Cặp sinh ba bị dị tật hộp sọ hiếm gặp

Cặp sinh ba bị dị tật hộp sọ hiếm gặp

Thứ 6, 05/05/2017 | 15:59
0
Cặp sinh ba người Mỹ đã trải qua một cuộc phẫu thuật đầu tiên để chữa dị tật dính khớp hộp sọ.

Jackson, Hunter và Kaden Howard mắc craniosynostosis, một dị tật bẩm sinh xảy ra khi các khớp hộp sọ dính liền vào nhau sớm gây ra tình trạng biến dạng hộp sọ. Những đứa trẻ mắc bệnh khi sinh ra sẽ có hình dạng đầu bất thường như dẹt, phẳng, gây biến dạng khuôn mặt.

Nguy hiểm hơn, craniosynostosis khiến khả năng phát triển của xương sọ bị hạn chế dẫn đến tăng áp lực nội sọ, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, gây mất thị lực…

Trong trường hợp này, hai bé Jackson và Hunter dị tật theo kiểu dính đường khớp dọc (sagittal synostosis) hay còn gọi là dị tật đầu hình thuyền. Đặc điểm của thể này là trán nhô ra, đầu dài theo chiều trước - sau, hẹp chiều ngang do hộp sọ không thể mở rộng về hai bên và buộc phải phát triển về phía trước - sau.

Các bệnh - Cặp sinh ba bị dị tật hộp sọ hiếm gặp

 Hộp sọ của Jackson, một trong ba em bé khi chưa được phẫu thuật. Ảnh: Daily Mail.

Còn bé Kaden mắc thể dính đường khớp trán (metopic synostosis) hay dị tật đầu hình tam giác. Việc đóng khớp này bất thường khiến bé có trán nhọn, nhô cao, mắt gần nhau, xương sọ hình tam giác.

Mặc dù cùng mắc dị tật về hộp sọ nhưng phương thức tiến hành phẫu thuật của từng bé lại khác biệt do chúng liên quan đến các xương khác nhau.

Trường hợp cả ba bé cùng mắc dị tật dính khớp hộp sọ là rất hiếm gặp trên thế giới. Người ta ước tính rằng tỉ lệ sinh ba là 1/1.000, khả năng mắc thể dính đường khớp dọc là 1/4.000 và 1/10.000 đối với thể dính đường khớp trán.

David Chesler (bác sĩ phẫu thuật cho các bé) nói: “Khả năng xảy ra trường hợp tương tự là rất hiếm và chưa từng được ghi nhận. Nếu tổng hợp tất cả các con số thống kê nói trên, tỉ lệ để xuất hiện trường hợp tương tự như ba bé là 1/500.000 tỷ”.

Do vậy, vào đầu năm 2017, chỉ chín tuần sau khi chào đời, ba bé đã được phẫu thuật hộp sọ tại bệnh viện Nhi Stony Brook ở .

Các bệnh - Cặp sinh ba bị dị tật hộp sọ hiếm gặp (Hình 2).

 Nụ cười hồn nhiên của ba em bé sau phẫu thuật. Các em sẽ phải đội mũ cố định hộp sọ trong 6 tháng liên tục. Ảnh: Stony Brook Medicine.

Các ca phẫu thuật dạng này thường mất từ 90-180 phút và thời gian nằm viện trung bình chỉ một đêm. Rất hiếm khi cần truyền máu bởi không phải dạng phẫu thuật mở hộp sọ, do đó nguy cơ mất máu và biến chứng giảm đáng kể.

Năm tháng sau phẫu thuật, các bé đang phát triển tốt. Hiện tại, ba cậu bé phải đội mũ bảo hộ liên tục trong sáu tháng để bảo vệ và cố định hình dạng hộp sọ. Các bé sẽ được kiểm tra định kỳ hai lần một năm cho đến khi sáu tuổi.

Theo Zing