Những 'khoản mờ' sau việc hiến máu tình nguyện

Những 'khoản mờ' sau việc hiến máu tình nguyện

Thứ 7, 20/04/2013 | 12:23
0
Số lượng máu này khi đến tay người bệnh bị đội giá lên rất cao. Trong khi các khoản hỗ trợ, bồi dưỡng người hiến máu đang bị... bỏ quên.

Khoản chi bị bỏ quên?!

Nhắc tới chuyện đưa người nhà của mình xuống Hà Nội chữa bệnh, chị Lê Thị Hoa (trú tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai) không khỏi ưu tư: Cách đây 6 - 7 tháng, đứa con trai cả của tôi mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi đưa cháu xuống bệnh viện Trung ương quân đội 108 để mổ điều trị, mặc dù được các bác sỹ dự trù, mua đủ đơn vị máu theo yêu cầu để phục vụ công tác mổ, điều trị bệnh tim cho cháu.

Thế nhưng, điều lạ ở chỗ: Tại sao gia đình tôi đã bỏ tiền ra mua máu nhưng vẫn được các y, bác sỹ bệnh viện thông báo huy động người thân, bạn bè đến lấy máu dự phòng để sẵn sàng cung cấp khi cần?! Trước tình hình như vậy và lo lắng tới tính mạng, sức khỏe của con nên tôi đã gọi điện thoại cho hơn chục người thân trong gia đình từ quê lên để hiến máu cấp cứu cho cháu.

Qua test máu nhanh, có ba người bị loại vì bị nhiễm viêm gan B và nồng độ máu không đạt tiêu chuẩn. Còn lại tám thành viên của gia đình được các y, bác sỹ bệnh viện lấy mỗi người một đơn vị máu (tương ứng với 250ml và mỗi người một loại máu, khác hẳn với nhóm máu AB mà con tôi cần).

Sau khi lấy máu xong, nhân viên y tế ở đây thông báo người nhà có tất cả bao nhiêu người thì vào kê khai tên tuổi, địa chỉ để cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện đồng thời có gửi một suất quà gồm một con gấu bông (trị giá khoảng 30 - 40 nghìn đồng và thực tế rất ít người nhận về - PV) và 10.000 đồng tiền mặt được gọi là bồi dưỡng sức khỏe sau khi hiến máu.

'Tôi không hiểu cách thức cho, lấy máu như thế nào cả. Mãi sau này ca mổ thành công, con trai tôi khỏe mạnh về nhà thì có một số bà con hàng xóm nói bệnh viện ép lấy máu như vậy là sai và không đúng quy định, dễ gây ngộ nhận, hiểu lầm với người dân. Nếu đúng như vậy thì không thể nào chấp nhận được.

Đã là hiến máu tình nguyện có nghĩa là mọi người đều tự nguyện, tự giác trong việc cho tặng, hiến máu cho bất kì một người nào đó mà không cần người nhận máu bù đắp về vật chất hay tinh thần. Đằng này các nhân viên y tế lại thông báo người nhà phải huy động người đến thử máu, bù đắp đủ số máu mà phía bệnh viện đã cấp cho một ca mổ', chị Hoa băn khoăn.

Xã hội - Những 'khoản mờ' sau việc hiến máu tình nguyện

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thành, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết thêm: "Phần lớn các trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu tại các bệnh viện khi mổ đều được nhân viên y tế thông báo huy động người nhà đến cung cấp máu, thậm chí họ còn nói một cách công khai là phải trả đủ máu cho phía bệnh viện vì đã ứng máu ra cho bệnh nhân dùng trước đó.

Đối với những gia đình khác có người thân bạn bè ở Hà Nội còn đỡ, còn gia đình tôi mãi tận Thanh Hóa, khi huy động đủ người ra trả máu cho bệnh viện sẽ vô cùng khó khăn vì quãng đường rất xa, không phải ai cũng có thể nói ra là ra ngay được. Đó còn chưa kể tới, máu người bệnh sử dụng sẽ được người nhà bệnh nhân hoặc bảo hiểm y tế thanh toán với mức giá gần 500.000/1đơn vị.

