Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu

Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu

Thứ 6, 28/06/2013 | 13:46
0
Những người dân đang sinh sống tại khu vực xóm Đề Thám - xã Văn Nhân - huyện Phú Xuyên - Thành phố Hà Nội đang phải sống trong tâm trạng hết sức hoang mang vì lo lắng cho tính mạng, tài sản của gia đình mình có thể bị sông Hồng nuốt trôi bất cứ lúc nào. Họ đồng tình ký tên vào bản kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng kèm theo lời khẩn cầu kêu cứu: hãy bảo vệ tính mạng và tài sản cho bà con chúng tôi.

Sống trong sợ hãi 

Trong vòng nhiều năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng thuộc khu vực Hà Nội và Hưng Yên đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Mới đây, dư luận còn đang hết sức bất bình trước tình trạng những cây cầu nghìn tỉ bắc qua Sông Hồng như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và cả cầu Nhật Tân - dù đang trong quá trình xây dựng, đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bất cứ lúc nào bởi hành vi xẻ thịt lòng sông của cát tặc. Nạn khai thác cát bừa bãi không chỉ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông mà nghiêm trọng hơn một số đoạn đê xung yếu có thể bị mất an toàn vào mùa mưa lũ. Những làng mạc nằm sát bờ sông có nguy cơ biến mất bất cứ lúc nào. 

Những người dân đang sinh sống tại khu vực xóm Đề Thám - xã Văn Nhân - huyện Phú Xuyên - Thành phố Hà Nội đang phải sống trong tâm trạng hết sức hoang mang, lo lắng cho tính mạng, tài sản của gia đình mình có thể bị dòng sông Hồng nuốt trôi bất cứ lúc nào. Họ đồng tình ký tên vào bản kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng kèm theo lời kêu cứu khẩn cấp: hãy bảo vệ tính mạng và tài sản cho bà con chúng tôi.

Việt Nam Xanh - Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu Việt Nam Xanh - Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu (Hình 2).

Theo phản ánh của những người dân nơi đây thì khu vực bãi đất ngoài bờ sông, nằm giữa con đường xuống bến đò Văn Nhân và Trạm Quản lý đường sông Vạn Điểm; trước đây khu đất này được UBND huyện Phú Xuyên cho phép để làm gạch thủ công và bãi tập kết nguyên vật liệu trên diện tích đấu thầu là 1,5ha, được đốt từ 10-15 vạn gạch và chỉ được phép đặt một lò, không được khai thác đất tại chỗ để phục vụ cho việc đốt lò gạch. Thế nhưng những người chủ lò ở đây đã cho xây tới 4 lò, mỗi lò đốt tới cả trăm vạn gạch. Khói từ lò gạch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây thiệt hại cho hoa màu cũng như sức khỏe của bà con nơi đây. Không những thế họ còn cho máy xúc ngày đêm đào xới múc đất, lấy đất làm gạch trong hành lang bảo vệ đê điều, có chỗ sâu tới 5m, chiều dài lên tới cả trăm mét. Hành động trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình phòng chống lụt bão quốc gia, vi phạm luật bảo vệ đê điều.

Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc trước ngày 31/12/2010, tuy nhiên những lò gạch ở nơi đây vẫn lầm lỳ nhả khói cho đến năm 2012 - cũng là năm kết thúc hợp đồng.

Khi dừng đốt lò gạch thủ công, các chủ lò đã bàn giao trả lại mặt bằng, bằng cách bơm đầy cát vào khu vực trước đây đã cho xúc đất để làm gạch. Sự việc sẽ chẳng có gì nghiêm trọng nếu không xuất hiện tình trạng, thời gian gần đây, những chiếc máy xúc liên tục ngày đêm múc cát tại bãi, đổ lên những chiếc xe tải ba chân và chở đi nơi khác.

Khi phóng viên có mặt tại hiện trường, nơi đây chẳng khác gì một đại công trường đang thi công rầm rộ. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau ra vào chở cát, cả một đoạn đường dài bụi bay mù mịt. Hai chiếc máy xúc cỡ lớn dường như đang hoạt động hết công suất và không ngừng nghỉ. Đông đảo người dân bao gồm người già, trung niên và thanh niên đều có mặt ở đây, họ nhớn nhác nhìn nhau bàn luận sôi nổi mà không ai hiểu được là cát ở đây được chở đi đâu và để làm gì.

Anh Khoản - một người dân sống tại xóm Đề Thám cho biết: “công trường” này hoạt động từ sáng sớm cho tới khuya, người ta làm việc cứ như thể đang bị ép đẩy nhanh tiến độ vậy. Khu vực dưới chân anh đang đứng không còn đất thịt mà toàn là cát, nếu cứ tiếp tục múc cát như thế này thì tôi rất lo sợ cho con đê kia sẽ không còn an toàn. Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường có những chỗ máy xúc ngoạm gầu sâu xuống gần 5 mét, cách bờ đê không xa.

