Cách ly tập trung và giải pháp sẻ chia khó khăn với Nhà nước

Việc Đảng, Chính phủ ta trong thời gian qua đặc biệt chú trọng lo cách ly số người từ nước ngoài trở về với lượng người rất lớn quả là một cố gắng rất đáng ghi nhận. Song, có nên "cố quá“ như hiện nay hay là để xã hội hoá việc này một phần?

Đã có nhiều góp ý với các cơ quan từ Trung ương xuống địa phương hiện đang lo tổ chức cho đối tượng người bị cách ly, trong đó, tôi rất chia sẻ với những băn khoăn về việc những người vào trung tâm cách ly được xếp ở chung phòng một cách ngẫu nhiên.

Nếu một người trong phòng dương tính thì quá sức nguy hiểm cho những người còn lại vì nguy cơ lây nhiễm chéo. Hay là việc chờ tới vài ngày mới có kết quả xét nghiệm người nghi nhiễm, trong thời gian đó nếu người đó mang virus có thể gây lây nhiễm, hơn nữa thời gian chờ đợi xét nghiệm còn đem lại tâm lý cực kỳ căng thẳng với tất cả những người còn lại.

Cơ sở vật chất tại trạm cách ly sử dụng vật chất của quân đội, như hệ thống giường nằm, chăn màn, các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày

Theo tôi, chung quy lại cũng là do số người cần phải cách ly xã hội hiện bị quá tải. Chúng ta không nên đòi hỏi quá sức chịu đựng của Nhà nước vào thời điểm khó khăn này nếu như vẫn còn có những giải pháp khắc phục.

Song, rõ ràng chúng ta lại chưa thật lưu tâm ở một khía cạnh rất thực tế khác, có thể qua cách làm này sẽ giúp Nhà nước giải toả tình trạng quá tải nói trên.

Đó là việc nên xã hội hoá công việc cách ly, trong khi Chính phủ đã có chủ trương và rất nhiều người sẵn lòng được cách ly như vậy.

Cho đến giờ, mặc dù nhiều nước đã đóng cửa biên giới, đóng đường bay, nhưng sẽ vẫn có nhiều khả năng rồi đây sẽ còn xuất hiện những chuyến bay nhân đạo để đưa người Việt ở nước ngoài trở về Đất Mẹ Việt Nam.

Đó là chưa nói ở một góc độ nhân đạo khác. Chẳng hạn như du khách nước ngoài trên 6 du thuyền đang bơ vơ trên đại dương vì không có một nước nào đón nhận bởi nước nào cũng lo dịch bệnh trên tàu rồi sẽ ra sao nếu cho cập cảng. Nghĩ mà thấy đau lòng.

Trước tình hình này, chúng ta nên đẩy mạnh công tác xã hội hoá các khu cách ly hơn nữa, qua đó sẽ không bị quá tải và giảm bớt chi tiêu từ ngân sách.

Việc này có mấy cái lợi trông thấy.

Thứ nhất, đó là việc do được cách ly “xé nhỏ” ra, chỉ 1-2 người/phòng tại khách sạn, chấp nhận tự chi trả, Nhà nước đỡ “căng” hơn khi để các doanh trại quân đội, trường học phải thu nạp cách ly. Ở đó, mỗi phòng chứa đến cả chục người, thậm chí cả vài chục người (trong nhiều doanh trại) như vậy, nguy cơ lây nhiễm chéo cực cao. Hãy hình dung bộ đội ta tại những khu cách ly họ sống ra sao, nhường chỗ tốt nhất cho đồng bào để chính mình phải nằm đất trong lều bạt mà thấy vô cùng xót xa, ngậm ngùi cũng bởi cơ sở vật chất của bộ đội ta còn có hạn. Tại khu cách ly là Ký túc xá sinh viên (kiểu như ở TP.HCM) là một ví dụ. Nơi này cơ vở vật chất kém doanh trại quân đội, nguy cơ lây nhiễm từ các nhà vệ sinh công cộng vốn đã nhếch nhác nay lại đông người nên khả năng lây nhiễm sẽ hết sức lớn nếu chúng ta không có giải pháp khác.

Thứ hai, hiện nay tình trạng khách sạn hết sức vắng khách do dịch bệnh kéo dài, nhân lực vật lực đều dư thừa. Nếu chúng ta mở rộng việc cách ly như vậy sẽ bớt đi tình trạng lây nhiễm chéo vì họ ở trong phòng nhỏ chỉ 1-2 người. Như vậy là vừa an toàn hơn cho người cần cách ly, vừa là cách hạn chế sự thiệt hại về kinh tế cho xã hội, tạo công ăn,việc làm cho một bộ phận người lao động đã, đang và sẽ phải nghỉ việc không lương.

