Nửa tỷ đồng học phí cho tấm bằng đại học ở Việt Nam

Nửa tỷ đồng học phí cho tấm bằng đại học ở Việt Nam

Thứ 7, 21/09/2013 | 09:39
0
Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập trên cả nước vừa công bố mức học phí năm 2013-2014 và một số trường khác "xác lập" mức nửa tỷ đồng cho 3 năm đào tạo.

Phụ huynh toát mồ hôi vì học phí siêu khủng

Ngay sau khi các thông tin được đưa ra đã khiến nhiều bậc phụ huynh và học sinh giật mình. Hầu hết các bậc phụ huynh đều tỏ ra bất bình bởi sự chênh lệch và mức học phí cao đến mức phi lý như vậy. Trao đổi với PV Người đưa tin, các chuyên gia giáo dục khẳng định, việc bộ GD&ĐT cho phép các trường ngoài công lập tự quyết định mức học phí chính là nguyên nhân của sự "loạn giá' học phí này.

Theo thông tin mà PV có được, mức học phí "khủng" nhất mà nhiều trường ngoài công lập công bố trong tuyển sinh 2013-2014 là hơn 169 triệu đồng/năm (ĐH Anh Quốc Việt Nam - British University VietNam). Bên cạnh đó, trường ĐH Tân Tạo công bố mức học phí 62.820.000 đồng, ĐH Quốc tế Sài Gòn có mức học phí chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt khoảng 4.172.000 - 4.797.800 đồng/tháng; Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh là 10.847.200 - 11.890.200 đồng/tháng. Được biết, ngành Khoa học máy tính của trường được dạy bằng tiếng Anh có mức thu học phí cao kỷ lục là 119.000.000 đồng/năm. Trong khi đó, ĐH FPT công bố mức học phí đại học trọn gói (đã bao gồm chi phí giáo trình, học tập) là 23 triệu đồng/học kỳ. Toàn bộ chương trình học đại học gồm 9 học kỳ.

Trong khi một số trường ĐH-CĐ ngoài công lập khiến các phụ huynh và học sinh "giật gân" với mức học phí "ngoài hành tinh" thì một số trường khác lại có mức thu được cho là dễ thở. Đại diện trường ĐH Chu Văn An đưa ra mức học phí ĐH từ 590.000 đến 650.000 đồng/tháng; ĐH Công nghệ Đông Á, mức học phí chính quy hệ ĐH: 700.000 đ/tháng (10 tháng/năm); trường ĐH Công nghệ và Quản lý hữu nghị, học phí đại học: 800.000 đồng/tháng; ĐH Dân lập Đông Đô, học phí từ 800.000 đồng đến 820.000 đồng/tháng. ĐH Dân lập Hải Phòng học phí đại học 990.000 đồng/tháng... Thậm chí, có những trường giảm điểm đầu vào, học phí, "khuyến mại"... đủ thứ nhưng vẫn chật vật không "vợt được" thí sinh.

Trong vai một người đi xin nhập học cho cậu em trai, chúng tôi liên hệ với nhân viên tư vấn ĐH Anh quốc Việt Nam. Trao đổi với PV, chị B.T.P.H (nhân viên tư vấn) giới thiệu về khóa học Quản trị kinh doanh quốc tế để chúng tôi tham khảo. Điều kiện để các học sinh được đăng ký vô cùng dễ dàng. Học sinh chỉ cần đủ 17 tuổi trở lên, tốt nghiệp lớp 12 (hoặc tương đương). Tuy nhiên, họ phải có chứng chỉ IELTS 6.0 và đã hoàn thành khoá học dự bị đại học chuyên ngành. Chị H. hỏi PV: "Thế em trai em đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có chứng chỉ IELTS, TOEIC chưa? Đối với những học sinh chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể làm bài kiểm tra tiếng Anh và tham gia các lớp học dự bị tiếng Anh trước (5 lớp cấp độ tiếng Anh, học 6 tuần/cấp độ)". Chúng tôi thực sự "sốc" khi biết tổng của 5 lớp học dự bị này có giá hơn 140 triệu đồng.

Xã hội - Nửa tỷ đồng học phí cho tấm bằng đại học ở Việt Nam

 Nhiều học sinh bàng hoàng về mức học phí của các trường ngoài công lập.

