Chê trách Mỹ, Iraq "khoe khoang" sắp mua S-400: Chắc gì Nga sẽ bán?

Chê trách Mỹ, Iraq "khoe khoang" sắp mua S-400: Chắc gì Nga sẽ bán?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 13/01/2020 19:00

Mua S-400 sẽ là một quyết định mang ý nghĩa chiến lược địa chính trị quan trọng mà Iraq sẽ phải cân nhắc. Trong khi đó, Nga chưa hề cho thấy khả năng sẽ bán hệ thống phòng không tối tân của mình cho Baghdad.

Tiêu điểm - Chê trách Mỹ, Iraq 'khoe khoang' sắp mua S-400: Chắc gì Nga sẽ bán?

Tương lai sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông đang lung lay.

Trong tuần qua, đã có một loạt thông tin cho rằng Nga đang tìm cách xuất khẩu S-400 sang Iraq giữa bối cảnh mối quan hệ giữa Baghdad và Mỹ âm ỉ những căng thẳng mới.

Trong tuyên bố mới nhất, Karim Elaiwi, thành viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq cũng xác nhận nước này đang cân nhắc mua hệ thống phòng không S-400 tiên tiến của Nga trong bối cảnh lo ngại Mỹ có thể ngừng hỗ trợ Baghdad trong tương lai, theo Wall Street Journal.

“Chúng tôi đang thảo luận với Nga về hệ thống tên lửa S-400 nhưng chưa có hợp đồng nào được ký kết. Chúng tôi cần phải có được những hệ thống này, đặc biệt là khi người Mỹ đã khiến chúng tôi thất vọng nhiều lần vì không giúp có được vũ khí thích hợp”, ông Elaiwi nhấn mạnh.

Với những diễn biến mới nói trên, đã có những câu hỏi về việc phải chăng Nga đang thực sự xúc tiến thương vụ S-400 với Iraq ở thời điểm nhạy cảm như hiện tại?

Iraq muốn mua nhưng Nga vẫn im tiếng

Quyết định ám sát chỉ huy quân sự hàng đầu Iran – tướng Qasem Soleimani - của Tổng thống Donald Trump đã làm lung lay sự hiện diện quân sự trong tương lai của Mỹ ở Trung Đông.

Tình hình lên đến đỉnh điểm sau khi Quốc hội Iraq bỏ phiếu về việc cân nhắc trục xuất quân đội Mỹ khỏi đất nước này.

Không phải ngẫu nhiên khi giới phân tích tin rằng, các đối thủ ngang hàng của Washington sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống quân sự tiềm năng do Mỹ rút khỏi Iraq. Đồng thời, quyết định mua S-400 của Baghdad trong tương lai sẽ gửi một thông điệp rõ ràng về việc tái định hướng địa chính trị của Iraq trong giai đoạn “hậu Soleimani”.

Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy Nga đang thực hiện các bước cụ thể để ký hợp đồng xuất khẩu S-400 với Iraq, theo National Interest.

Chưa có tuyên bố chính thức nào từ Moscow. Tất cả những suy đoán về chủ đề này đều được đưa ra bởi một nhà bình luận quốc phòng nổi tiếng của Nga, ông Igor Korotchenko.

"Iraq là đối tác của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và Liên bang Nga có thể cung cấp nguồn lực cần thiết để đảm bảo chủ quyền của đất nước và bảo vệ không phận một cách đáng tin cậy, bao gồm việc cung cấp tên lửa S-400 và các thành phần khác của hệ thống phòng không”, ông Korotchenko nói với RIA.

Tiêu điểm - Chê trách Mỹ, Iraq 'khoe khoang' sắp mua S-400: Chắc gì Nga sẽ bán? (Hình 2).

Nga chưa có thông báo chính thức nào về thương vụ S-400 với Iraq.

Korotchenko là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong nền báo chí quốc phòng Nga. Ông từng là tổng biên tập ấn phẩm “Quốc Phòng” của Bộ Quốc phòng Nga và là giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Toàn cầu của Nga.

Mặc dù từng nắm giữ nhiều vị trí lớn, cần phải nhấn mạnh rằng Korotchenko không phải là một quan chức chính phủ. Bởi vậy ông không phải là đại diện của Điện Kremlin khi đánh giá về mối quan hệ quốc phòng Nga-Iraq.

Giống như nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực bình luận quốc phòng Nga, Korotchenko coi sự phổ biến toàn cầu của hệ thống S-400 là một lợi ích tích cực; một sự bảo đảm cho chủ quyền quốc gia của nhiều nước, chống lại sự phụ thuộc vào Mỹ/NATO.

Chính lối suy nghĩ này đã khiến Korotchenko từng đề xuất khả năng bán S-400 cho Azerbaijan và Saudi Arabia, hai quốc gia vốn ít bày tỏ sự quan tâm đến việc mua hệ thống phòng thủ của Nga.

Korotchenko cũng là một người ủng hộ thẳng thắn việc cung cấp S-400 cho Iran, một khả năng mà Moscow đã liên tục bác bỏ vì lo ngại về một vòng xoáy leo thang quân sự mới ở Trung Đông.

Nói cách khác, suy đoán của Korotchenko cho rằng Iraq sẽ mua S-400 không nên đánh đồng với kế hoạch cụ thể của Điện Kremlin hoặc Rosoboronexport - cơ quan xuất khẩu vũ khí nhà nước của Nga – trong việc cung cấp hệ thống phòng không này cho Iraq.

Iraq vẫn được biết đến là khách hàng mua các thiết bị quân sự cao cấp của Nga - đáng chú ý nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S - trong quá khứ, nhưng Baghdad hiểu rằng S-400 là vũ khí chiến lược mang ý nghĩa địa chính trị nghiêm trọng đối với các nước láng giềng.

Tất nhiên, không thể nói rằng một hợp đồng mua bán S-400 Iraq và Nga sẽ hoàn toàn không xảy ra, đặc biệt khi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia này vẫn còn đang để ngỏ. Tuy nhiên, rõ ràng khả năng Nga bán S-400 cho Iraq trong thời gian này đang bị thổi phồng quá mức, tờ National Interest kết luận.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.