Cũng theo anh Khoản, vào mùa lũ năm 2012 đã xảy ra sạt lở gần 100m đê trong của xóm, nghiêm trọng hơn còn xuất hiện tình trạng nước thẩm lậu qua chân đê, ngấm cả vào nhà dân. Tuy rằng những năm gần đây, nước sông Hồng không còn lên cao như trước nữa vì đã có các đập thủy điện trên thượng nguồn, nhưng ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra vì khu vực bãi ngoài đê bên dưới toàn là cát. Con đê luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể mất bất cứ lúc nào.

Để có thêm thông tin, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Phùng Văn Bẻo - một người cao tuổi của xóm Đề Thám. Năm ngoái khi nước thẩm lậu qua chân đê, nhà ông bị nước thấm cả vào trong nhà, sau đó ông phải nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, đặc biệt là đội ngũ thanh niên thì mới khắc phục được tình trạng này. Không giấu nổi sự sợ hãi và thất vọng trên khuôn mặt, khi nhắc lại chuyện xảy ra năm trước, ông cho biết: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi rồi, đã sống gần trọn đời người ở mảnh đất này. Kể từ trận vỡ đê miền Bắc năm 1971, thì đây là lần thứ 2 tôi có cảm giác lo sợ như thế. Chúng tôi chỉ muốn được sống yên bình, để con cháu có thể yên tâm làm ăn, sinh sống trên mảnh đất của ông cha. Nhà tôi ở ngay chân đê, đúng vào đoạn đê xung yếu nếu xảy ra sự cố lũ lụt vỡ đê thì không biết tôi có sống sót để chứng kiến sự thay đổi của đất nước cũng như có còn được sum vầy với gia đình bà con lối xóm nữa hay không. Và nếu may mắn còn sống sót thì chúng tôi biết đi đâu, biết sống ra sao”. Nghe ông nói đến đó thấy mắt ông rưng rưng, chúng tôi hiểu được sự lo lắng và sợ hãi của người đàn ông cao tuổi này không phải là không có lý.

Cùng chung tâm trạng lo lắng với ông Bẻo cũng như bà con nơi đây, ông Đặng Quốc Tuấn - một cựu chiến binh của xóm cho biết thêm: “Tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, tôi nghĩ rằng cát là của người ta nên họ muốn làm gì thì làm. Nhưng việc xúc cát sâu thế kia là vi phạm nghiêm trọng đến an toàn đê điều của quốc gia, rủi không may đê vỡ thì chúng tôi sẽ là những người phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Bà con chỉ mong muốn sớm được trở về với cuộc sống bình yên, không lúc nào chúng tôi không cảm thấy sợ hãi và lo lắng”. 

Chính quyền địa phương bất lực hay cố tình làm ngơ? 

Để lý giải cho những lo lắng của người dân Đề Thám, chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Văn Nhân với mong muốn sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tiếp chúng tôi là ông Lê Hồng Tuyến - chủ tịch UBND xã Văn Nhân.

Khi phóng viên thắc mắc rằng người dân đang rất bức xúc và lo lắng trước nguy cơ mất an toàn của con đê thì Chủ tịch Tuyến khẳng định rằng: “Cấp ủy, chính quyền chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về vấn đề này nên tôi chưa biết người dân phản ánh về vấn đề gì”

Việt Nam Xanh - Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu (Hình 3).Xe máy xúc đang xúc cát trong sự chứng kiến bất bình của đông đảo người dân

Cũng theo ông Tuyến, sau khi huyện có quyết định dừng sản xuất lò gạch thủ công thì chính quyền xã đã cho đơn vị khác thuê lại để làm mặt bằng tập kết vật liệu xây dựng, họ xin được hạ thấp độ cao nền cũ xuống 1,5 mét để thuận tiện cho việc làm bãi tập kết, đơn vị thuê lại chỉ san gạt lại nền bãi cho phẳng. Nhưng theo tư liệu hiện trường phóng viên thu được thì hai máy xúc liên tục xúc đất lên hàng chục ô tô trọng tải lớn chở đi nơi khác chứ không phải san gạt như ông Tuyến cung cấp. Trả lời về vấn đề này ông Tuyến nói: “Tôi không biết”.

Xin được nhấn mạnh thêm rằng: Theo thông tin của những người dân nơi đây thì công ty An Bình chính là đơn vị đang tiến hành khai thác cát tại đây nhưng bà Ngọc - vợ ông Tuyến lại là người đứng ra quản lý trực tiếp. Hàng ngày bà Ngọc đều có mặt tại lán tạm để ghi chép sổ sách các xe ra vào bãi chở cát, lán được dựng ngay sát tường của Trạm Quản lý đường sông Vạn Điểm. Ngay đầu lán còn treo tấm biển xanh với dòng chữ: “Bán cát san nền”.  Lúc chúng tôi quay trở lại bãi cát một lần nữa thì gặp một người phụ nữ đi ra từ cửa lán trên chiếc xe máy Click màu trắng, theo lời những người dân có mặt tại đó thì người phụ nữ đó chính là bà Ngọc - vợ của ông Lê Hồng Tuyến - chủ tịch UBND xã Văn Nhân.