Chúng tôi chưa kịp "hoàn hồn" về mức giá học tiếng Anh của trường này thì nhân viên H. lại khiến PV "choáng" vì mức học phí "siêu khủng". Theo đó, trong 3 năm học, để được lấy bằng, sinh viên phải bỏ ra 508 triệu đồng.

Trao đổi với PV về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Diệp, phụ huynh của một học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Lúc đầu, tôi định cho con mình theo học trường Anh quốc Việt Nam. Tuy nhiên, khi trường công bố học phí là nửa tỷ đồng/một chiếc bằng đại học, tôi cảm thấy vô cùng hoảng hốt. Vẫn biết "đầu tư" vào giáo dục cho con cái là việc nên làm nhưng thời điểm kinh tế khó khăn, sẽ rất ít người dám bỏ ra số tiền ấy. Bên cạnh đó, không ai có thể biết được chất lượng đào tạo của các trường này có xứng đáng với số tiền mà phụ huynh học sinh nộp. Nếu học được 1-2 năm, chất lượng đào tạo không tốt thì học sinh và phụ huynh cũng chẳng còn đường lùi. Bởi vì đã đóng cả mấy trăm triệu đồng rồi. Hơn nữa, các chi phí phát sinh ở những trường dạng này chắc chắn phải lên đến con số hàng trăm triệu đồng nữa".

Liệu có đáng “đồng tiền bát gạo”?

Phụ huynh "kinh hồn bạt vía" vì học phí của trường tiểu học dân lập

Tại TP.HCM, nhiều phụ huynh được phen "hoảng hốt" với mức học phí của một số trường tiểu học dân lập. Mới đây, trường tiểu học dân lập Quốc tế Á Châu thông báo mức học phí cho khối 1, 2, 3 là 4.124.000đồng/tháng, khối 4,5 là 4.370.000đồng/tháng, đó còn chưa kể tiền ăn, tiền xe đưa đón, phí xét tuyển, đồng phục. Mỗi phụ huynh có con học tại đây phải chi trung bình mỗi tháng từ 8 - 14 triệu đồng. Trong khi đó, trường tiểu học quốc tế APU có học phí lớp dự bị tiểu học là 134 triệu đồng/năm, bậc tiểu học là 183 triệu đồng/năm; trường dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) học phí của bậc mầm non là 77.244.000đồng/năm, bậc tiểu học từ 89 triệu - 99.876.000đồng/năm, bậc trung học từ hơn 107- 193 triệu đồng/năm. "Khủng" nhất có lẽ là trường Quốc tế TAS mức học phí thấp nhất của lớp nhà trẻ là 109.260.000đồng/năm, cao nhất là lớp 12 với 280.260.000đồng/năm.  

Trao đổi với PV , GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập khẳng định: "Đối với các trường ĐH-CĐ công lập, mức thu học phí được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học. Học sinh chỉ phải đóng 1/3 số tiền, còn Nhà nước "gánh" phần còn lại. Hơn nữa, việc thu học phí đào tạo theo tín chỉ ở trường công được xác định rõ ràng. Điều này đảm bảo cho việc không vượt quá mức trần học phí. Tuy nhiên, đối với trường ngoài công lập, họ phải hoàn toàn tự chủ và không được Nhà nước hỗ trợ về tài chính. Mặc dù thu học phí có cao hơn hẳn trường công, nhưng họ than rằng cũng chỉ đủ trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm trang thiết bị dụng cụ học tập, máy móc thực hành, bảo trì bảo dưỡng, xây dựng cơ bản...". Khi PV hỏi về mức học phí nửa tỷ đồng cho một khóa học ở trường ĐH Anh quốc Việt Nam, vị nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng: "Tôi được biết, ở TP.HCM hiện nay có nhiều trường cấp tiểu học, trung học cơ sở thông báo mức học phí 400 triệu đồng/năm. Việc trường ĐH Anh quốc Việt Nam thu mức học phí 170 triệu đồng/năm bây giờ tôi mới nghe đến. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem, nhà trường đào tạo như thế nào để làm sao cho xứng với đồng tiền bát gạo của người dân".

