'Xóm Việt kiều' bên hồ Dầu Tiếng

'Xóm Việt kiều' bên hồ Dầu Tiếng

Thứ 5, 24/01/2013 | 08:51
0
Xóm Việt kiều là tên người dân xã Tân Thành (huyện Tân Châu, Tây Ninh) gọi những hộ gia đình người Việt ở Campuchia trở về, sống lay lắt trong những căn nhà lá tạm bợ bên hồ Dầu Tiếng. Mang danh Việt kiều, nhưng khi trở về, họ không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc của cải, không đất đai nhà cửa, làm nảy sinh nhiều vấn đề nan giải cho địa phương và chính quyền.

Chạy trốn cuộc sống nghèo khổ nơi xứ người

Ngay đầu con đường đất đỏ dẫn vào ấp Tà Dơ, một bên là hồ Dầu Tiếng mênh mông nước, xóm Việt kiều với gần 20 nóc nhà lá rách nát, tạm bợ dựng bằng những thân cây cao chênh vênh trên mặt nước. Ở đó, những người phụ nữ ngồi ngóng ra ngoài trong gian nhà thông thống không cửa, những đứa trẻ mình trần đen nhẻm đuổi nhau chạy vòng quanh xóm nhỏ. Cuộc sống của họ vẫn lênh đênh vô định...

Khu vực Biển Hồ (địa phận tỉnh Siem Riep, Campuchia) được biết đến là nơi sinh sống của đông đảo người Việt, mà hầu hết các tour du lịch cho khách Việt Nam đều có điểm đến là Biển Hồ. Và không ít người từng ghé thăm nơi này đã phải xót xa bởi cuộc sống khốn khó của những người Việt ở đây.

Xã hội - 'Xóm Việt kiều' bên hồ Dầu Tiếng

Những người này mong chờ một cuộc sống mới cho mình tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương (57 tuổi) kể rằng, bà theo cha mẹ sang Campuhia từ khi còn là một đứa trẻ. Lấy chồng, gia đình riêng của bà bám lấy Biển Hồ, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Gần đây, cuộc sống bên Campuchia khó khăn hơn trước.  Do vậy, gia đình bà dắt díu nhau về đây.

Cả cái xóm này đều là anh em, họ hàng và hàng xóm ở bên Campuchia. Hầu hết người Việt khu vực Biển Hồ đều mưu sinh bằng nghề chài lưới, làm thuê làm mướn, buôn bán nhỏ trên ghe, hoặc sống bằng tiền ăn xin khách du lịch. Họ đã sống ở Campuchia nhiều năm. Thậm chí có nhiều người sinh ra tại đó, nhưng vì sống lênh đênh trên sông nước, không đủ tiền mua nổi miếng đất cố định, nên họ chỉ là những người tạm trú tại Campuchia như những ngư dân du lịch. Họ không được hưởng quyền lợi, an sinh xã hội, cũng không được chính quyền bảo vệ.

Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 là nơi cư ngụ của hơn 10 thành viên lớn nhỏ trong gia đình bà Võ Thị Thành (45 tuổi). Rít một hơi thuốc lá dài, bà ngậm ngùi kể lại hành trình tha phương của gia đình. Trước những năm 1975, gia đình bà sang Campuchia, làm nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ. Sau khi hòa bình, họ trở lại Việt Nam, lên tận vùng rừng núi của tỉnh Bình Phước làm ăn, nhưng không được, lại xuôi về tận Hồng Ngự (Đồng Tháp) làm thuê làm mướn.

Ở Hồng Ngự được mấy năm, gia đình bà tiếp tục sang vùng Biển Hồ đánh bắt cá mưu sinh. Cha mẹ bà đã qua đời bên xứ người, mấy anh chị em, con cháu bà lại thêm một lần vượt biên tìm đường về Việt Nam. Hiện giờ chỉ còn gia đình một người con trai bà vẫn ở lại Campuchia.

