Chuyện kể trên những đồi chè
Để hiểu rõ hơn về lịch sử của cây chè trên cao nguyên Mộc Châu, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Đức Vinh, tiểu khu 40, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ông Vinh là một trong số gần 1.700 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 tình nguyện ở lại cao nguyên này để xây dựng Nông trường quân đội, tiền thân của thị trấn Nông trường Mộc Châu ngày nay.
Đã bước sang tuổi 86 nhưng ông Vinh vẫn còn minh mẫn và nhớ như in ngày bắt đầu khai hoang, mở đất trồng cây, cũng là ngày thành lập Nông trường Quân đội 8/4/1958. Ông Vinh kể: Ngày đó, cao nguyên còn là đồng hoang, cỏ dại, cây cối um tùm, khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa đông, giá rét, sương mù khiến cho việc khai hoang mở đất vô cùng khó khăn, bởi tất cả đều làm bằng dụng cụ thô sơ. Cùng với khai hoang trồng ngô, sắn, Nông trường thử nghiệm trồng cây chè. Ngày đó, chè được đào hố, trồng bằng hạt, sau một thời gian, khi những mầm chè đầu tiên vươn lên, ai cũng vui mừng.
Nông dân xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu thu hái chè.
Cách nhà ông Vinh không xa là gia đình ông Nguyễn Xuân Bình, năm nay đã 89 tuổi, nhưng khi kể về kỷ niệm những ngày đầu đến với cao nguyên Mộc Châu và lần được gặp Bác Hồ, giọng ông Bình vẫn rất say sưa: Sau một năm thành lập, cán bộ, chiến sĩ Nông trường lại được đón Bác Hồ đến thăm và động viên. Đó là ngày 8/5/1959, Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ của Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm các đội sản xuất, nói chuyện và dặn dò cán bộ, chiến sĩ Nông trường. Tại đây, Bác đã ghi vào sổ truyền thống của Nông trường 16 chữ vàng “Luôn luôn cố gắng; Khắc phục khó khăn; Tiến lên thật hăng; Làm tròn nhiệm vụ”.
Vâng lời Bác dạy, các thế hệ nối tiếp nhau cùng đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng Nông trường ngày càng phát triển. Sau một thời gian tìm tòi thử nghiệm, cùng với chăn nuôi bò sữa, Nông trường quyết định lựa chọn phát triển cây chè là hướng đi lâu dài. Từ đó, diện tích chè tiếp tục mở rộng theo từng năm, trong đó được trồng nhiều nhất là ở thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Chiềng Sơn, Tân Lập, Phiêng Luông...
Sau khi Nông trường Quân đội đổi thành Nông trường quốc doanh Mộc Châu, trải qua nhiều năm, đến nay đã được chuyển đổi và chia tách làm nhiều doanh nghiệp với nhiều ngành nghề khác nhau, gồm: Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Mộc Châu; Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu; Công ty dâu tằm tơ Mộc Châu...
Cây trồng chủ lực trên cao nguyên
Là cây trồng lâu đời trên cao nguyên Mộc Châu, trải qua thăng trầm, giá trị của cây chè có lúc lên, lúc xuống, nhưng công bằng mà nói, cây chè vẫn là cây chủ lực, giúp hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè.
Sinh ra và lớn lên với cây chè, trong đó có hơn 30 năm theo nghiệp trồng chè, ông Vũ Tiến Đương, tiểu khu Chè Đen 2, thị trấn Nông trường là người hiểu và trân quý giá trị mà cây chè mang lại với người dân nơi đây. Ông Đương cho biết: Cây chè là cây trồng lâu năm giúp gia đình tôi và hàng nghìn hộ trồng chè ở thị trấn Nông trường có cuộc sống ổn định như hôm nay.
Đồi chè tại thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Đến xã biên giới Chiềng Sơn đúng thời điểm thu hái vụ chè xuân, ấn tượng với những đồi chè xanh bát ngát trải dài, bên cạnh những vườn cây trái đang bung hoa. Tuy trồng sau, nhưng cây chè ở Chiềng Sơn cũng có “tuổi đời” hơn 50 năm. Ưu thế về đất đai, khí hậu phù hợp với cây chè, cùng những kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật mới trong trồng, chăm bón và chế biến đã từng bước khẳng định được chỗ đứng của cây chè. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, cho biết: Từ ngày có Công ty cổ phần chè Chiềng Ve liên kết với các hộ dân, cây chè phát triển nhanh và bền vững. Toàn xã có gần 340 ha chè; tổng sản lượng chè búp tươi đạt gần 5.000 tấn, bình quân cho thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm. Cây chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của xã biên giới này, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đời sống của bà con ngày càng ổn định và phát triển.
Tập trung phát triển trồng chè, đến nay, Mộc Châu có trên 2.100 ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 25.800 tấn. Hiện có 13 công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến chè búp tươi, với công suất khoảng 300 tấn/ngày. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 hộ dân vùng nguyên liệu, ngoài ra còn khoảng 600 người lao động thường xuyên trong các công ty, doanh nghiệp.
Năng động và đổi mới
Tiền thân từ Nông trường Quân đội, trải qua nhiều lần đổi tên, Vinatea Mộc Châu đã và đang có những bước phát triển mới, khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hiện nay, Vinatea Mộc Châu có 551 ha chè nguyên liệu, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 12.000 tấn, sản xuất 2.500 tấn chè thành phẩm. Từ lâu, Vinatea Mộc Châu được biết đến với những sản phẩm chè nổi bật, như: chè Ôlong, chè Pekoe, chè Pouchung, chè Vân Sơn... 90% số sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan...
Cán bộ kỹ thuật Vinatea Mộc Châu hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc chè.
Ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng Giám đốc Vinatea, cho biết: Với mong muốn các sản phẩm chè mang thương hiệu Vinatea Mộc Châu trở thành niềm tự hào của ngành chè Việt Nam. Vinatea Mộc Châu đã thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Công ty đã cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ cho toàn bộ 1.952 hộ làm chè. Hai năm vừa qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến giá thành, chi phí xuất khẩu tăng cao, Công ty vẫn đảm bảo giá thu mua cho người trồng chè với giá trung bình trên 5.000 đồng/kg chè búp tươi để người dân tái sản xuất, duy trì vùng nguyên liệu.
Công ty cổ phần chè Chiềng Ve Mộc Châu, với hơn 50 năm kinh nghiệm đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường. Chất lượng và hình thức sản phẩm không ngừng được quan tâm, cải tiến nhằm mở rộng đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho những hộ dân trồng chè. Công ty chú trọng chất lượng sản phẩm thông qua việc quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình; không ngừng đổi mới mẫu mã sản phẩm, tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, duy trì và nâng giá thu mua chè búp tươi cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty cổ phần chè Chiềng Ve, chia sẻ: Muốn chất lượng chè đảm bảo, phải quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình trồng và chế biến; quy hoạch và hình thành vùng nguyên liệu chè ổn định, đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến của nhà máy. Hiện nay, 95% sản lượng chè thành phẩm của doanh nghiệp đều đã được xuất khẩu sang Afghanistan, Lào, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tính riêng năm 2021, Công ty đã xuất khẩu 600 tấn chè, doanh thu 33 tỷ đồng.
Chế biến chè tại Công ty cổ phần chè Chiềng Ve.
Ngoài thương hiệu chè shan tuyết của Vinatea Mộc Châu, Công ty cổ phần chè Chiềng Ve, thì không thể không nhắc đến thương hiệu chè Ô long của Công ty TNHH chè Mộc Sương với 3 sản phẩm chè Ô long đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Phú Hậu, Phó Giám đốc Công ty, chia sẻ: Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm từ cây chè tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu, phát triển thêm thị trường trong nước, tạo công ăn việc làm cho lao động là người địa phương, tăng thu nhập người lao động, cung cấp các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Đến nay, Công ty đã xây dựng được vùng chè nguyên liệu với diện tích hơn 80 ha giống chè Ô long nhập từ Đài Loan. Bình quân hàng năm, Công ty cung cấp ra thị trường 25-30 tấn trà Ô long các loại, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Khó có thể kể hết sự năng động của các công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh chè, mỗi đơn vị đều có định hướng, cách làm riêng để phát huy giá trị cây chè, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người trồng chè, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên Mộc Châu.