Nhà tạm lánh ấm áp của những cô gái lầm lỡ không nơi nương tựa

Nhà tạm lánh ấm áp của những cô gái lầm lỡ không nơi nương tựa

Thứ 5, 13/04/2017 | 09:28
0
Những cô gái lầm lỡ trong tình yêu thường tìm đến nhà tạm lánh Mai Tiến để sinh con. Nhờ sự đùm bọc của mọi người, họ dần quên đi thương tổn và trưởng thành nhờ tình thương, lòng nhân ái.

Nữ sinh viên tìm nơi gửi con

Tôi đã từng hơn một lần nghĩ đến việc tìm hiểu về những số phận nơi nhà tạm lánh Mai Tiến (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhưng khó hình dung mình sẽ bắt đầu bằng cách nào. Đơn giản, những người phụ nữ bị tổn thương trong tình yêu chọn vào nhà tạm lánh nghĩa là không muốn vết thương thêm vết cào xước.

Tình thương - Nhà tạm lánh ấm áp của những cô gái lầm lỡ không nơi nương tựa

 Cha Nguyễn Văn Tịch, người cha nhân ái của nhiều cô gái lầm lỡ.

Lần đầu vào nhà tạm lánh, tôi nói chuyện với Ngô Thị Thanh Thư (21 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh), một cô gái trẻ khá cởi mở và nhanh nhẹn, nhìn có vẻ “hiện đại” hơn những người người còn lại. Chính tôi, thoạt nhìn cũng không nghĩ rằng, Thư đã trải qua một cú sốc của số phận.

Thư kể từ nhỏ, cô đã được gia đình chăm sóc và quan tâm hết mực. Lớn lên, Thư học giỏi có tiếng, luôn là niềm tự hào của bố mẹ và bao người ở quê. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thư đậu vào một trường đại học có tiếng ở TP.HCM. Như bao cô sinh viên khác, Thư nhập học trong niềm hân hoan với bao dự định về tương lai tươi sáng phía trước.

Nữ sinh viên nhớ lại: “Gần cuối năm thứ nhất, em quen và yêu một bạn học cùng trường. Chúng em đều từ những nơi khác vào TP.HCM học, lại là tình yêu đầu nên hai đứa cũng hạnh phúc lắm. Chia sẻ, động viên nhau và giúp đỡ nhau nhiều trong cuộc sống và học tập. Em cảm nhận được tình yêu chân thành, sâu sắc của bạn ấy.”

Rồi cũng như bao bạn trẻ, cả hai không vượt qua được sự thu hút, khát khao gần gũi. Thư dính bầu khi đang là sinh viên năm thứ 2. Thư bảo: “Em đã vô cùng hoang mang khi phát hiện chuyện dính bầu, báo cho bạn trai rồi chỉ biết khóc thôi, không nghĩ được điều gì khác. Gia đình em trước giờ nề nếp, em luôn là niềm tự hào của bố mẹ. Giờ biết em thế này, chắc bố mẹ em sốc không chịu được”.

Tình thương - Nhà tạm lánh ấm áp của những cô gái lầm lỡ không nơi nương tựa (Hình 2).

 Thư tranh thủ xuống thăm con.

Thư nhớ: “Chúng em tình cờ biết được nhà tạm lánh thông qua một tờ báo. Bạn trai đã động viên, chăm sóc và an ủi em thật nhiều. Đó cũng là động lực chính để em quyết định giữ và sinh con mà không cho cha mẹ biết. Hai đứa lặn lội xuống đây, gặp và được linh mục cho gửi con. Từ đó, hai đứa bắt đầu hành trình chuẩn bị làm cha mẹ trong vô vàn khó khăn”.

Sinh được ba hôm, Thư phải để con lại cho các chị ở nhà tạm lánh hỗ trợ nuôi nấng,  Thư và người yêu lên trường tiếp tục việc học. Cô sợ nghỉ lâu, nhà trường sẽ thông báo về nhà, mọi chuyện rắc rối thêm.

"Có hôm, hai đứa nhìn nhau khóc khi nghĩ đến cảnh con mình đang thèm sữa nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng chứ biết làm sao. Giờ, mỗi tuần hai đứa xuống thăm con một lần. Nhìn con lớn lên hàng ngày cũng cảm thấy yên tâm phần nào, còn chuyện đối diện với gia đình, em cũng chưa nghĩ được sẽ ra sao”, Thư bộc bạch.

