Sỹ tử 'bại liệt' vừa được đặc cách vào đại học

Sỹ tử 'bại liệt' vừa được đặc cách vào đại học

Thứ 3, 09/07/2013 | 14:48
0
Nằm liệt giường sau một trận ốm "thập tử nhất sinh" nhưng khát vọng tìm kiếm con chữ luôn thường trực trong con người Vọng. Để nuôi giấc mơ đại học, chàng trai tật nguyền đã 12 năm kiên trì khổ luyện, thông qua sự giúp đỡ của người mẹ.

Cảm động trước nghị lực phi thường của Vọng và ý chí quyết tâm của người mẹ, thầy Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng trường Đại học Vinh đã động viên cả hai mẹ con thí sinh này bằng cách, chính thức đặc cách, nhận em Vọng vào học ngành Công nghệ Thông tin của trường ĐH Vinh.

Ước mơ thành kỹ sư CNTT

Nguyễn Văn Vọng sinh ra trong gia đình thuần nông tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Từ nhỏ, Vọng luôn là một cậu bé ngoan ngoãn, chăm học và lễ phép với tất cả mọi người. Tuối thơ của cậu bé cứ vậy êm đềm trôi qua trong vòng tay của bố mẹ. Nhưng rồi một ngày, khi mà trí khôn chưa đủ để Vọng cảm nhận nỗi đau thì bố em mất do căn bệnh hiểm nghèo, để lại hai mẹ con cùng với những khoản nợ lớn. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, thì tai ương khác ập đến, trong một lần bị sốt cao, do không đi bệnh viện điều trị kịp thời, Vọng bị biến chứng cảm hàn. Uống bao nhiêu thuốc kháng sinh nhưng tình hình sức khỏe của Vọng cũng không mấy tiến triển.

Xã hội - Sỹ tử 'bại liệt' vừa được đặc cách vào đại học

Chân dung sỹ tử với ước mơ là kỹ sư CNTT.

Vì không có tiền và nghĩ con chỉ bị sốt bình thường nên mẹ Vọng cũng chỉ áp dụng các biện pháp chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, khi bệnh cảm cúm vừa được chữa khỏi cũng là lúc gia đình phát hiện đôi chân của Vọng có dấu hiệu teo tóp và không lâu sau đó, em bị liệt hoàn toàn. Mẹ Vọng đã ngất lên ngất xuống nhiều lần khi nhận được thông báo từ bác sỹ: Vọng bị teo cơ và bại liệt do dùng thuốc quá nhiều.

Nhà nghèo, tài sản gia đình không có gì đáng giá, mẹ Vọng đã phải chạy vạy khắp nơi với hy vọng chữa khỏi bệnh cho con. Thời điểm này, do yêu cầu của việc chữa bệnh, Vọng phải bỏ học giữa chừng để điều trị dứt điểm. Nhưng mọi cố gắng và nỗ lực của hai mẹ con đều trở nên vô nghĩa khi đôi chân Vọng mãi không thể đi lại được: "Tôi không ngờ được đứa con nhỏ của mình lại sớm thiệt thòi đến như vậy. Nếu gia đình tôi có chút kinh tế thì có lẽ bệnh của Vọng có cơ hội chữa trị", chị Nguyễn Thị Soa - mẹ Vọng sụt sùi nước mắt.

Từ một cậu bé hiếu động, Vọng phải nằm một chỗ và mỗi lúc động trời Vọng lại bị những cơn đau hành hạ. Tuy nhiên, dù đau đớn bao nhiêu nhưng với Vọng niềm đam mê về học tập vẫn luôn luôn tồn tại trong em. Sau khi ngừng học 5 năm để ở nhà chữa bệnh, năm 2002, Vọng xin phép mẹ được quay lại trường với hy vọng sau này đỡ vất vả cho mẹ. Dù biết, mẹ mình sẽ vất vả khi hàng ngày phải đưa mình đến trường nhưng với nghị lực, Vọng đã thuyết phục được mẹ.

Xã hội - Sỹ tử 'bại liệt' vừa được đặc cách vào đại học (Hình 2).

