Ca sĩ Chu Bin kể về tuổi thơ sóng gió

Ca sĩ Chu Bin kể về tuổi thơ sóng gió

Thứ 5, 07/03/2013 | 14:53
0
Sự khó khăn càng thêm chồng chất khi cha đẻ Chu Bin đột ngột qua đời, mẹ con anh phải nương tựa vào nhau, lay lắt sống qua ngày...

Sinh ra trong một gia đình khốn khó tại vùng đất đỏ Tây Nguyên, tuổi thơ của chàng ca sĩ điển trai Chu Bin gắn liền với những tháng ngày theo bố mẹ di chuyển hết nơi này đến nơi khác để kiếm kế sinh nhai. Sau này, sự khó khăn càng thêm chồng chất khi cha đẻ anh đột ngột qua đời, mẹ con Chu Bin phải nương tựa vào nhau, lay lắt sống qua ngày. Lớn lên, từ cựu vận động viên Teakwondo từng đoạt huy chương Bạc và Đồng toàn quốc, Chu Bin quyết định rẽ ngang sang sự nghiệp "xướng ca" tình cờ như định mệnh. Đến nay, khi đã có một chỗ đứng vững chắc trong làng showbiz Việt đầy cám dỗ, Chu Bin chưa một lần dám để ký ức ngủ quên. Anh tâm niệm, quá khứ là một phần của hiện tại và tương lai, dẫu ở "đỉnh" nào, vẫn phải biết tự soi mình vào quá khứ.

Nhân vật - Ca sĩ Chu Bin kể về tuổi thơ sóng gió

 

Nước mắt tủi hờn

Tôi hẹn gặp Chu Bin ở quán cà phê quen thuộc tại góc hồ Giảng Võ (Hà Nội). Chu Bin bây giờ khác Chu Bin của hơn bốn năm trước khá nhiều, bề bộn hơn với các lịch diễn và kế hoạch. Anh cũng bóng bẩy và trau chuốt hơn, nhưng sự mộc mạc và nhiệt tình vẫn còn nguyên vẹn. Khác với các danh ca tôi đã có dịp làm việc, chàng ca sĩ của bài hit đình đám "Hãy xem là giấc mơ" (sáng tác Hồ Duy Minh) luôn giữ trong mình cái chất thật thà của người con vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất đỏ Tây Nguyên.

Chu Bin tên thật là Chu Đăng Thanh, SN 1985 tại Buôn Mê Thuột. Anh là con út trong một gia có ba anh em. Vốn là người gốc Bắc vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, gia đình Chu Bin đã trải qua quá nhiều sóng gió. Họ phải liên tục di chuyển địa điểm để mong có đủ lương thực sống qua ngày. Vốn là một võ sư Karatedo, trong những lúc mùa màng nhàn rỗi, cha đẻ của Chu Bin mở những lớp võ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thế võ đầu tiên cậu bé Thanh được cha dạy vào năm anh mới lên 3 tuổi. Cậu bé Thanh lúc ấy đen cháy, múa may những động tác rất đẹp khiến cho ai cũng thầm hiểu, rồi cậu sẽ là một tài năng của làng võ thuật Việt Nam.

Khi Đăng Thanh chưa tròn 4 tuổi, ba mẹ anh chia tay do bất đồng nhiều quan điểm và mẹ anh đã đưa cả ba con trở ra ngoài Bắc sinh sống ở quê ngoại Thái Bình. Hơn một năm sau, ba của Thanh cũng theo ra và đón hai cậu con trai cả và út về quê nội ở Nam Định với lý do tiếp tục nghiệp võ cho hai con. Ở với cha một thời gian ngắn thì cuộc sống của hai đứa trẻ bắt đầu đảo lộn nghiêm trọng. Bởi trong thời gian ly hôn, cha của Thanh nghiện rượu nặng. Vì thế trong suốt quá trình ở với cha, ngoài những phút tỉnh táo hiếm hoi, ông thường chìm trong men say và chửi bới, đánh đập hai đứa nhỏ. "Tôi sợ cha đến mức ghét cả môn võ Karatedo ông truyền dạy", Chu Bin tâm sự.

Trước những tháng ngày buồn bã ấy, hai đứa trẻ một lên 5, một lên 9 tuổi ấy đã bàn với nhau kế hoạch "tẩu thoát" trở về với mẹ ở Thái Bình. Quê nội và quê ngoại thực ra chỉ cách nhau khoảng vài chục km, nhưng với hai đứa trẻ lúc đó thì là một vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, với bản lĩnh của con nhà võ, hai anh em đã dắt nhau đi trong đêm và gần một tuần sau đã trở được về với mẹ trong sự vui mừng khôn xiết của bà. Xót con, mẹ Thanh giấu nhẹm hai anh em trong nhà và quyết định không trả về cho người cha nát rượu. Biết có cố đòi lại con cũng không được, võ sư Karatedo bỏ đi biệt tích và rồi qua đời không lâu sau đó vì bệnh tật do rượu.