Mái nhà của những tâm hồn thương tổn

Không may mắn như Thư, Nguyễn Ngọc Mai (21 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng) không có người thân yêu bên cạnh lúc "vượt cạn". Mai kể, Mai sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái, Mai là con đầu nên mọi việc trong nhà do một tay Mai đảm trách.

“Gia đình em làm rẫy, nhà nghèo nên em chỉ học hết cấp 2 rồi phải nghỉ học để phụ ba mẹ. Nhà em có đất rộng, ba mẹ xây một cái chòi nhỏ để cả nhà thay nhau vào đó làm rẫy luôn. Em từ năm 14 tuổi đã vào đây thường xuyên, cứ đến mùa thu hoạch là em với ba mẹ vào, mấy đứa em ở nhà vừa đi học vừa trông nhà”, Mai trải lòng.

Những năm tháng tuổi trẻ mải miết với nương rẫy, ngay cả việc đi chợ hay mua đồ cũng là điều xa xỉ với Mai nên cô có quá ít quan hệ bạn bè. Kể đến đây, Mai cúi đầu bẽn lẽn: “Em hơn 20 tuổi vẫn chưa biết yêu là gì, cứ đi làm rẫy suốt nên ít gặp ai. Với lại, em cũng không đẹp để ai đó gặp một lần rồi nhớ mãi. Em cũng hiểu điều đó, nhiều khi thấy các em gái em lớn lên, được học cấp 3 rồi có người yêu em cũng ước ao lắm. Nhưng rồi lại lao vào làm, miết rồi không biết đến việc yêu đương”.

Cách đây 2 năm, Mai còn nhớ như in: “Em nhớ mãi ngày 7/1/2015, đó là ngày em gặp anh Sơn. Anh Sơn là dân lái xe, khi vào rẫy nhà em để thu mua trái cây và hàng hóa mới gặp em”. Hôm đó ngày đầu năm, mới tết ra nên cũng ít người đi mua hàng. Ba mẹ của Mai để mình Mai ở lán trong rẫy, chủ của Sơn có ít hàng nên nói Sơn vào chở hàng ra chợ bán.

Mai thành thật chia sẻ: “Lúc đầu, em cũng không có ấn tưởng gì với anh Sơn, do anh Sơn chủ động bắt chuyện. Anh Sơn người gốc Thanh Hóa, nghe nói anh vào Đồng Nai làm ăn lâu rồi. Anh nói với em do cuộc sống rày đây mai đó nên dù đã 35 tuổi nhưng anh nói chưa vợ, và em tin”. Sau đó, Sơn xin số điện thoại của Mai. Sơn lấy lý do là có việc gì liên quan đến mua bán thì gọi cho tiện. Mai vui vẻ cho số điện thoại.

Mấy ngày sau, Mai nhận được tin nhắn Sơn hỏi thăm mùa màng, trái cây bán đắt rẻ ra sao. Mai cũng chỉ nghĩ đơn giản Sơn hỏi thăm nên đã nhanh chóng trả lời. Những tin nhắn trao đổi qua lại dần dần dày hơn. Mai ngại ngần chia sẻ: “Lúc đầu, em nghĩ anh ấy hỏi thăm bình thường. Dần dần chính em lại mong anh ấy nhắn tin, cứ ngày nào không có tin nhắn anh ấy hỏi thăm em lại buồn”.

Tình cảm cứ thế lớn dần, sau 2 tháng quen biết Sơn đã ngỏ lời yêu Mai, và Mai gật đầu đồng ý. Sơn cứ lén lút hẹn Mai trong rẫy, ngủ luôn ở đó đến hôm sau mới về. Mai buồn bã nhớ lại: “Anh Sơn nói với em, trước sau gì cũng là của nhau nên việc đó là bình thường. Em cũng yêu anh ấy, nên thực sự rất muốn được anh ấy cưới. Em chẳng nghĩ gì nhiều, cứ luôn nghĩ sẽ lấy nhau”.

Hơn một năm yêu nhau, một ngày Mai thấy mình có biểu hiện lạ như không có kinh nguyệt và buồn nôn. Mai nghi mình có bầu nên âm thầm mua que thử thai. Biết mình có thai, Mai vừa sợ vừa mừng. Cuộc đời không như Mai nghĩ, Sơn đã cao chạy xa bay khi nghe tin Mai có thai qua điện thoại.