Vậy bệnh viện yêu cầu lấy máu trả đủ cho số máu dự phòng đã cấp trước đó thực chất là hàm ý gì, khoản lợi nhuận chênh lệch này sẽ đi đâu hay chỉ rơi một vài cá nhân nào đó? Cũng theo anh Thành, bệnh viện chỉ biết thu tiền, bán máu còn những trường hợp qua test máu nhanh cho kết quả bị nhiễm các bệnh xã hội khác như viêm gan B, HIV lại không thấy phía bệnh viện tư vấn điều trị hay có bất kì sự cảnh báo nào để người cho máu biết và phòng tránh.

Họ chỉ trả lời một cách chung chung như máu không đạt, không lấy được, miễn sao không đụng chạm đến người cho máu mà lại có thể vừa hoàn thành trách nhiệm, mục tiêu của mình còn vấn đề khác để mặc xã hội lo liệu?!

Tiền “chênh lệch”đi đâu?

Tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi một trường hợp hiến máu tình nguyện sẽ được ngân sách Nhà nước cấp cho cơ sở 20.000 đồng tiền ăn, 30.000 đồng tiền đi lại, 80.000 đồng tiền quà tặng và 30.000 đồng tiền vận động (tổng cộng là 160.000 đồng).

Nhưng thực chất mỗi người hiến máu chỉ được cơ sở lấy máu cho  hưởng một phần rất nhỏ trong số đó (cơ sở làm chuẩn cũng chỉ nhận được 50.000 - 80.000 đồng). Nếu một số cơ sở lấy máu chỉ cần thông báo người nhà bệnh nhân huy động người đến cho máu (dưới hình thức hiến máu tình nguyện, thực chất là ép - PV) có thể tiết kiệm được chi phí đi lại, vận động, tiền tặng phẩm lên tới gần 100 nghìn đồng /trường hợp.

Trong khi mỗi ca bệnh đều có ít nhất 5-6 người hiến máu, thử làm phép tính số chênh lệch này đã lên tới 400.000 - 500.000 đồng; chắc chắn số tiền này sẽ được nhân theo cấp số nhân phụ thuộc vào bệnh viện mổ nhiều hay ít và số tiền ngân sách Nhà nước cấp sẽ đi đâu?!

Đề cập tới vấn đề này, BS Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, từ trước đến nay, viện thực hiện chi trả các khoản chi phí theo đúng quy định của bộ Y tế. Trên thực tế có những cơ sở không trả đầy đủ cho bệnh nhân đó là thông tin phản ánh, thực chất viện không biết và cũng không nắm rõ thông tin được. Ngoài lượng máu Viện cung cấp 100% cho các bệnh viện, hiện có một số cơ sở như bệnh viện 108, 103, Việt Đức, Nhi Trung ương, 19/8, họ độc lập trong việc dự phòng nguồn máu cũng như lấy máu từ người dân. Do vậy, người ta sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao nằm ngoài tầm kiểm soát của viện".

Xã hội - Những 'khoản mờ' sau việc hiến máu tình nguyện (Hình 2).

Lấy máu tình nguyện tại Viện Huyết học  Truyền máu Trung ương. (Ảnh minh họa)

Cần có quy trình quản lý chặt chẽ

Về lượng máu cung cấp cho người bệnh, viện phấn đấu duy trì, cung cấp đạt khoảng 85 - 90% so với nhu cầu của người bệnh. Sở dĩ có chuyện máu tình nguyện mà bán giá cao (477.000 đồng/đơn vị máu, có loại được bán hơn ba triệu đồng/đơn vị máu) bởi vì sau khi người hiến máu, đó là máu thô. Sau lấy máu viện còn phải thực hiện hàng loạt các quy trình tách, lọc máu, bảo quản, làm lạnh, chi phí vận chuyển mới cho một đơn vị máu sạch để người bệnh sử dụng. Giá bán máu còn được kiểm soát bởi các đơn vị kiểm toán độc lập nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về mức giá.