Thứ ba, (tôi rất biết), nếu tổ chức cách ly như vậy thì lực lượng y tế (quân, dân y thuộc Nhà nước nói chung) của ta còn mỏng và không thể bao hết mọi nơi. Trong bối cảnh đó, ta nên huy động đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân đứng ra làm việc với tinh thần của lời thề Hippocrates và lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc đồng thời phải như người mẹ hiền” đứng ra đảm trách cùng lực lượng công an, quân đội tăng cường bảo vệ. Nhưng do đây là nhu cầu của người bị cách ly, cho nên họ sẽ phục vụ các đối tượng cách ly dạng dịch vụ. Như vậy cũng là cách giảm tải cho cả đội ngũ y tế của Nhà nước quản lý. Đây cũng là cách tốt khi các bệnh viện và phòng khám tư nhân vắng khách đến thăm khám, điều trị.

Mặc dù gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chủ trương và sau đó có chỉ đạo việc này như tôi đề cập để giảm tải, song cũng còn một số địa phương chưa tích cực lắm ngoài một vài tỉnh, thành như Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM,...

Rõ ràng một số địa phương vẫn chưa mở rộng vì còn có những ý kiến không thật đồng thuận, do lo ngại về khả năng thiếu hợp tác của một số người bị cách ly, việc thiếu nhân lực, việc so sánh giàu nghèo gây chia rẽ trong xã hội. Cho đến giờ, hầu hết là chỉ những trường hợp bất khả kháng, khi các đơn vị quân đội, bệnh viện dã chiến, khu lưu trú, ký túc xá... không còn thì mới sử dụng cách ly bằng khách sạn xa khu dân cư.

Công việc cách ly thật không hề đơn giản. Chúng ta đã làm việc rất xuất sắc, tạo hiệu quả ngăn ngừa số ca nhiễm, được đồng bào khen ngợi. Từ sáng 5/4 đến sáng 6/4, cả nước ta cũng chỉ có thêm 1 trường hợp dương tính, thật đáng mừng. Nó cũng bắt nguồn từ công việc cách ly khá chặt chẽ mà có. Thế nhưng vẫn có thể nhìn thẳng vào những bất cập hiện nay để làm cho tốt hơn. 2 tuần cao điểm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội đã và đang diễn ra được 2/3 thời gian Vàng.

Đó càng là lý do để chúng ta nếu có thể dàn mỏng hơn người bị cách ly nhằm tránh hơn nữa nguy cơ lây nhiễm.

Mọi việc chúng ta vẫn kiểm soát tốt, đây là những dấu hiệu đáng mừng. Trước đó chúng ta đã đặt ra các kịch bản trong đó có những tình huống giả định còn căng thẳng hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ chủ trương và cách làm của Chính phủ vẫn đang nằm trong quỹ đạo và rất cần toàn dân ủng hộ.

Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì nên chăng toàn dân cũng cần hưởng ứng đóng góp như mới đây chúng ta đã tiến hành. Có những doanh nghiệp tư nhân bỏ ra ủng hộ cả chục tỷ, trăm tỷ đồng đóng góp mua vật dụng y tế cứu người vốn đang rất thiếu. Việc này thật đáng trân trọng.

Thế nhưng vẫn cần có nhiều hơn nữa những nghĩa cử như vậy, nhất là sự chung sức, chung tay của chính những người đang bị cách ly nếu không khó khăn.

Và hãy nhớ rằng sau dịch còn là công cuộc hồi phục kinh tế, xã hội vô cùng nặng nề. Nếu có thêm nguồn lực cho thời “hậu Covid-19” thì chúng ta càng có cơ hội để hồi phục sớm hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Quốc Phong

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Phố vắng hoang vu từ lúc em...về

Thứ 5, 02/04/2020 | 07:00
Hà Nội ngày cá tháng Tư. Phố vắng hơn vì chống dịch, cách ly toàn xã hội, “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào...”. Phố vắng vì Mi mô em từ đâu đến, vắng vì em đã bỏ phố về quê. Phố vắng đâu có gì đáng sợ vì Hà Nội đã nhiều lần vắng và còn hoang vu.

Viết giữa “đại thảm hoạ”

Thứ 5, 02/04/2020 | 18:45
Dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm SARS-CoV-2, Mỹ có chủ quan chưa đánh giá đúng độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của coronavirus khi nó bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng một khi đã nhận thức được sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, họ hành động nhanh chóng và quyết liệt. Massachusetts đang trong “đại thảm hoạ”, ca lây nhiễm tăng trên dưới 1.000 mỗi ngày, ca tử vong tăng đến 50% sau 24 giờ, nhưng nếu mỗi cá nhân biết bảo vệ chính mình bằng tri thức và sự hiểu biết, việc lây lan Covid-19 có thể giảm nhẹ, hy vọng nạn dịch sẽ sớm qua đi.

ĐBQH Lê Thanh Vân: “Cách ly xã hội” - một tình huống pháp lý trong áp dụng pháp luật

Thứ 4, 01/04/2020 | 13:07
Sau chỉ thị "cách ly xã hội" từ 0h ngày 1/4 của Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có những chia sẻ tâm huyết với góc nhìn và quan điểm riêng dưới góc độ pháp lý. Xin trân trọng đăng tải nội dung bài viết này để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề "cách ly xã hội" phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.