Hút hết điếu thuốc, bà cho biết: "Ở bên đó cuộc sống đói khổ lắm, làm thuê rồi đánh bắt cá cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vào mùa nước nổi, Chính phủ Campuchia cấm đánh bắt cá trên Biển Hồ, thế là lại đói ăn. Mình là dân vô gia cư, bần hàn, không giấy tờ tùy thân, không rành tiếng địa phương, sống biệt lập, cuộc sống vô cùng bấp bênh. Mấy năm nay làm ăn càng khó khăn, bơ vơ nơi xứ người nên gia đình quyết định trở về nước. Dù sao thì cũng là trên đất nước mình, đồng bào mình với nhau cho mình cảm giác an toàn hơn".

Xã hội - 'Xóm Việt kiều' bên hồ Dầu Tiếng (Hình 2).

Rác thải bao quanh khu vực xóm Việt kiều.

Hy vọng trẻ em xóm Việt kiều được đến trường

Cả xóm Việt kiều này một chữ cắn đôi cũng không ai biết. Bà Hương ngậm ngùi: "Đời tôi đã không biết chữ, con tôi không biết chữ, giờ đến cháu tôi cũng sẽ không được đến trường, vì chúng tôi không hề có giấy tờ tùy thân nào cả. Ngay cả một miếng giấy khai sinh cũng không có. Nhiều người trong chúng tôi cũng không còn biết quê quán mình ở đâu nữa rồi. Giờ sống đâu thì đấy là quê của mình thôi".

Cháu Lê Thị Kiểng (12 tuổi), Mai Văn Tiền (7 tuổi) và nhiều đứa trẻ khác ở xóm Việt kiều, dù đã qua tuổi phải đến trường, vẫn lang thang chơi đùa. Tương lai của các em nguy cơ sẽ như thế hệ bố mẹ, ông bà mình, thất học và quanh quẩn với xóm nghèo. Đêm về, xóm Việt kiều vẫn tù mù trong ánh đèn lồng vì không thể kéo điện. Mọi sinh hoạt của họ đều lấy nước từ hồ Dầu Tiếng, từ ăn uống, tắm rửa, đến đi vệ sinh cũng trên hồ Dầu Tiếng. Dẫu là người Việt Nam, nhưng họ lại sinh sống ở đất nước khác, khi trở về họ không có giấy tờ tùy thân, quốc tịch, hộ khẩu,... nên họ vẫn chỉ như những người đang lưu trú tạm thời, những Việt kiều chưa được nhập quốc tịch.

Những người dân xóm Việt kiều mỗi ngày đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng hay làm thuê cũng kiếm được 80 - 100 ngàn. Đã có một số cô gái lập gia đình với những chàng trai cũng là Việt kiều từ Campuchia về, nhưng do họ về đây từ lâu nên có hộ khẩu và nhà cửa ổn định, hoặc là dân địa phương. Như Nguyễn Thị Mười (20 tuổi) con của bà Nguyễn Thị Hương lấy chồng cũng ở ấp này. Bà Hương chia sẻ: "Thấy con có được tấm chồng dù không giàu sang gì, nhưng thoát được cảnh sống không nhà cửa, giấy tờ tôi cũng mừng".

Cái mà người dân xóm Việt kiều cần nhất bây giờ chính là có giấy tờ, để họ có thể tự do đi lại, kiếm việc làm ở những nhà máy, công ty, con cái họ được đến trường. Chỉ có như vậy cuộc sống mới tươi sáng hơn.

Ông Nguyễn Thiện Thanh, trưởng ấp Tà Dơ cho biết: "Lúc đầu chỉ có 3 hộ Việt kiều về ấp này sinh sống, được chính quyền quan tâm, cho mượn đất thuộc dự án khu du lịch sinh thái Dầu Tiếng ở nhờ, và cấp phát quà cho. Sau này, họ rủ thêm những hộ họ hàng, hàng xóm đang ở khu vực Biển Hồ kéo nhau về đây đông dần lên trong 3 năm nay".