Anh Phương, một người dân nhà ngay cạnh bến đò cho biết “họ chẳng sợ một ai, họ cho xe ra vào chở cát một cách công khai vì những người khai thác cát là chỗ thân quen của chủ tịch xã và một trong số những người chủ khai thác cát tại đây có con rể hiện đang là cán bộ công tác tại ngành Đường thủy nội địa Việt Nam”.

Trả lời thắc mắc của người dân về tình trạng nước ngấm qua chân đê, ông Tuyến cho rằng: “việc thẩm lậu là hoàn toàn bình thường, kể cả không có nước mà chỉ mưa to vẫn bị thẩm lậu. Nếu thẩm lậu do thấm từ bên này đê sang bên kia đê thì đó lại là vấn đề khác liên quan đến Chi cục quản lý đê điều”. Chúng tôi thật sự thất vọng trước câu trả lời tắc trách của vị lãnh đạo này.

Cũng theo những người dân nơi đây, thì khi xảy ra tình trạng xúc cát và nước thẩm lậu qua chân đê, gây mất an toàn; những người dân Đề Thám đã tổ chức họp và mời ông trưởng xóm Nguyễn Văn Cửu tham gia. Họ đã thống nhất ký tên vào một bản kiến nghị và nhờ ông Cửu chuyển lên UBND xã nhưng ông Tuyến lại khẳng định rằng: “Lãnh đạo xã không nhận được bất cứ đơn từ kiến nghị nào về vấn đề này”.

Việt Nam Xanh - Cát tặc 'lộng hành', đê Văn Nhân – Phú Xuyên kêu cứu (Hình 4).

Lại nói thêm về ông trưởng xóm Nguyễn Văn Cửu, khi phóng viên chúng tôi có mặt tại hiện trường thì vị trưởng xóm này đã có mặt cùng với một đồng chí công an viên của xã. Ông Cửu đã hùng hổ bằng những lời nói và hành động ngăn cản không cho phóng viên được phép tác nghiệp và ông ta yêu cầu chúng tôi phải về trụ sở thôn trình bày rõ lý do sự việc, vì theo vị Trưởng xóm này thì ông ta nhận được thông tin báo rằng tại đây có một vụ gây rối trật tự công cộng. Người dân rất bức xúc trước sự vô trách nhiệm đến khó hiểu của Trưởng xóm Nguyễn Văn Cửu.

Trước đó, phóng viên chúng tôi đã có mặt tại UBND xã lúc 10h để xin hẹn làm việc với UBND xã, nhưng UBND vắng như chùa Bà Đanh. Vào phòng đón tiếp đế làm thủ tục làm việc, chúng tôi gặp chị văn thư đang khóa cửa ra về, vừa khóa cửa vừa nói: “Hôm nay các lãnh đạo đi vắng hết không có ai ở nhà cũng không có ai trực lãnh đạo nên không làm việc được”. 

Khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của ông Cửu thì ông Tuyến bình thản trả lời rằng: “Nếu họp dân mà có biên bản tôi khẳng định sẽ không có vì nếu có các cuộc họp đó thì phải có lãnh đạo chính quyền của thôn đó, chứ một vài ông thanh niên thích kiện cáo, rủ nhau làm đơn thì là chuyện bình thường, đó không thể gọi là cuộc họp. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, chúng tôi không ngại trốn tránh. Nhưng vì những việc làm của họ, họ cứ thêu dệt thêm và cứ lén lút họ làm”.

Theo ông Tuyến thì nguồn gốc của lá đơn kiến nghị kia chỉ là những hành động mang tính tự phát của một nhóm người dân nên đó không thể gọi là biên bản cuộc họp. Trong khi những người lãnh đạo chính quyền địa phương tỏ ra bình thản trước sự mất an toàn của con đê thì những người dân nơi đây lại đang ngày đêm sống trong tâm trạng lo lắng khi mùa mưa bão đang đến rất gần.     

Theo Thanh tra Việt Nam

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cát tặc băm nát một khúc sông Hồng

Thứ 2, 10/06/2013 | 14:14
Cả dãy dài bờ sông Hồng tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh, Hà Nội) chất đầy những núi cát. Cát được hút lên bởi những chiếc vòi rồng ngoạm sâu xuống đáy sông rồi nhả thẳng lên bờ…

"Cát tặc" xứ Thanh lại lộng hành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
Tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép ven sông Mã diễn ra công khai trắng trợn như thách thức các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa.

Bảo kê "cát tặc" trên sông Lô ngày càng trắng trợn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Khi tranh chấp vùng khai thác cát, các đối tượng sẵn sàng sử dụng hung khí, súng tự chế, vũ khí quân dụng, huy động đông người xông lên các tàu khảo sát, khai thác cát bao vây, uy hiếp, đe dọa.

Người trong cuộc kể chuyện tàu hút cát bị bao vây, đập phá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
– Chiếc tàu hút cát nạo vét luồng hàng hải bị một nhóm người bao vây, đập phá vào sáng ngày 13/11 đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, tại vùng triều gần với tàu đóng chốt của Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Hới (Thanh Hóa).