽ ra bức tranh sôi động trong lĩnh vực thẩm mỹ làm đẹp.
Thông thường, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ kéo theo sự phát triển của ngành làm đẹp. Ngành công nghiệp làm đẹp tại Việt Nam đang dần trở thành "thánh địa" của các chủ đầu tư kinh doanh dịch vụ làm đẹp. Đó là cơ hội để doanh nghiệp, đơn vị đầu tư "rót tiền" vào lĩnh vực này.
PV: Ngành công nghiệp làm đẹp cũng giống như nhiều ngành khác, muốn phát triển bền vững cần có chiến lược dài hơi. Theo ông, ngành công nghiệp làm đẹp cần yếu tố gì để có thể vươn xa hơn?
GS.TS.Trần Thiết Sơn: Mặc dù lĩnh vực làm đẹp ở Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nhưng lại vướng một số "rào cản" đó là thiếu nguồn lực nhân sự chất lượng cao được đào tạo bài bản. Khách hàng có nhu cầu được chăm sóc bởi những kỹ thuật viên phải có kỹ năng, kiến thức về nghề, về an toàn sức khỏe... Trong khi đó, các cơ sở đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ bao nhiêu % nhân sự ngành thẩm mỹ được đào tạo tại các đơn vị, tổ chức giáo dục đủ năng lực và được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chuyên môn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ngân Giang