Với xóm Việt kiều, nếu người nào không muốn trở lại Campuchia, chính quyền cũng rất quan tâm, tạm thời bố trí cho họ ở nhờ trên đất dự án khu du lịch, thỉnh thoảng cấp phát quà cho họ. Nhưng vấn đề nhập quốc tịch, hộ khẩu, hộ tịch với họ là một trở ngại lớn. Ông Thanh cho biết, họ đều là dân du cư trên vùng Biển Hồ, Campuchia trở về Việt Nam bằng con đường không chính thức. Họ cũng không có đủ kiến thức và tiền bạc để trước khi về tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia xin giấy tờ chứng thực mình là người Việt và muốn quay trở lại Việt Nam. Bản thân họ khi trở về có người có giấy tờ của Campuchia, nhưng tuyệt nhiên không ai có giấy tờ gì chứng thực được mình là người Việt Nam. Ngay cả giấy khai sinh cũng không có, nên số trẻ em ở xóm Việt kiều đều thất học vì không thể đến trường.

Cũng theo ông Thanh, vừa qua tỉnh và huyện đã chỉ đạo xuống xã, với những hộ Việt kiều nào muốn cư trú tại Việt Nam thì phải quay trở về Campuchia, chứng thực được nguồn gốc Việt Nam của mình thì sẽ hỗ trợ làm giấy tờ. Nhưng vừa qua đúng vào dịp cuối năm nên chưa triển khai được.

Nhưng những hộ dân Việt kiều này vì nhiều lý do đều không có giấy tờ gì cả. Tại Campuchia họ chỉ sống trên ghe thuyền hoặc ven Biển Hồ, ít tiếp xúc với bên ngoài, không khai báo cũng không ai quản lý, nên chính quyền bên đó cũng không hề biết họ là ai mà xác nhận. Mất quê hương, gốc gác họ cũng chẳng biết đi về đâu mà xin xác nhận từ nơi mình sinh ra.

Xem ra hành trình trở về của họ, để chính thức được công nhận là công dân Việt Nam vẫn còn xa và không ít khó khăn trở ngại. Con cái họ sẽ lại triền miên trong cái vòng luẩn quẩn ấy, không giấy tờ tùy thân và thất học.            

Mong ước chính đáng

Trăn trở của ông Thanh trước khi chúng tôi ra về cũng là trăn trở của chúng tôi, mong những người dân xóm Việt kiều được hỗ trợ làm giấy tờ một cách nhanh chóng, thuận lợi để họ đủ quyền công dân, có thể đi xin làm công nhân ở các xí nghiệp, có công ăn việc làm ổn định, những em nhỏ được cắp sách đến trường. Chỉ có như vậy, cuộc đời của những người nghèo khổ nơi xóm Việt kiều mới có thể sang trang mới, kết thúc những chuỗi ngày khốn khó bơ vơ nơi xứ người, không một mảnh giấy lận lưng để được công nhận với tư cách là một công dân chính thức.  

Hương Lam - Triệu Quyên

Chùm ảnh: Kinh hoàng bãi rác quê

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
– Tại địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, công ty môi trường huyện thực hiện việc thu gom rác thải không đúng cam kết, làm ô nhiễm môi trường cho người dân.

Về thăm làng... rác

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
Về làng Minh Khai (thường gọi là làng Khoai) ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên đâu đâu cũng thấy rác. Nơi đây từ lâu đã hình thành một làng nghề chuyên chế biến nhựa từ rác nên làng Khoai đã trở thành “đầu nậu”, “nơi tập kết” cuối cùng các loại phế thải (chủ yếu là nhựa, vỏ chai nhựa, nilon…).

Xây hầm bộ hành hay… bãi rác?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
Dạo một vòng quanh các hầm bộ hành tại Hà Nội không khó để nhận thấy sự xuống cấp trầm trọng của công trình, sự lãng phí và ý thức kém cỏi của người dân khi những công trình tiền tỷ đang dần biến thành bãi chứa rác thải.

Người Việt nên xấu hổ khi người nước ngoài nhặt rác Hồ Gươm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Là một người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, cứ cuối tuần, ông lại đến Hồ Gươm lặng lẽ thu, gom rác thải mà người dân vô ý vứt bừa bãi.