Cần lấp ngay khoảng trống pháp lý trong quản lý, giám sát tiền ảo

THANH TÙNG

Cần hoàn thiện khung pháp lý về tiền điện tử (người dân quen gọi là tiền ảo) để không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và tránh thất thu thuế khi quy định của pháp luật hiện hành và đặc biệt là cơ sở hạ tầng công nghệ của chúng ta chưa theo kịp.

Hành lang pháp lý hiện ra sao?

Đó là quan điểm của TS - Luật sư Đào Xuân Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Vốn SD PARTNERS. TS Sơn là người từng tham gia vụ việc tìm và đòi lại di sản thừa kế trị giá 20 triệu USD tại ngân hàng Tokyo (Nhật Bản - di sản từ năm 1999) vào năm 2019, bảo vệ cho một công ty lớn của Việt Nam tại Trung tâm trọng tài Seoul - Hàn Quốc (2019). Đồng thời, chuyên gia này còn giảng dạy các môn Luật, Kinh tế - Tài chính cho các trường đại học Hoa Sen, ĐH Tài Chính - Marketing và ĐH Thủ Dầu Một… Đặc biệt, ông là người tư vấn cho nhiều "nạn nhân" trong các vụ việc liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam..

Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Người Đưa Tin Pháp luật, chuyên gia này cho biết: "Hiện nay, liên quan đến tiền ảo có một số quốc gia cũng đã chấp nhận nhưng với hình thức là thí điểm, còn tại Việt Nam thì không chấp nhận nhưng một số quy định của pháp luật không rõ ràng dẫn đến việc nhiều người cho rằng pháp luật cũng không cấm.

PV: Tại sao như vậy thưa TS?

TS Đào Xuân Sơn: Hiện nay, trên thế giới đang có hai hình thức về tiền ảo: loại có thể quy đổi ra được tiền thật (có giá trị tương đương tiền thật) và loại không thể quy đổi (loại tiền dùng để chơi game online tại Việt Nam). Trước đây, đại học FPT (cũng đã đưa ra ý tưởng sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin, tuy nhiên, sau đó bị bác bỏ.

Đến năm 2015, các giao dịch tiền ảo ở một số quốc gia đã được chấp nhận nhưng có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng như: Mỹ, Canada, một số quốc gia ở Liên minh châu Âu…

Trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì chưa có bất kỳ quy định nào về "tài sản ảo" bao gồm cả Bộ Luật Dân sự năm 2015 là "Luật gốc"; và "luật chuyên ngành trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng" cũng chưa đề cập hay có quy định nào về công nhận tiền ảo này.

Cụ thể là Điều 105 BLDS năm 2015 quy định: "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản", từ căn cứ trên thì tiền ảo không phải là tiền Việt Nam vì nó không thỏa mãn các dấu hiệu để được xác định là tiền và không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, bên cạnh đó, tiền ảo cũng không thuộc một trong các loại giấy tờ có giá được quy định trong Nghị định số 112/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm".

"Mâu thuẫn giả"

PV: Một thời gian, dư luận dấy lên thông tin, tiền ảo được chấp nhận tại Việt Nam, nguyên do đâu thưa TS?

TS Đào Xuân Sơn: Một khe hở là tại Nghi định 52/2013 của Chính phủ về "Thương mại điện tử" cho rằng: Các loại tiền ảo (như Bitcoin) không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm theo hình thức thương mại điện tử. Chính từ đây đã bắt đầu "xuất hiện quan điểm cho rằng Pháp luật Việt Nam công nhận giao dịch Tiền ảo". Hiểu theo nghĩa không cấm thì nó sẽ được tồn tại, trong khi đó bộ luật gốc (Bộ Luật Dân sự 2015) lại không quy định tiền ảo là tài sản; Luật Ngân hàng Nhà Nước và Luật các Tổ chức tín dụng cũng không có quy định tiền ảo. Điều đó có nghĩa là tiền ảo không được công nhận.

Theo quan điểm của Bộ Công thương thời điểm đó, thì: Đồng tiền ảo không đáp ứng được các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ, do đó, nó không phải là hàng hóa dịch vụ và quan điểm này hoàn toàn đúng nếu xem xét tiền ảo dưới góc độ là một hàng hoá.

PV: Nghĩa là đang có sự lách luật ở đây?

TS Đào Xuân Sơn: Đúng vậy, vin vào "vùng mờ" của pháp luật này, một số người lại nêu quan điểm, "cái gì không cấm thì có nghĩa là được làm". Chính vì do cách hiểu này đã tạo ra sự "mâu thuẫn giả" trong luật pháp hiện hành. Thực tế, Bộ Luật Dân sự năm 2015 (luật gốc) được ban hành vào năm 2015 nên Nghị định 52 không có giá trị bằng luật gốc. Tuy nhiên, một số website thương mại điện tử vẫn len lỏi "vin" vào cái này để hoạt động và chứng minh giao dịch tiền ảo không bị cấm, không sai.

Thực chất, quan điểm này là lách luật. Như tôi nói: cái gì không cấm thì có thể được làm, chính vì thế, vào thời điểm đó, giao dịch đồng Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác tại Việt Nam đã rộ lên.

Ngay lúc đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông cáo báo chí khẳng định: Đồng Bitcoin và các đồng tiền ảo khác không phải là tiền tệ và không phải là phương thức thanh toán khác tại Việt Nam (ngoài tiền đồng Việt Nam), do đó, đồng tiền ảo và mọi giao dịch bằng tiền ảo không được công nhận".

PV: Về hành lang pháp lý còn vấn đề gì thêm hay mọi chuyện đã dừng lại ở đây thưa TS?

TS Đào Xuân Sơn: Vẫn chưa! Theo Luật Giao dịch điện tử (2005) thì giao dịch liên quan đến tiền ảo cũng là một trong các giao dịch được xác lập và thực hiện thông qua phương thức điện tử, cụ thể là thông qua môi trường kỹ thuật số, nên giao dịch điện tử liên quan đến tiền ảo cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, khi liệt kê các hành vi bị cấm tại Điều 9 của Luật này thì không có một khoản nào cấm giao dịch liên quan đến tiền ảo, thông qua các phương tiện kỹ thuật số.

Trong khi đó, Điều 117 của Bộ luật Dân sự lại quy định, các giao dịch muốn được xác lập thì phải thỏa mãn 3 điều kiện bắt buộc: Chủ thể phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch; phải hoàn toàn tự nguyện và mục đích, nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Như vậy, căn cứ vào các điều khoản này thì hai bên có thể giao dịch, thanh toán bằng tiền ảo mà không bị cấm.

Giao dịch hợp lệ?

PV: Tôi chưa thấy, TS đề cập đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước?

TS Đào Xuân Sơn: Tôi cũng chuẩn bị rồi: Luật Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng, tiền ảo không phải là một loại tiền và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, có thể hiểu rằng tất cả các giao dịch liên quan đến tiền ảo ở Việt Nam đều vi phạm pháp luật. Thêm vào đó, trong Luật Phòng chống rửa tiền (2012) cũng như một số văn bản, tuy không phải là quy phạm pháp luật nhưng được coi là chỉ đạo trực tiếp đối với ngành dọc, điển hình như công văn số 5747 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 21/7/2017 khẳng định: Đồng Bitcoin, Litecoin và các đồng tiền ảo khác không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các đồng tiền ảo để thanh toán là không hợp pháp.

PV: Từ thực trạng pháp lý của Việt Nam như TS vừa phân tích thì người dân có thể giao dịch liên quan đến tiền ảo vẫn hợp lệ?

TS Đào Xuân Sơn: Ví như trong trường hợp là người Việt Nam đặt mua hàng online ở các nước công nhận đồng tiền ảo thì giao dịch dân sự này lại hợp lệ. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam lại quy định, cái gì không có luật chuyên ngành thì coi luật gốc (Bộ luật Dân sự) để làm căn cứ.

Còn cái gì đã có luật chuyên ngành thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành để áp dụng. Như vậy, trong trường hợp trên, nếu áp dụng luật Giao dịch điện tử thì tôi không vi phạm.

Tuy nhiên, xét cho tới bản chất của vấn đề thì nếu cho phép thanh toán như thế sẽ phá vỡ cả nền kinh tế, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, thất thu cho ngân sách".

