Cân nhắc kỹ trước khi thay đổi nghề nghiệp

Cân nhắc kỹ trước khi thay đổi nghề nghiệp

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Có rất nhiều lý do để bạn quyết định thay đổi nghề nghiệp của mình: Do đam mê, gặp khó khăn trong công việc hay sau một “tai nạn” làm thay đổi cuộc đời… Cùng với việc rẽ sang một hướng đi mới, bạn sẽ phải đối mặt với những thử thách, chông gai không lường trước được.

Bà Kaye Fallick, chuyên viên tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, tác giả một số cuốn sách như: What Next, Get a New Life… đưa ra lời khuyên nên cẩn thận trong vấn đề lựa chọn và thay đổi nghề nghiệp bởi đôi khi chỉ vì những chán nản nhất thời mà nhiều người đã quyết định rẽ sang hướng khác. Và con đường mới có thể khó khăn hơn ta tưởng. Trong khi đó, có những công việc mà ta không để mắt đến hay “ghét cay ghét đắng” lại có nhiều cơ hội phát triển hơn ta nghĩ. Dù bạn không hài lòng, ghét bỏ hoặc thậm chí vỡ mộng với công việc bạn đang làm hoặc vì có sự bất bình với sếp, với công ty thì hãy suy nghĩ thật kỹ và đừng quyết định vội vã.

Theo bà Fallick, khi quyết định thay đổi nghề nghiệp, cần xem xét những yếu tố: điều kiện mà công việc mới đòi hỏi (bao gồm cả kỹ năng, bằng cấp), địa điểm chỗ làm, xí nghiệp hay công ty công hay tư, vai trò của nhân viên, giới lãnh đạo, giờ giấc làm việc...

Ảnh minh họa

Cần ý thức rất rõ là việc thay đổi nghề nghiệp và thích ứng với công việc mới có thể sẽ tiếp diễn trong một quá trình dài. Việc học hỏi để lấy thêm bằng cấp hoặc có được kỹ năng mới là điều quan trọng và đòi hỏi thời gian. Do đó, cần chuẩn bị, từ tinh thần tới vật chất, tài chính, khả năng kinh tế... để đủ sức dấn bước trên con đường mới một cách lâu dài.

Ngoài ra phải luôn luôn tự luyện cho mình óc ‘tò mò’, mong muốn khám phá thêm những điều mới để trau dồi kiến thức.

Trong thời đại ngày nay, kỹ thuật là một trong những yếu tố căn bản và cần thiết nhưng cũng là rào cản khiến nhiều người lo ngại.

Một số nguyên tắc căn bản trong vấn đề thay đổi nghề nghiệp:

- Trước hết bạn phải biết khả năng, những ưu và khuyết điểm của mình, phải tự tin vào chính mình.

- Tập trung chú ý vào “đường đi” chứ không phải “đích đến”. Hãy trở thành một người “lữ hành tốt” trên con đường sự nghiệp mới.

- Đừng bao giờ cảm thấy lẻ loi, cô độc. Hãy kết bạn với những bạn đồng hành trên đường mới đồng thời tìm hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.

- Phải hiểu rằng sự thay đổi vẫn thường xuyên diễn ra và mỗi thay đổi đều mang lại những cơ hội mới.

Ngoài ra, lập kế hoạch chuyển tiếp từ nghề cũ sang nghề mới cũng là bước đi quan trọng. Nhiều khi, bạn phải từ từ chấm dứt nghề cũ và dần dà chuyển sang nghề mới chứ không thể đột ngột gián đoạn công việc cũ để có thể chuyển hoàn toàn sang nghề mới trong một thời gian ngắn.

B.V (Nguồn ABC Radio)