Chấn chỉnh tình trạng thu hồi đất 'tùy tiện'

Chấn chỉnh tình trạng thu hồi đất 'tùy tiện'

Thứ 6, 27/09/2013 | 08:56
0
Hôm qua (26/9), tiếp tục chương trình làm việc, các Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý như về thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, xử lý sai phạm về đất đai…

“Chặn” tình trạng thu hồi tùy tiện

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, các quy định về thu hồi đất trong Dự thảo Luật vẫn còn nhiều bất cập, cần bổ sung. Cụ thể, diện thu hồi đất bằng cơ chế hành chính vẫn còn quá rộng. Thêm nữa, khái niệm thu hồi đất cho một số “dự án phát triển kinh tế, xã hội” dễ bị lợi dụng, cần phải được cụ thể hóa ngay trong Luật (mà không giao cho Chính phủ quy định).

Thừa nhận thực tế khó tìm được sự đồng thuận 100% ở người dân có đất bị thu hồi trong một dự án, gây khó khăn cho chủ đầu tư khiến dự án bị chậm tiến độ, bà Lê Thị Nga cho rằng, nhà đầu tư thường không thích cơ chế tự thỏa thuận với dân, vì cũng có trường hợp việc thỏa thuận kéo dài, ách tắc. Vậy thì cần có quy định với dự án đền bù giải phóng mặt bằng đã được sự đồng thuận của 70 – 80% số hộ có đất thì 20% còn lại cũng phải di dời.

Trước băn khoăn của một số đại biểu (ĐB) nếu không quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định sẽ xem xét lại một số khoản, mục tại Điều 62 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để hạn chế tình trạng nói trên.

Đề cập tình trạng khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai diễn biến phức tạp làm mất thời gian của các cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong thời gian qua, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do Luật Đất đai hiện hành chưa quy định thật cụ thể về thu hồi đất, giá đất không hợp lý, lợi ích giữa nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi còn chênh lệch quá nhiều.

“Tôi đồng tình là việc thu hồi đất được quy định trong Hiến pháp một cách tổng thể, còn Luật Đất đai sửa đổi sẽ quy định cụ thể về từng trường hợp thu hồi đất” - ông Vinh nói. Cũng theo ĐB Vinh, có ý kiến cho rằng Dự luật vẫn nghiêng về tạo thuận lợi cho nhà quản lý và nhà đầu tư mà “nhẹ” về đảm bảo quyền lợi của dân; phải giải tỏa được tâm lý này mới an dân.

Đừng để người dân bức xúc vì dự án “treo”

ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) ghi nhận những tiếp thu, chỉnh lý Dự luật so với Dự thảo được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội trước nhưng ông cho rằng “vẫn chưa triệt để”. ĐB Hương đề nghị bổ sung cả những trường hợp đất bị sụt lún, những trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, thời tiết bất thường khác, có nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn của con người. “Các trường hợp thu hồi đất này không có yếu tố lỗi của Nhà nước, không có yếu tố lỗi của người sử dụng đất, nhưng khi xảy ra thì bà con ở những vùng núi, khó khăn cũng cần được bồi thường và cần được hỗ trợ để ổn định đời sống”.

Liên quan đến trường hợp đất bị thu hồi do quá trình sử dụng vi phạm pháp luật về đất đai, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phản ánh về thực tế có rất nhiều dự án khu sinh thái, khu du lịch rộ lên một thời, đã được xây dựng dang dở. Thu hồi đất này có đền bù những tài sản trên đất đã xây dựng không?. Không đền bù thì vi phạm quyền tài sản của nhà đầu tư, mà đền thì chi phí rất lớn, lấy ở đâu ra? – ĐB Sinh hỏi.

Quan tâm đặc biệt đến quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch, ĐB Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp chỉ ra thực tế: “Có hàng triệu hộ dân trong vùng quy hoạch thì quyền sử dụng đất của họ đến đâu, trong khi có dự án treo hàng chục năm, thậm chí cả đời người. Đây là vấn đề rất bức xúc”. Mặc dù đã thấy “thấp thoáng” trong quy định tại Điều 49 Dự thảo Luật nhưng theo ĐB Đương vẫn chưa rõ.

Ghi nhận ý kiến ĐB Đương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần quy định làm sao vừa đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch nhưng cũng ngăn chặn tình trạng lợi dụng để trục lợi tiền đền bù... Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 21,  báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, không quy định các dự án khác tại Khoản 1 Điều 63 để hạn chế tùy tiện trong việc thu hồi đất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý  theo hướng quy định cụ thể một số dự án, công trình thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội; bổ sung quy định việc thu hồi đất phải được HĐND cấp tỉnh thông qua đối với các dự án, công trình xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, khai thác khoáng sản quy mô lớn, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung.

Theo Thu Hằng (Pháp luật Việt Nam)

 

Thủ tướng có ý kiến về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng

Chủ nhật, 04/08/2013 | 08:09
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kết luận và kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý đất đại tại Đà Nẵng.

Bỏ hòa giải tranh chấp đất đai

Thứ 5, 27/06/2013 | 14:16
Nhiều ý kiến cho rằng hòa giải tranh chấp đất đai nhằm tạo điều kiện cho người dân thương lượng, Tòa án đỡ áp lực; còn ý kiến khác lại đề nghị nên bỏ để "bớt đi một thủ tục hành chính”.

Những vụ cưỡng chế đất đai 'từ trên trời rơi xuống'

Thứ 2, 10/06/2013 | 08:29
Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 60- 70% đơn thư khiếu kiện của người dân hiện nay liên quan đến đất đai, cho dù thị trường bất động sản đã “ngủ đông” nhiều tháng nay.

Hội Luật gia tọa đàm góp ý xây dựng Luật Đất đai sửa đổi

Thứ 7, 11/05/2013 | 15:03
Mới đây, tại Hà Nội, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý kiến xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Truy bắt giám đốc tư vấn đất đai chiếm đoạt tiền

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
Công an quận Thanh Xuân đang truy bắt một vị giám đốc làm dịch vụ tư vấn chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai để chiếm đoạt tiền.

Không thanh tra lại sai phạm đất đai ở Đà Nẵng

Thứ 4, 30/01/2013 | 08:45
Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam khẳng định, việc thanh tra lại chỉ tiến hành với kết luận thanh tra của các bộ, tỉnh. Khi Thanh tra Chính phủ kết luận thì không thanh tra lại.