Theo báo cáo từ S&P Global Ratings, số doanh nghiệp toàn cầu vỡ nợ trong tháng 4/2024 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 3/2024 lên mức cao nhất trên cơ sở hàng tháng kể từ tháng 10/2020. Theo báo cáo của S&P vừa công bố, tháng 4/2024 chứng kiến 18 vụ vỡ nợ trên toàn cầu, dẫn đầu là 10 vụ vỡ nợ ở Mỹ trị giá 7,1 tỷ USD, bao gồm sự phá sản của nhà cung cấp công nghệ thông tin ConvergeOne Holdings và nhà bán lẻ thời trang Express Inc.
Theo phân tích của S&P Global Market Intelligence về các vụ phá sản được nộp từ ngày 1/1 đến ngày 30/4, số hồ sơ phá sản của các công ty trong danh mục cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023 và đang trên đà gần bằng kỷ lục đó vào năm 2024.
Các công ty được hỗ trợ bởi vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm cũng chiếm một tỷ lệ lớn bất thường trong số tất cả các vụ phá sản được ghi nhận từ ngày 1/1 đến ngày 30/4, ở mức 16%. Tính trung bình, tỷ lệ hàng năm từ năm 2010 đến năm 2023 là dưới 9%.
Sự kết hợp giữa lạm phát và lãi suất tăng cao tác động đặc biệt khó khăn đến các doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng, hạn chế dòng tiền khi người tiêu dùng ngừng mua hàng, đồng thời khiến các doanh nghiệp phải tái cấp vốn cho khoản nợ hiện tại trở nên đắt đỏ hơn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các vụ phá sản của công ty trong danh mục đầu tư vào năm 2023 và vẫn đứng đầu vào đầu năm 2024.
Theo S&P, trong khi số vụ vỡ nợ toàn cầu tăng hơn gấp đôi thì giá trị nợ lại giảm gần một nửa từ 16,3 tỷ USD xuống 8,6 tỷ USD. Các công ty trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, truyền thông và giải trí dẫn đầu số vụ vỡ nợ trong tháng 4/2024. Cả hai lĩnh vực này đều có nhiều vụ vỡ nợ nhất từ đầu năm đến nay.
S&P lưu ý rằng mặc dù Mỹ dẫn đầu thế giới về số vụ vỡ nợ từ đầu năm đến nay, nhưng con số 15 vụ vỡ nợ kể từ đầu năm 2024 đến nay của châu Âu là mức cao nhất của khu vực này kể từ năm 2008.
HUY NGUYỄN (Theo S&P Global)