Nguyễn Văn Vọng được Hiệu trưởng trường Đại học Vinh đặc cách thẳng vào đại học.

Những năm học cấp 1, cấp 2, trường học gần nhà nên Vọng thỉnh thoảng được bạn bè thay mẹ đưa đến lớp đi học. Lên đến cấp 3, học trường xa nên Vọng phải thuê trọ để học. Đôi chân cũng như phần lưng không cử động được nên mọi sinh hoạt cá nhân của Vọng đều phụ thuộc vào mẹ. Vậy là từ năm học lớp 10, bà Soa phải nghỉ mọi việc lên ở trọ cùng và theo con ngày ngày đến trường.

Đôi tay cũng bị ảnh hưởng từ trận ốm, nếu cầm bút viết trong thời gian dài thì sẽ bị tê cứng nhưng chưa ngày nào Vọng chịu bỏ học. Vọng chia sẻ: "Em đã học chậm so với các bạn cùng lứa, bản thân lại không được khỏe mạnh, lành lặn nên em hiểu chỉ có học, học để kiếm một cái nghề nào đó để nuôi sống bản thân mình mà không phải phụ thuộc vào ai cả".

Đặc cách vào đại học

Với quyết tâm và nỗ lực, Vọng đã lần lượt hoàn thành chương trình THPT và tự tin làm hồ sơ dự thi vào khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Vinh. "Ước mơ và dự định thì em cũng có nhiều lắm, nhưng thực tế thì có những ước mơ đối với em là rất khó khăn để thực hiện. Ban đầu em định thì vào khoa Luật để học Luật kinh tế nhưng việc hạn chế đi lại, đến cả ngồi em còn không làm được nên em đành thôi. Ngoài ra, những công việc đó đòi hỏi phải di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều  nên em đã lựa chọn học CNTT như vậy sẽ thuận lợi cho em hơn", đó là những lời tâm sự của Vọng.

Xã hội - Sỹ tử 'bại liệt' vừa được đặc cách vào đại học (Hình 3).

Bà Soa chia sẻ về đứa con trai tật nguyền.

Sáng ngày 1/7, Vọng và mẹ đã bắt xe từ Hồng Lĩnh ra TP.Vinh để dự thi. Nhờ người quen giới thiệu, Vọng và mẹ định thuê phòng trọ ở ngõ 2 đường Đặng Tất, phường Lê Mao, chuẩn bị để ngày mai đi làm thủ tục dự thi nhưng số tiền còn lại không đủ nên đành thôi. Được biết, để có tiền đi thi mẹ Vọng lại phải chắt bóp từng đồng, bán thêm một con lợn nuôi trong nhà mới có thể đưa con sang TP.Vinh. Nhưng tiền xe đò và những khoản chi khác đã khiến số tiền vơi đi gần hết nên hai mẹ con Vọng lại phải dắt nhau đi tìm một căn phòng trọ trong ngõ hun hút để ở tạm.

Người cõng con vượt bão đến trường

Thương con, bà Soa kiên trì cõng con đến trường tiểu học Đức Thuận gần nhà để xin học. Được nhận vào trường, và rồi cứ thế, hàng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, bà Soa vẫn cõng con đến trường đều đặn. Hai mẹ con Vọng ở trong túp lều tranh xiêu vẹo, có lần bị mưa bão làm đổ trong đêm. Người mẹ lóp ngóp tìm con trong đống đổ nát, may mà không việc gì, mẹ con lại ôm nhau mà khóc. Thấy hoàn cảnh 2 mẹ con bà như vậy, phường Đức Thuận và thị xã Hồng Lĩnh đã dựng cho gian nhà tình thương để che mưa che nắng.

Mấy hôm ở lại Vinh để thi, từ việc ăn uống đến đi lại Vọng đều phải dựa vào người mẹ. "Giờ tôi chỉ mong thằng Vọng nó thi đỗ vào đại học để nó được đi học, tự kiếm lấy cái nghề để sau này nuôi sống bản thân nó thôi. Ngày chuẩn bị đưa con ra đi thi, tôi đã phải bán lợn, bán thóc trong nhà rồi. Bố Vọng mất sớm, tôi cũng không thể chăm sóc Vọng cả đời nên nó phải tự học lấy một cái nghề để sau này kiếm tiền tự nuôi sống mình", bà Soa cho biết.

Vì trong hồ sơ dự thi vào khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Vinh, Vọng không nói rõ mình bị tật nguyền và chưa làm đơn xét đặc cách nên cụm thi Vinh đã không kịp bố trí cho em thi ở phòng thi riêng biệt tại tầng 1. Để đến được phòng thi ở tầng 3, Vọng phải nhờ các anh chị thanh niên tình nguyện giúp đỡ.

Sau khi nhận được thông tin, sáng ngày 4/7, PGS.TS Đinh Xuân Khoa - hiệu trưởng trường ĐH Vinh - chủ tịch Hội đồng cụm thi Vinh - đã có mặt tại điểm thi trường THPT VTC để thăm em Vọng. Trước nghị lực phi thường của Vọng và cảm phục ý chí của người mẹ, thầy Đinh Xuân Khoa đã động viên cả hai mẹ con thí sinh này và quyết định chính thức đặc cách, nhận em Vọng vào học ngành Công nghệ Thông tin trường ĐH Vinh.

Phát biểu về việc đặc cách cho thí sinh Nguyễn Văn Vọng vào học tại trường ĐH Vinh, PGS.TS Đinh Xuân Khoa cho biết: "Tôi rất cảm động, nể phục nghị lực của em Vọng. Những tấm gương như em cần được khuyến khích. Vừa tạo cho những em có hoàn cảnh đặc biệt có nghị lực vươn lên tìm được tương lai tươi sáng hơn, vừa giúp khỏa lấp những thiệt thòi, không may mà các em đang gánh chịu".

Nhận được quyết định đặc cách, hai mẹ con Vọng ôm nhau khóc trong hạnh phúc. Cả mẹ và con đều đã khóc, cuối cùng thì sau hàng chục năm trời nỗ lực, chân trời mới cũng đã mở ra, Vọng đang được đứng trước ngưỡng cửa để thay đổi số phận, đền đáp những công lao to lớn của người mẹ.   

Món quà vô giá

Để động viên hai mẹ con em Vọng vượt qua khó khăn, các thầy cô tại điểm thi trường THPT VTC cũng đã quyên góp 500 ngàn đồng/người hỗ trợ mẹ con Vọng. Đây có lẽ cũng là điều mà em Vọng xứng đáng nhận được sau những gì đã nỗ lực trong nhiều năm qua.  Ngoài vật chất và món quà vô giá từ suất đặc cách, Vọng còn được nhiều người động viên, an ủi cố gắng học thật tốt sau này thành kỹ sư công nghệ thông tin để tự nuôi mình và phụng dưỡng mẹ già .     

Hà Hằng - Kim Thoa

Trường cao đẳng lạm thu của sỹ tử nghèo

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
– Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội thu thêm tiền của thí sinh đến dự thi đã làm cho nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn đặt câu hỏi, liệu có phải là khoản thu đúng quy chế của Bộ không?

Chàng trai bại liệt sửa điện tử, nuôi 2 em học đại học

Thứ 4, 26/06/2013 | 16:07
Vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, giờ anh đã là chủ một cửa hàng sửa chữa đồ gia dụng, điện thoại nổi tiếng. Với số tiền kiếm được, Phạm Văn Tự (SN 1988, Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) nuôi được cả 2 em học đại học.

Chuyện tình cổ tích của chàng trai bại liệt toàn thân

Thứ 7, 25/05/2013 | 15:34
Không ai có thể ngờ được rằng anh lại có một chuyện tình như mơ với một cô kế toán trẻ trung, xinh đẹp.

Cảm động cô giáo trẻ mù lòa một mình nuôi cha bại liệt

Thứ 5, 16/05/2013 | 08:56
Vốn là một cô giáo trẻ đầy triển vọng, Phạm Thị Thùy (SN 1987) trú tại khối 15, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa ra trường đã được về nhận công tác tại một trường THCS gần nhà.