PV: Nhiều ý kiến lo ngại khi thực tế đang diễn ra: tiền ảo được kinh doanh hàng ngày với doanh số lên đến hàng ngàn tỷ mỗi ngày, từ đó, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội?

TS Đào Xuân Sơn: Quả như vậy, mọi giao dịch liên quan đến tiền ảo đều không được kiểm soát về mặt thuế, từ đó, ngân sách nhà nước đã và đang bị thất thu một khoản rất lớn. Trong Luật Thuế Thu nhập cá nhân (2014), rồi Luật Thuế Giá trị gia tăng (2016) và cả Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (2014) quy định về các hoạt động tạo ra thu nhập phải chịu thuế thì không có loại hình kinh doanh tiền ảo, cho nên vô tình trở thành đối tượng được ưu ái không phải chịu thuế.

Thất thu ngân sách cực lớn

PV: Vậy quan điểm của TS về vấn đề này như thế nào?

TS Đào Xuân Sơn: Cho đến thời điểm này, về mặt quan điểm của cá nhân tôi thì vẫn nói vui là theo hướng bảo thủ, nghĩa là nên cấm các hoạt động, giao dịch liên quan đến tiền ảo. Bởi, công nghệ và hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đủ khả năng để giám sát hoạt động của đồng tiền ảo.

Một điều quan trọng nhất là nó đang gây ra tình trạng thất thu thuế. Đồng thời, dựa trên nguyên tắc "có thể ẩn danh trong giao dịch" nên Tiền ảo đang tạo tiền đề cho tình trạng buôn lậu, buôn ma túy, buôn vũ khí, rửa tiền… ngày càng phát triển và khó kiểm soát. Vì các hoạt động này nếu thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng rất dễ bị phát hiện, nên sẽ dùng đồng tiền ảo để thay thế.

PV: Vậy, theo TS thì để giảm thiểu các tác động xấu của tiền ảo và các vấn đề liên quan thì Chính phủ, cơ quan chức năng cần phải làm những gì trong bối cảnh hiện nay?.

TS Đào Xuân Sơn: Để giảm thiểu các tác động xấu của tiền ảo, tôi cho rằng, cần phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý về quy định tiền ảo. Từ Bộ Luật Dân sự cho đến Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Thuế liên quan, Luật Giao dịch điện tử… Bởi, hiện nay tất cả các luật này chưa có quy định về đồng tiền ảo. Lý do có thể là do chưa bắt kịp với sự phát triển của đồng tiền ảo nên để hở ra các khoảng trống pháp lý. Từ đó, có cớ cho những đối tượng lợi dụng, nhằm tạo ra những đồng tiền ảo của ảo để kinh doanh đa cấp, gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội".

Chính phủ cần cấm luôn tiền ảo trong giao dịch hàng hóa với bất kỳ hình thức nào để tránh thiệt hại cho nền kinh tế, nhất là trong thời điểm hiện nay nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Muốn làm được điều này nhanh nhất thì nên ban hành nghị định hướng dẫn riêng về cấm tiền ảo như một số quốc gia đã làm, đặc biệt là hướng dẫn áp dụng các biện pháp chế tài trong việc dùng tiền ảo để thay tiền thật, để thanh toán" (từ thực tế đang diễn ra, dù pháp luật chưa thừa nhận - PV).

Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về xử lý giao dịch bằng tiền ảo là một vấn đề quan trọng, cấp bách cần làm ngay vì hiện nay, việc xử phạt hành vi giao dịch, thanh toán bằng tiền ảo chủ yếu dựa vào Nghị Định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Mặc dù, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định hành vi Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo khoản 1 Điều 206; và khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 nếu có hành vi "rửa tiền".

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết các hành vi nào, số lượng bao nhiêu trong giao dịch tiền ảo thì phải chịu trách nhiệm hình sự nên cho đến nay chưa có bất kỳ vụ việc nào bị đưa ra xét xử. Bên cạnh đó cũng cần có hướng dẫn chi tiết về việc giao dịch bằng tiền ảo đối với các cá nhân, tổ chức tại các quốc gia chấp nhận giao dịch bằng tiền ảo là có "vi phạm pháp luật hay không" để tránh việc "oan sai" trong quá trình xử lý.

T.T.