Cũng theo GS.TS Quân, việc các trường thu mức học phí "khủng" nhưng cần phải xem xét đến chất lượng đào tạo. Liệu kiến thức các sinh viên thu nhận được, có xứng đáng với số tiền đó hay không. Chính vì vậy, các trường phải công khai học phí, giáo viên, chương trình đào tạo lên các trang web của trường, cuốn những điều cần biết để cho người dân được biết. Bên cạnh đó, hàng năm, họ phải đi điều tra, thu nhận ý kiến của sinh viên và phụ huynh. Chương trình đào tạo dù "cao siêu", đẳng cấp đến đâu cũng phải phù hợp với trình độ và lực học của sinh viên Việt Nam.

Lách luật “làm giá”?

"Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều trường ĐH-CĐ đào tạo chất lượng yếu, vi phạm quy chế dẫn đến mất thương hiệu trong mắt nguời dân. Nếu họ còn quá phụ thuộc vào áp lực học phí và bỏ ngỏ chất lượng đào tạo, sẽ dẫn đến không thu hút nổi thí sinh, khó cạnh tranh với các trường ĐH công lập", vị Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập khẳng định.

Theo PGS.TS Văn Như Cương, quy định của bộ GD&ĐT, các trường ngoài công lập được phép tự quyết mức học phí của mình. Phải chăng đây là "kẽ hở" để các trường ngoài công lập đang làm "loạn" giá. Thực tế cho thấy, hiện nay, cùng một ngành nhưng các trường có mức học phí chênh nhau khá nhiều. Bên cạnh đó, Nghị định 49 của Chính phủ mặc dù có đưa ra mức quy định về học phí đối với từng ngành học. Tuy nhiên, mức này chỉ áp dụng đối với phương pháp đào tạo theo niên chế. Hiện nay, các trường đều đào tạo theo phương pháp tín chỉ để lấy tiền. Thế nên mới có chuyện, Nhà nước quy định học phí một đằng, các trường ngoài công lập thu một nẻo.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, các trường ngoài công lập cũng thực hiện các "pha" "lách luật" bằng cách đào tạo theo tín chỉ. Hiện nay, đang có tình trạng học phí tín chỉ "loạn cào cào". Trường ĐH Hải Phòng có mức thu 331.600 đồng/tín chỉ (trung bình mỗi bậc học, sinh viên phải trải qua hàng chục tín chỉ), trường ĐH Tài chính -Ngân hàng Hà Nội có mức học phí 450.000 đồng/tín chỉ, trong khi đó, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM với mức 2.410.000 đồng/tín chỉ... Không biết chất lượng đào tạo của từng trường thế nào nhưng mức chênh lệch quá cao như vậy cũng khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ và khó hiểu.                                        

Vương Chân

Kiểm tra giám sát tình trạng lạm thu đầu năm học

Thứ 5, 15/08/2013 | 14:31
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn yêu cầu các Sở Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo chấm dứt tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm trái quy định tại địa phương. Theo đó, lập các đoàn kiểm tra tình hình các khoản thu đầu năm.

Đầu năm học, phụ huynh nghiến răng móc hầu bao

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
Các trường có 1001 lý do để thu các khoản đóng góp đầu năm từ tăng cường cơ sở vật chất, đồng phục, trang thiết bị giảng dạy... dưới “chiêu” xã hội hóa giáo dục và phụ huynh đóng góp là tự nguyện.

Loạn thu phí đầu năm học: "Luật im lặng" trong trường học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Cứ đầu năm học, các quý vị phụ huynh thêm một lần còng lưng chịu đựng nhiều khoản phí "vô tội" vạ. Điều đáng lo ngại, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Sửng sốt với những khoản thu đầu năm ở 'trường quê'

Thứ 2, 09/09/2013 | 16:49
Có gia đình ở Đông Anh, với ba con đi học đã phải đóng 12 triệu đồng đầu năm học.

'Soi' lại dự đoán của dị nhân 'đuổi mưa' đầu năm 2013

Thứ 5, 02/05/2013 | 14:27
Còn nhớ, cách đây ít lâu, trong một cuộc trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, dị nhân "hô mưa gọi gió" Nguyễn Vũ Tuấn Anh từng tiên đoán về những sự kiện xảy ra trên toàn thế giới cũng như Việt Nam năm 2013.

Trường Mầm non Vinschool khai giảng năm học mới

Thứ 2, 09/09/2013 | 14:08
Vào ngày 5/9 trường Mầm non Vinschool đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2013 – 2014, đánh dấu sự khởi đầu đầy ý nghĩa của hệ thống giáo dục Vinschool.