Tôi thực sự ám ảnh khi xem những video ghi lại thảm cảnh trong cơn bùng phát mới của đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ mà các hãng truyền thông lớn thế giới đăng tải. Những đống lửa hoả táng các nạn nhân của Covid-19 đỏ rực hai bờ sông Hằng. Những dòng người chen chúc chờ vận may trong “cơn khát” oxy. Những khuôn mặt thất thần, những tiếng khóc thê lương của gia đình các nạn nhân xấu số. Và biết bao cái chết đau thương của bệnh nhân ngay ngoài cửa viện...
Thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ mỗi này, nước này ghi nhận thêm hơn 340.000 ca mắc mới Covid-19 và hơn 2.600 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 lên tới gần 17 triệu ca, trong đó gần 190.000 người tử vong. Một con số đau lòng.
Ấn Độ từ lâu là một quốc gia có nền y học phát triển. 60% lượng vắc xin trên thế giới do Ấn Độ sản xuất và nước này hiện cũng là một trong những nhà sản xuất vắc xin phòng Covid-19 lớn của thế giới. Những tưởng Ấn Độ đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm nhất của căn bệnh này. Vậy mà đợt dịch bùng phát trở lại lần này đã khiến quốc gia Nam Á đứng trước nguy cơ “vỡ trận” với hệ thống y tế trước nguy cơ sụp đổ: Không đủ bác sĩ, không đủ giường bệnh, thiếu máy thở và thiếu ô xy.
Câu hỏi đặt ra tại sao Ấn Độ bỗng chốc rơi vào “cơn sóng thần” Covid-19 này?
Hãng tin Reuters dẫn lời Giáo sư dịch tễ học tại Đại học McGill ở Canada, Madhukar Paicho biết Ấn Độ thực là một câu chuyện cảnh giác cho thế giới.
Giới chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ đã mất cảnh giác khi dịch bệnh Covid-19 dường như đã được kiểm soát khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca và việc tụ tập trung đông người trở lại.
Trong khi đó, đài CNBC nhận định sự tụ tập của những đám đông khổng lồ trong các lễ hội trên toàn Ấn Độ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Hầu hết những người tụ tập trong các sự kiện và lễ hội trên không đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách xã hội.
Câu chuyện ở Ấn Độ khiến tôi rùng mình không chỉ bởi sự tàn khốc của dịch bệnh. Những hình ảnh người dân nước ta chen chúc trong các bãi biển, khu vui chơi hay các địa điểm du lịch thời gian qua thực đáng ngại. Và tôi cũng hồi hộp lo lắng khi nghĩ đến những kỳ nghỉ lễ sắp tới. Sẽ có bao vạn người tập trung ở các bến tàu, bến xe hay sân bay để tỏa đi khắp các vùng quê hay các điểm đến du lịch? Có bao nhiêu người trong ngần ấy con người sẽ nhớ và tuân thủ việc đeo khẩu trang suốt quá trình tụ tập, vui chơi, nghỉ dưỡng? Thông điệp "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế"mà Bộ Y tế đề ra để giữ an toàn trong đại dịch sẽ còn được mấy người nhớ giữa những cuộc vui !?
Trong khi đó,một số nước láng giềng ngay sát cạnh nước ta đang bùng phát dịch cao độ. Chỉ một hay vài ca “lọt lưới” qua biên giới, hoà vào đám đông nói trên thì bao công sức, tiền của đổ ra dẫu lớn tới đâu, hậu quả cũng là điều không thể lường trước.
Trong những dòng chia sẻ đầy ưu tư về tình cảnh ở Ấn Độ của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu được báo Lao Động đăng tải có đoạn: "Trong cuộc đời của mình, kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ cảm thấy làn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế". Còn cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Menon Rao đã tweet: "Ấn Độ khóc"trong sự bất lực giữa tình cảnh hiện tại của đất nước.
Hãy nhìn vấn đề ở Ấn Độ để biết sợ, để hiểu rằng “làn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế” và những bất lực khó tránh của con người trước sự hiểm nguy của một đại dịch toàn cầu.
Cuộc sống luôn đặt ra nhiều lựa chọn. Song lựa chọn tối ưu nhất luôn phải dành cho sự an toàn về sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Hãy lập tức trở lại phương châm "chống dịch như chống giặc". Hãy nghiêm chỉnh thực hiện biện pháp “5K”. Hãy tránh tối đa việc tham gia các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Kỳ nghỉ lễ năm nào cũng có. Một kỳ nghỉ tại chỗ, vui vẻ đoàn tụ tại gia đình, tránh xa các địa điểm công cộng, các khu vui chơi và du lịch cũng hoàn toàn là một kỷ niệm đáng có trong chuỗi những trải nghiệm quý giá trong đời.
“Sóng thần” Covid-19 ở Ấn Độ sẽ tạo ra những cơn dư chấn trên toàn cầu, Việt Nam dù có thành tựu nhất định trong chống dịch vẫn phải đề cao cảnh giác. Một phút lơ là có thể sẽ phải trả giá đắt!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vũ Thu Hương