‘Chết cười’ thuật... nói tránh

‘Chết cười’ thuật... nói tránh

Thứ 3, 14/03/2017 | 10:06
0
Về cơ bản thì việc nói tránh là điều hết sức bình thường. Song, người nghe còn tùy thuộc tình huống để nhận định rạch ròi giữa nghệ thuật và chiêu thức.

Ở một chừng mực nào đó, lời nói tránh đã thể hiện nét văn hóa, sự tế nhị, tính nhân văn, hoặc ẩn dụ yếu tố hài hước mang lại tiếng cười vui vẻ. Tuy nhiên, không ít trường hợp cần nói đúng, nói thật nhưng chủ thể lại... nói tránh hòng lấp liếm hệ quả của sự kiện tai tiếng.

Nói tránh kiểu này thường được ví như “chiêu thức chạy tội”, “chiến thuật đổ lỗi”... khá trơ trẽn khiến dư luận nhiều phen “chết cười”. Còn nhớ trong quá khứ từng xảy ra vụ phát hành văn bản sai thì... nói tránh do lỗi “thằng đánh máy”, mặc dù nội dung văn bản ấy đã được cán bộ lãnh đạo ký duyệt.

Mới đây, bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận đã bị tố bẻ bốn cành hoa mai anh đào khi đi tham quan du lịch một nơi công cộng ở Đà Lạt. Ngay sau đó, bà lên tiếng khẳng định mình không có lỗi, bởi các cành hoa xinh đẹp... xấu số kia là do “em lái xe” bẻ đưa cho bà ôm để “tự sướng”.

Việc bẻ hoa nơi công cộng – theo nhận thức “ngây thơ” của bà Phó Sở, chỉ là “chuyện hết sức nhỏ”, thế mà truyền thông ầm ĩ quy chụp “lỗi hành vi” làm bà... mệt mỏi; ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của một quan chức cấp tỉnh.

Trước những bức xúc của công chúng, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chỉ đạo yêu cầu bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp phải trung thực, công khai xin lỗi một cách cầu thị, thành khẩn trên báo chí và nhóm thanh niên đã trực tiếp góp ý tại hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt.

Và chiều ngày 11/3, bà Phó Sở  đã có thư xin lỗi mọi người, bức thư viết:

Về sự việc bẻ hoa anh đào tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng mà cộng đồng mạng, báo chí đã đưa tin, cũng như thái độ ứng xử với nhóm thanh niên ở hồ Tuyền Lâm và việc tôi đã dùng một số từ ngữ chưa chính xác tại buổi sinh hoạt đầu tuần vào sáng 6.3.2017 của Sở Tư pháp, tôi xin thừa nhận mình đã sai trong sự việc này và rất lấy làm tiếc vì đã gây ra dư luận không tốt trong những ngày qua...”

Sau khi bức thư được đăng tải, lập tức có nhiều ý kiến “lăn tăn” vì cuối cùng vẫn chưa biết đích thị ai là người đã bẻ hoa, bởi toàn bộ nội dung thư xin lỗi không thấy đề cập đến.

Cụ thể, trong câu nhấn “Về sự việc bẻ hoa anh đào” đã viết thiếu chủ ngữ (tôi bẻ, hoặc “em lái xe” bẻ) khiến người đọc... mơ hồ. Thành thử dư luận chưa hài lòng do có sự hoài nghi lẫn “dị ứng” với cách hối lỗi thiếu thành khẩn, tiềm ẩn chiêu thức... nói tránh!

Phàm ở đời chẳng ai chê trách việc nói tránh xuất phát từ lương tâm; cũng như có tầm giống nhà thơ Bút Tre từng nói tránh để mang lại tiếng cười sảng khoái cho quần chúng.

Sơ lược, Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (1911 - 1987), quê quán ở xã Đồng Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Ông đỗ tú tài triết học dưới thời Pháp thuộc, từng viết báo và làm công tác ngoại giao với chức danh Bí thư thứ hai sứ quán Việt Nam tại Rumani. Sau đó ông về làm Trưởng ty (Giám đốc sở) Văn hoá Phú Thọ.

Thơ Bút Tre đa phần được “xuất bản miệng” theo thể thơ lục bát. Điểm độc đáo của dòng thơ này là cách vắt dòng, gãy câu thông minh hoặc nói tránh để người đọc liên tưởng, ví dụ:

Anh đi công tác Pờ-Lây-

Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra.

Bằng bút pháp trào lộng, có khi tác giả còn cố ý “gài” những câu thơ sai vần, lạc vận nhưng chẳng ai dám sửa, như:

Hàng Bông nô nức tiếng đồn

Có cô bán trứng vịt lộn rất to.

Không thể phủ nhận, với những đặc điểm “ngồ ngộ” nên thơ Bút Tre có đất sống và trở thành hiện tượng vui, lạ hiếm thấy trong văn học dân gian. Trở lại vấn đề nói tránh thì dòng thơ Bút Tre cũng... không phải dạng vừa đâu:

Sầm Sơn sóng vỗ dập dồn

Chị em phụ nữ ngửa lưng ra phơi.

Thấy đó, “Khen ai khâu yếm cho mình/ Đường lên, đường xuống ra hình lưng ong”, người con gái được coi là đẹp toàn diện thì không thể thiếu cái lưng ong và đấng mày râu phải biết tôn vinh cái lưng đẹp:

Thu Bồn ngồi cạnh Thu Mai

Thu Mai thích quá sờ vai Thu Bồn

Thu Mai ngồi cạnh Thu Bồn

Thu Bồn phấn khích sờ lưng Thu Mai.

Những câu thơ “tiêu biểu” như vừa nêu chỉ dám khẳng định thuộc dòng thơ Bút Tre, còn chính xác tác giả là ai thì hiện vẫn chưa có tài liệu nào minh chứng thuyết phục. Với mục đích vui là chính, cá nhân người viết vẫn thích nghệ thuật nói tránh kiểu Bút Tre hơn chiêu thức... nói tránh để chạy tội rồi nhận lãnh... gạch đá!

Lệ Hoa

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả