Cảm phục người thầy gian nan “cõng chữ” vào “thâm sơn cùng cốc”

HỒ NAM

Điểm trường nơi hẻo lánh, quanh năm sương mù bao phủ khiến thầy giáo trẻ "vỡ mộng" bao lần muốn bỏ về xuôi. Thế nhưng, trong những ngày đầu hụt hẫng cô đơn, hình ảnh người làng đội mưa mang cho thầy từng bó rau rừng, con cá suối khiến thầy xúc động. Cảm động trước tấm chân tình bà con dành cho mình, sau bao đêm trăn trở, thầy giáo trẻ quyết tâm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, cùng các em học sinh viết tiếp những trang vở còn dang dở.

Dạy chữ nơi “rừng thiêng nước độc”

Điểm trường Điek Tà Âu, xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là nơi "thâm sơn cùng cốc" khó khăn, hiểm trở. Cuộc sống nơi đây phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Bỏ ngoài tai tất cả những lời cảnh báo từ đồng nghiệp, thầy giáo trẻ sẵn sàng trải nghiệm với mơ ước được đứng trên bục giảng, cho dù nơi đó là nơi nào.

Ngày lên đường nhận công tác, hành trang của người thầy giáo miền xuôi ngược đại ngàn gieo chữ chỉ là một ba lô nhét vội vài bộ quần áo, một tập giáo án dày cộm. Với thầy đó không đơn giản là hành trang, đó là cả một bầu trời kiến thức mang đến cho những đứa trẻ nơi "cổng trời". Người mà chúng tôi nhắc đến với sự khâm phục là thầy Đoàn Văn Tuyền (28 tuổi) giáo viên tại điểm trường Điek Tà Âu.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Lê Văn Thức, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngọk Tem chia sẻ: “Điểm trường Điek Tà Âu nằm chót vót trên đỉnh núi. Đây là khu vực núi cao, đường đi rất hiểm trở. Điểm trường được thành lập mục đích để xóa mù chữ cho các em học sinh vùng khó. Mùa nay đang là mùa mưa đường rất dốc, trơn trượt, xe máy không di chuyển được. Để lên được điểm trường này chỉ có cách đi bộ. Đặc biệt về đêm khí hậu rất khắc nghiệt, có khi nhiệt độ giảm còn 11 độ, cái lạnh "cắt da cắt thịt"”.

Thầy Thức không ngần ngại làm người dẫn đường đồng hành cùng chúng tôi. Sau khi di chuyển bằng xe máy một đoạn, chúng tôi phải bỏ lại xe, bởi sau trận mưa rừng đêm hôm trước đường đầy bùn lầy, trơn tuột. Nói là đường chứ thực ra đó chỉ là lối mòn nhỏ xuyên rừng, hai bên dốc cao vực thẳm. Mỗi người chúng tôi phải trang bị theo một cọc nhọn cắm xuống đất làm điểm tựa, ỳ ạch vượt dốc. Phải mất hơn 1 giờ cuốc bộ, mới thấy trước mặt một vài nóc nhà của người dân bản địa.

Thầy Tuyền vẫn ngày ngày miệt mài truyền đạt kiến thức cho học sinh nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả.

Trước mặt chúng tôi, điểm trường Điek Tà Âu nằm khép mình bên sườn đồi. Những tiếng ê a tập đọc từ lớp học vang vọng cả núi rừng. Đi trên lối mòn nhão nhoét bùn đất, chúng tôi đến gần hơn với lớp học. Khác hẳn với không khí lạnh lẽo bên ngoài, lớp học toát lên hơi ấm của tình thầy trò. Trên bục giảng người thầy dáng người mảnh khảnh say sưa dạy các em học trò. Điều khiến chúng tôi cảm thấy lạ trong lớp học, là 2 tốp học sinh quay lưng lại với nhau. Ở đầu và cuối lớp có 2 cái bảng đen. Lý giải về điều này thầy Thức nói: "Vì số lượng học sinh ít nên các em học sinh lớp 1 và 2 được gộp lại và giao cho thầy Tuyền phụ trách".

Người thầy giáo của buôn làng

Gặp chúng tôi thầy Tuyền mừng rỡ nói: "Lâu lắm rồi mới có người ở dưới xuôi lên đây thăm trường. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này ngoài giáo viên và người dân bản địa ra thì rất ít khi có người lạ ghé qua". Thầy Tuyền kể, thầy quê tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi ra trường, ở quê không có việc nên thầy lên huyện nghèo này gieo chữ.