Khởi nghiệp từ 10.000 đồng thù lao/ngày

Đã có lúc Thanh chán Karatedo và định thôi luôn nghiệp võ. Thế nhưng, trong một lần quan sát thấy các động tác linh hoạt của cậu học sinh tiểu học, người thầy dạy thể dục thời cấp 1 đã đưa Thanh trở lại con đường võ thuật. Người thầy này đã lựa chọn Teakwondo thay vì trường phái cũ của cha cậu bé. Sống trong tình yêu thương của gia đình và nhà trường, Thanh nhanh chóng lấy lại được phong độ và chăm chỉ luyện tập. Đến năm 2000, anh vinh dự được gọi vào đoàn thể thao của tỉnh Thái Bình và liên tiếp trong hai năm đi thi đấu ở các giải toàn quốc, vận động viên Chu Đăng Thanh đã lần lượt “rinh” về cho tỉnh nhà hai tấm huy chương Bạc và Đồng.         

Nhân vật - Ca sĩ Chu Bin kể về tuổi thơ sóng gió (Hình 2).

Ít ai ngờ được, cuộc đời của chàng ca sĩ Chu Bin lại gập ghềnh đến vậy.

Những tưởng ánh hào quang từ các giải đấu sẽ làm con đường võ thuật của Thanh thêm bằng phẳng thì như một sự tình cờ của định mệnh, chàng võ sinh quyết định chuyển sang một con đường hoàn toàn khác lạ, gập ghềnh hơn rất nhiều. Đó là nghiệp ca hát. Chu Bin xúc động nhớ lại: "Ngày ấy, nhiều nhóm bạn cấp 3 của tôi sau mỗi buổi tan trường thường hay ngồi uống nước ở quán Trà Hoa (TP. Thái Bình) thi hát. Khi đến lượt nhóm mình phải lên hát, cả nhóm đùn đẩy và quyết định "ép" tôi lên vì tôi hiền nhất. Chẳng còn lựa chọn nào khác, tôi đành lên "sân khấu" hát bừa một bài "tủ". Nào ngờ khi hát xong, tôi thấy tất cả quán đều vỗ tay rất lớn, thậm chí còn có một cô bạn gái lạ mang hoa lên tặng rồi đề nghị tôi hát thêm một bài nữa. Ngần ấy đã khiến tôi rất tự tin và quyết định hát thêm. Lần thứ hai hát, thậm chí có nhiều người còn đứng bật dậy vỗ tay không ngớt".

Thế rồi vừa lúc cậu học sinh cuối cấp trở lại bàn uống nước thì một người đàn ông rẽ đám đông xuất hiện. Ông ta tự giới thiệu là chủ quán và đề nghị Thanh tối đến hát phục vụ cho thực khách của quán. Mức thù lao là 20.000 đồng/tối. Cảm thấy cuộc đời mình rồi đây sẽ phải gắn bó với ánh đèn sân khấu, Thanh không suy nghĩ mà vội gật đầu ngay. "Vì nhà tôi cách TP. Thái Bình một đoạn nên mình phải đi xe ôm để đi lên quán. Trừ chi phí đi lại thì mỗi tối tôi thu về chỉ còn 10.000 đồng, một số tiền mà thời ấy cũng chỉ vừa ăn được một bữa cơm bình dân đạm bạc. Tôi lại còn phải nói dối mẹ là đi dạy võ, chứ nói đi hát thì không đời nào mẹ chịu", Chu Bin cho biết thêm.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Chu Bin trở thành ca sỹ chính và MC của quán Trà Hoa, đến khi tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định chuyển lên Lào Cai sống. Ở trên này, công việc của cựu vận động viên Teakwondo tương tự như ở Thái Bình nhưng được trả lương cao hơn. Trừ tất cả chi phí, Thanh đã dành dụm được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, công việc ổn định chưa được bao lâu thì Thanh quyết định đi theo một đoàn hát lưu độngå. Mặc dù biết được công việc tại đoàn sẽ vất vả hơn rất nhiều vì ngoài việc hát, anh em còn phải làm tất cả các việc còn lại như bán vé, bốc vác, lắp đặt loa rạp… Nhưng ngẫm thấy được biểu diễn trước đông người hơn, chàng ca sĩ trẻ quyết tâm bám theo nghề miễn chỉ cần được hát.

