Chiếc áo rách của bố và sự no đủ của tôi

Chiếc áo rách của bố và sự no đủ của tôi

Thứ 5, 23/02/2017 | 11:13
0
Đó là lần đầu tiên tôi ôm bố kể từ khi tôi lớn, lần đầu tôi khóc trên vai bố, khi mà mái tóc của bố đã nhuốm bạc từ lâu.

Hôm Hà Nội trở lạnh, bố tôi gọi điện thoại lên nhắc nhớ giữ ấm, bố mới gửi lên cho con một triệu mua lấy cái áo ấm mà mặc. Gác máy rồi nhưng lòng tôi cứ da diết mãi. Tôi đã trưởng thành, đã đi làm 3,4 năm nay nhưng không năm nào bố không gửi tiền cho tôi mua áo ấm.

Tôi năm nay 25. Nghề nghiệp và thu nhập đều ổn định. Gia đình tôi thuần nông chính hiệu, bố tôi làm thợ xây còn mẹ làm công nhân may cho một công ty liên doanh. Sau tôi còn một đứa em nữa đang học lớp 11.

Những ngày còn đi học, tôi chẳng nhớ mình gọi về nhà được mấy lần. Có lẽ là mỗi tháng một lần, và lần nào cũng vì mục đích xin tiền bố mẹ. Bố tôi bị đau thần kinh toạ, làm công việc phải leo trèo và mùa đông không được mặc ấm khiến xương cốt bố không được khoẻ mạnh thế nhưng chưa một lần bố nói với tôi câu nào.

Tin cũ - Chiếc áo rách của bố và sự no đủ của tôi

Tôi là con trai vốn ít nói, bố cũng vậy đâm ra bố con tôi ít tâm sự. (Ảnh minh họa)

Trong mắt tôi, bố là người mẫu mực nhưng nghiêm nghị. Vì thế tôi và bố rất ít khi nói chuyện được với nhau nhiều. Tôi là con trai vốn ít nói, bố cũng vậy đâm ra bố con tôi ít tâm sự. Có chăng chỉ là tôi xin tiền, bố dặn dò học tốt. Mỗi lần gọi về tôi cố nói ngắn gọn. Thế nhưng nói chuyện với bạn gái có thể nói hàng tiếng mà chẳng thấy chút lăn tăn. Những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy mà giờ tôi mới nhận ra vậy đấy.

Tôi học năm 3 thì xin bố mẹ mua một cái xe máy cũ để tiện đi làm. Bố mãi mà chưa gửi tiền làm tôi sốt ruột vô cùng. Hôm về quê để lấy tiền đúng hôm bố tôi đi thi bằng xe máy. Hôm đó bố tôi đội mũ bảo hiểm và đi xe đạp để thi. Nhìn thấy bố tôi thương nhưng không thể làm gì được, cố gắng học tốt để kiếm học bổng. Năm ấy tôi được học bổng xuất sắc. Bố hay tin chạy sang khắp nhà hàng xóm khoe con trai. Nghe giọng bố nói mà tôi thấy bố run run.

Ngày tôi tốt nghiệp, bố lên chụp ảnh cùng tôi. Bố mặc một chiếc áo sơ mi trắng sơ vin với chiếc quần đã bạc màu. Mặc kệ ai có nói bố tôi nghèo nhà quê, tôi vẫn thấy tự hào. Đó là lần đầu tôi thấy bố cười tươi như vậy khi đứng bên tôi.

Tin cũ - Chiếc áo rách của bố và sự no đủ của tôi (Hình 2).

Có lẽ chúng ta đôi lúc mải mê tìm kiếm cơm áo gạo tiền và mải chạy theo những lợi danh mà quên đi bố mẹ chúng ta ngày một già đi. (Ảnh minh họa)

Thời gian sau tôi đi làm, guồng quay công việc khiến tôi quên đi trách nhiệm một người con trong gia đình. Tôi bận rộn với các công trình Nam Bắc, tôi lo lắng cho các dự án làm sao để hoàn hảo nhất có thể. Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền để bố mẹ tôi sớm được hưởng phúc.

Hôm ấy khi về tôi thấy cửa mở, giật mình chạy vội vào phòng thì thấy chiếc áo sơ mi cũ đang vứt giữa giường. Cầm chiếc áo lên tôi mới nhận ra chiếc áo bố tôi mặc sao nhiều chỗ rách quá. Tôi mải mê kiếm tiền mà không để ý đến những điều đơn giản nhất để làm cho bố mẹ. Khi thấy tôi về, bố mang mâm cơm ra vừa cười vừa nói tôi rửa tay ăn cơm. Tôi chạy đến ôm chầm lấy bố và khóc. Đó là lần đầu tiên tôi ôm bố kể từ khi tôi lớn, lần đầu tôi khóc trên vai bố, khi mà mái tóc của bố đã nhuốm bạc từ lâu.

Có lẽ chúng ta đôi lúc mải mê tìm kiếm cơm áo gạo tiền và mải chạy theo những lợi danh mà quên đi bố mẹ chúng ta ngày một già đi. Xã hội phát triển có phải chúng ta cũng đang sống quá vội rồi hay không?

Tạ Quang Chiến/ Tri Thức Trẻ