Kể đến đây, Mai bật khóc: “Hôm đó, em đi ra thị trấn một mình, mua que thử thai xong, em vào một cái quán cà phê, xin họ đi vệ sinh và thử. Khi biết mình có thai, em gọi ngay cho anh Sơn, anh ấy im lặng một lúc rồi nói, em cứ về nhà, anh đi làm xong tối nói chuyện.

Em đi về nhà, chờ anh ấy điện thoại nhưng không thấy cuộc gọi nào. Em nóng lòng gọi lại thì số máy anh ấy không liên lạc được, em hoảng sợ không ngủ được. Sáng hôm sau em gọi cho bà chủ nơi anh ấy làm, bà ấy nói Sơn có việc gấp đã về quê. Em thăm dò mới biết anh ấy có vợ và 2 con ngoài quê, nghe đến đó em chết lặng”. 

Mai nghẹn ngào nói: “Nơi em ở toàn người bắc, gia đình em cũng người bắc nên có phần phong kiến. Em từ nhỏ ngoan ngoãn, chưa mất lòng ai, cũng không thấy có người yêu mà giờ mang bầu, em sợ quá nên không dám nói”. Khi cái thai được 4 tháng tuổi, Mai kể cho em gái nghe. Em gái Mai quá thương chị nên bàn cách cứu nguy cho Mai. Em gái Mai có đọc trên mạng biết “Nhà tạm lánh” của cha Tịch nên đã liên hệ và xin cho Mai vào ở.

Mai nói: “Em và em gái phải giả vờ xin ba mẹ lên Sài Gòn làm kiếm tiền, nói có công ty tuyển công nhân lương cao nên ba mẹ cho đi . Em vào xin cha Tịch cho tá túc. Bây giờ, em đã sinh được con trai mới 7 ngày, chỉ có em gái em biết, ba mẹ em vẫn chưa biết gì. Em định khi nào con lớn chút, em đi làm có kinh tế rồi báo ba mẹ em sau, chứ giờ em chưa đủ can đảm”.

Cha Nguyễn Văn Tịch, người mở “Nhà tạm lánh” dành cho các cô gái lầm lỡ chia sẻ: “Trong ngôi nhà tạm lánh, những cô gái lầm lỡ đến đây đều có hoàn cảnh đáng thương. Nếu nghe hết những lời tâm sự thì ai cũng thấy đau lòng. Tôi đã thấu hiểu những nỗi niềm ấy nên chỉ muốn cố gắng hết sức mình để có thể chia sẻ bớt phần nào với những vất vả đó. Tôi chỉ mong đừng có ai phải gọi cho tôi để cầu cứu, nhưng có lẽ thật khó khăn. Tôi mong các cô gái không may lầm lỡ hãy vì con, vì cuộc sống tương lai đang chờ phía trước mà cố gắng mà vươn lên trong cuộc sống”.

Tô Hương Sen

Cùng tác giả

Lòng bao dung của cha mẹ "cải tạo" cuộc đời đứa con trai sa ngã

Thứ 2, 24/09/2018 | 10:33
Nghe bạn kể anh B. nói không thích mình, Hiếu sinh ra bực tức nên dùng dao đâm anh B. tử vong. Trả giá cho sự nóng giận nhất thời, Hiếu vùi chôn tương lai trong lao tù. Được sự động viên của cha mẹ, Hiếu cố gắng cải tạo tốt để sớm làm lại cuộc đời.

Chuyện đàn bà: Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần có một bờ vai

Thứ 4, 12/09/2018 | 21:00
Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu vẫn cần một người đàn ông song hành sẻ chia.

Chuyện đàn bà: Có tài thường cô độc

Thứ 7, 08/09/2018 | 20:00
Vốn dĩ thói thường là vậy, đàn ông có tài lắm người theo, đàn bà có tài thường cô độc.

Sự hối hận của phạm nhân có nhiều tiền án

Thứ 4, 29/08/2018 | 13:30
Lười lao động, Long sinh ra trộm cắp và liên tiếp đi tù. Lần thứ ba thụ án, nam phạm nhân thấy hối hận khi biết người thân không thể che chở, bảo bọc mãi.

Sự hối hận của người đàn bà buôn "cái chết trắng" vì làm ăn thua lỗ

Thứ 7, 25/08/2018 | 09:13
Làm ăn thua lỗ, Hương nhiều lần cầm cố tài sản, vay mượn lãi cao để tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, khi mọi nỗ lực đều bất thành, trước tình cảnh vỡ nợ, muốn lấy lại vốn, nữ phạm nhân đã tìm đến con đường buôn ma túy.