Ngoài ra, đối với những trường hợp người cho máu nhiễm các bệnh xã hội, viện hay cơ sở lấy máu thuộc viện có phát một giấy hẹn riêng để khi họ đến sẽ được các nhân viên tư vấn cách thức xử lý tình huống, cách phòng tránh, điều trị bệnh. Hiện tại viện cũng đã xây dựng phần mềm quản lý đối với những người cho máu. Chỉ cần các cơ sở, đơn vị sử dụng phần mềm này khi kiểm tra bất kì một ai đó sẽ cho kết quả có bị nhiễm bệnh hay không, máu thuộc nhóm nào, đã tham gia cung cấp bao nhiêu lần.

BS Dương cũng cho biết thêm, hiện tại có gần 20 địa phương sử dụng phần mềm này, sắp tới viện cũng cố gắng triển khai để 63/63 tỉnh thành sử dụng để tiện trong việc kiểm soát lượng người hiến máu tình nguyện.

Lượng máu hiến tình nguyện đáp ứng được 87 - 90% nhu cầu

BS Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, hiện có sự chênh lệch giữa dự trù và cung cấp đạt khoảng 80% nhu cầu thực tế. Theo số liệu thống kê của năm 2012 thì nguồn máu đáp ứng được 85% so với nhu cầu. Trong đó có 879.000 lượt người tham gia hiến máu. Năm 2013, con số này dự tính đạt khoảng một triệu lượt người, đáp ứng được khoảng 87-90% so với nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn máu hiện tại chủ yếu là do lực lượng học sinh sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện (chiếm tỷ lệ 60 - 70%), do vậy khi giáp Tết hay thời điểm nghỉ hè nguồn dự trữ máu sẽ rất khó khăn do lực lượng này được nghỉ học kéo dài. Sắp tới Viện cũng có đề xuất bộ Y tế cho kéo giãn thời điểm tuần hiến máu vàng sang khoảng thời gian tháng 7 hoặc tháng 8 hằng năm. Đồng thời, trong khoảng thời gian này sẽ tổ chức vận động các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, tổ dân phố... tham gia hiến máu tình nguyện nhằm đáp ứng đủ nguồn máu cũng như nhu cầu sử dụng của bệnh nhân.     

Quỳnh Chi

Nỗi ám ảnh của người đang giữ kỷ lục hiến máu

Thứ 5, 11/04/2013 | 15:26
Ám ảnh sau cái chết tức tưởi của một đứa bé vì thiếu máu, anh quyết tâm sau này sẽ chỉ cho máu. Như ý, nhóm máu O+ của anh hơn 20 năm luôn âm thầm cứu nhiều mảnh đời bất hạnh. Anh được ví như "ngân hàng máu" di động luôn sẵn sàng cho, không đắn đo suy nghĩ.

Đôi khi hiến máu cũng phải đóng phí!

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
– Việc hiến máu phải nộp tiền ở Bệnh viện đa khoa Thành phố Vinh, Nghệ An có đúng hay không được Viện Huyết học Truyền máu Trung ương giải thích như thế nào?

Người phụ nữ bán vé số nguyện hiến xác cho y học

Chủ nhật, 24/03/2013 | 12:49
Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp (43 tuổi, ngụ ấp 4 La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) nói một cách vô tư: "Cứu người là bổn phận, trách nhiệm của bất cứ ai, chứ đâu phải riêng tôi".

Giá máu được bù lỗ 50%

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
Hiện nay bệnh nhân vào viện phải thanh toán là 400.000 đồng/đơn vị máu. Vậy tại sao giá lại cao như thế, có phải là do khan hiếm máu hay không?