Trước khi chuyển công tác lên Điek Tà Âu, thầy được đồng nghiệp cảnh báo về những khó khăn ở đây: “Các thầy đi trước cảnh báo sẽ rất khó khăn và gian khổ. Thế nhưng vì niềm đam mê nên mình vẫn quyết vác ba lô vượt núi. Ngày mình lên nhận công tác, trời lúc đó cũng đang đổ mưa và phải đi bộ. Hành trang mang theo chỉ là giáo án và mấy bộ quần áo. Một mình cứ thế cuốc bộ tiến về hướng có đỉnh núi”.

Bên mâm cơm đạm bạc buổi trưa, thầy Tuyền kể cho chúng tôi những gian nan vất vả trong ngày đầu đặt chân đến với vùng đất quanh năm sương mù bao phủ.

Chia sẻ về những khó khăn trong suốt 2 năm cắm bản, thầy Tuyền nghẹn ngào: "Ở cái nơi núi cao, thung sâu này cuộc sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, không có nguồn nước sạch, giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu. Người dân ở đây chỉ canh tác lúa rẫy nên nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là gạo rất thiếu thốn. Đường xá cách trở khiến cho cuộc sống bà con chỉ xoay quanh đói nghèo, lạc hậu".

“ Khi màn đêm buông xuống, sương phủ, gió lùa, cái lạnh như cắt da cắt thịt. Sóng điện thoại chập chờn, nhiều khi mình nhớ nhà nhưng cũng khó liên lạc được. Một mình sống ở nơi đây, có lúc mình yếu lòng muốn bỏ về xuôi. Thế nhưng, nằm nghĩ tới những ngày mưa kéo dài cả tháng không có cái ăn, bà con đội mưa mang đến cho mình những bó rau rừng, con cá suối mới thấu hiểu tấm chân tình của họ. Mình lại quyết tâm gắn bó với bà con, gắn bó với vùng đất miền sơn cước này, cùng các em học sinh trong làng viết tiếp những trang vở còn dang dở".

Nở nụ cười ấm áp thầy Tuyền tiếp lời: "Thấy mình sống thui thủi một mình trong căn nhà tạm mà trường bố trí cho giáo viên bà con thương lắm. Sợ mình không chịu được khó khăn, cô đơn bỏ về xuôi, đám trẻ trong làng thất học, nên già làng đón mình về ở chung coi như con cháu trong nhà. Ban đầu, nhà trường xây dựng 1 căn nhà cho giáo viên ở. Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là mái tranh vách nứa. Gió núi luồn qua kẽ hở thổi vào nhà buốt lạnh".

Hằng ngày thầy Tuyền vẫn cùng các em học sinh trong làng đi trên những cung đường nhão nhoét bùn đất, viết tiếp những trang vở còn dang dở.

Nói về thầy giáo Tuyền, già làng A Thao chia sẻ: “Dân làng thương thầy lắm, con em mình có biết chữ hay không là nhờ thầy. Thầy ở trong nhà mình, ăn uống với gia đình mình nên mình coi như con cái. Cũng có lần thầy muốn bỏ về, mình biết được nên gọi bà con đến xin thầy ở lại.”

Thầy Tuyền tâm sự, trước đây vì cuộc sống khó khăn, đám trẻ không mấy mặn mà với con chữ. Một phần do đường xa, các em quên cả đường lên lớp. Thầy phải bới cơm, đùm gạo băng rừng vào tận rẫy của bà con để vận động con em ra lớp. Rẫy người Ca Dong cách làng ngọn núi bên kia, sâu hun hút. Có khi phải mất cả ngày để đi tìm được nhà của 1 học sinh. Giờ đây, mọi thứ dần đi vào nề nếp, đám trẻ đến trường học đều đặn, cuộc sống của người dân dần ổn định.

Đến nơi đây, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được cuộc sống muôn vàn khó khăn, vất vả của người dân ở nơi núi cao, giao thông cách trở này. Chiều muộn, chúng tôi xuống núi trong cơn mưa tầm tã, thầm chúc thầy trò điểm trường Điek Tà Âu luôn chân cứng đá mềm, có một tương lai tươi sáng hơn.

Thầy Vũ Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngọc Tem cho biết, trường có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn làng. Riêng điểm trường Điek Tà Âu nằm tốp khó khăn nhất tỉnh Kon Tum. Ở Điek Tà Âu 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, người dân ở đây điều kiện kinh tế khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục, nên những giáo viên ngoài sứ mệnh dạy học, còn giống như một cán bộ cắm bản tuyên truyền bà con loại bỏ dần hủ tục, vận động các em học sinh không bỏ học giữa chừng.

Hồ Nam