Năm 2005, sau khi đoàn hát lưu động nghỉ ngơi mấy tháng trời chưa thấy khởi động lại thì Thanh vô tình gặp các đồng nghiệp từ phía Nam ra biểu diễn. Những người này khuyên anh nên vào Sài Gòn để phát triển sự nghiệp ca hát của mình. Vào Sài Gòn với đôi bàn tay trắng và các mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức… mơ hồ, trước mắt chàng ca sĩ thời ấy còn vô danh chỉ là một núi những thử thách. Thế nhưng, với sự lạc quan, Thanh bất chấp tất cả và dần dần cũng tìm ra được con đường đi cho riêng mình.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Ban đầu, Thanh gia nhập đoàn Phương Tường đi diễn suốt dọc các tỉnh miền Tây. Công việc còn cực nhọc hơn cả hồi làm ở đoàn hội chợ và thù lao cũng thấp hơn rất nhiều. Nhưng Thanh không có sự lựa chọn khác. Mãi đến khi đoàn Phương Tường nghỉ ngơi sau một thời gian dài đi lưu diễn các tỉnh thì tình cờ, Đăng Thanh gặp nhạc sĩ Vũ Quốc Bình - tác giả bài hát "Tôi là tôi". Nhạc sĩ này đã đưa Thanh về thực hiện album của mình sau khi thử thách giọng ca của chàng trai đất Bắc. Tuy không giúp đỡ được Thanh nhiều như mong đợi, nhưng những nền tảng ban đầu của nhạc sĩ Bình đã giúp Chu Bin có những điểm nhấn cho tương lai về sau và dần dần đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ cả nước. 

Tuổi thơ vất vả và sóng gió dường như cũng góp phần kéo tính cách của Chu Bin tĩnh lặng lại. Anh không xô bồ như đại đa số các ca sĩ trẻ thời đại mới. Chúng tôi đã ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ và chỉ đứng dậy khi Chu Bin còn cách show diễn nửa tiếng. Cả tôi và anh, chẳng giao hẹn và tự coi nhau là những người bạn tri kỷ, bởi những tính cách rất riêng của người này mà người kia lấy làm quý trọng.

 "Cậu bé du mục" và những ánh hào quang sân khấu

Từ một cậu bé du mục với cuộc sống nay đây mai đó, rồi là vận động viên Taekwondo, đến nay Chu Bin đã trở thành một ca sĩ trẻ được nhiều người mến mộ. Năm 2008, vượt qua chục ca sĩ đã thành danh khác, với phong cách thể hiện ấn tượng, Chu Bin đã xuất hiện ẵm giải thưởng "Album của năm" với album Phải chăng em đã quên. Chưa dừng lại ở đó, cũng năm 2008, chàng ca sẽ trẻ này còn giành giải Nhất cuộc thi "Album vàng 2008" và giải nhất cuộc thi "Khát vọng ngôi sao"… Đến nay, người ta còn biết đến anh là người nắm giữ "kỷ lục" của ca khúc "hit" Hãy xem là giấc mơ. Khi mới phát hành, bài hát này đã nhiều tháng trời đứng trên top 3  bảng xếp hạng và được bầu chọn là một trong 10 ca khúc được nghe nhiều nhất trên trang MP3.zing.vn.

> Đọc thêm: Gia đình Lã Thanh Huyền 'xử ép' con dâu?

Văn Chương - Tiểu Cát

Hồi ức khó quên của Diễm My về mối tình thuở hàn vi

Chủ nhật, 30/12/2012 | 23:32
Khán giả biết đến chị qua nhiều vai diễn trên các phim truyền hình như 39 độ yêu, Cưới ngay kẻo lỡ, Hòn ngọc Viễn Đông với lối diễn rất có hồn. Dù ở cái tuổi hơn 50, nhưng nét đẹp thanh thoát, mặn mà từ chị toát ra khiến không ít ánh nhìn phải đam mê say đắm.

Nghệ sĩ Thanh Thủy kể về thuở hàn vi nghèo khó

Thứ 7, 02/03/2013 | 07:48
"Thời bao cấp đi diễn kịch chỉ có một chiếc giỏ xách, hôm nào trời mưa ướt giỏ phải thay bằng bao ni - lông. Mỗi cây son, hộp phấn đều phải mua trả góp...", Nghệ sĩ Thanh Thủy kế lại.

Thăng trầm trong cuộc đời NSND Thanh Hoa

Chủ nhật, 27/01/2013 | 09:10
NSND Thanh Hoa là một trong số ít ca sĩ mà tuổi nghề xấp xỉ tuổi đời. Hơn 50 năm cầm míc cũng là ngần ấy năm bà gắn mình với dòng nhạc cổ truyền của dân tộc. Và nếu có 50 năm nữa, có lẽ khán giả vẫn thấy một Thanh Hoa sâu lắng và đằm thắm trong các điệu lý, câu hò với làn điệu trữ tình mà ca từ dung dị.