Chiếc chậu thau đồng và một nền giáo dục

Chiếc chậu thau đồng và một nền giáo dục

Thứ 3, 30/08/2016 | 15:52
0
Có những kỷ vật kể cho chúng ta nghe những câu chuyện cảm động và đầy tính giáo dục về những thế hệ đi trước, nhưng hiện nay, chúng ta lại chỉ nói cho bọn trẻ về giá của những đồ vật trong nhà.

Ông nội tôi mất khi tôi chưa ra đời. Nhưng những gì ông để lại đã gián tiếp kể cho tôi nghe một phần về cuộc đời ông. Năm 11 tuổi, ông tôi bỏ nhà ra đi vì không thể sống với người vợ cả của cụ nội tôi. Ông tôi đến chăn trâu thuê cho một gia đình địa chủ ở Thái Nguyên.

Một ngày, có một đám thợ mộc đến làm nhà cho gia đình địa chủ đó. Họ thấy ông tôi còn quá bé mà rất chăm chỉ và có ý chí thì hỏi quê quán. Biết ông tôi là người cùng Phủ, họ lại càng yêu quý ông tôi hơn. Huyện Ứng Hòa của tôi trước kia tên gọi là Phủ Ứng Thiên thuộc tỉnh Hà Đông. Nghe nói vì dùng chữ Thiên nên phạm thượng phải đổi thành Ứng Hòa.

Sau khi làm xong ngôi nhà cho gia đình địa chủ ở Thái Nguyên, người phó cả đã lấy tiền công chuộc ông tôi và cho đi theo. Từ đó ông tôi trở thành người giúp việc cho đám thợ mộc đó. Ban ngày, ông phó cả dạy ông tôi làm mộc, ban đêm thì lấy than củi viết chữ nho trên những tấm gỗ dạy ông tôi.

Một ngày giáp Tết, ông phó cả sắm một gánh đầy. Một bên là những dụng cụ làm mộc, một bên là gạo nếp đỗ xanh và bảo: “ Con đã theo ta 11 năm rồi. Nghề mộc ta dạy con đã đủ cho con làm nghề. Bây giờ thì con hãy về quê”.

Lần ấy, ông tôi không bỏ đi xa hơn nữa. Ông tôi gánh mọi thứ ông phó cả sắm cho và đi bộ ba ngày liền về quê. Trở về quê, ông tôi bắt đầu cuộc đời của một người thợ mộc. Trong suốt thời gian đi làm mộc thuê cho thiên hạ, ông tôi mơ ước xây được một ngôi nhà.

Đêm đêm, trong ngôi nhà tồi tàn như một chiếc lều vịt, ông tôi đã mơ về ngôi nhà của mình. Suốt mười năm đi làm thuê, hầu như ông tôi không lấy công bằng tiền mặt mà chỉ xin chủ nhà cho mình một khúc gỗ dài ngắn khác nhau tùy theo công của mình. Đêm đêm, ông tôi đục đẽo những khúc gỗ thành từng bộ phận của ngôi nhà theo giấc mơ của mình chính xác một cách tuyệt vời.

Mười năm sau ông tôi dựng lên ngôi nhà mà người thường mơ thấy cả trong những năm tháng đói nghèo tha phương. Một ngôi nhà gỗ mái ngói bảy gian. Đó là một ngôi nhà rất lớn thời đó. Khi cất nhà (ngày nay ta gọi là khánh thành nhà) người anh thúc bá với anh tôi cầm chiếc ba-toong khệnh khạng bước đến đập vào mái nhà ông tôi và nói: “ Chúng bay định xây nhà to hơn người khác à. Rồi chúng bay cũng bán nhà và đi ăn mày thôi. Thớ chúng bay không được ở nhà cao cửa rộng ”.

Ông tôi không nói một câu gì mà chỉ cầm miếng ngói vỡ cài dưới mái nhà nơi ông tôi nằm ngủ. Ông tôi làm vậy để đêm đêm mỗi khi đi ngủ nhìn thấy miếng ngói vỡ mà nhớ đến lời rủa độc của người anh thúc bá để dù chết cũng không bán ngôi nhà.

Đến tuổi 53 thì ông tôi mất. Trước khi mất ông tôi gọi cha tôi đến, chỉ tay lên viên ngói vỡ và nói với cha tôi dù thế nào cũng không được bán ngôi nhà. Cha tôi chỉ biết quỳ bên mép giường ông tôi ứa nước mắt vâng lời. Ông tôi mất khi cha tôi còn rất trẻ. Tất cả những người đàn ông trong gia đình tôi trước thế hệ cha tôi không ai sống được qua tuổi 53. Vì vậy khi đến tuổi 53, cha tôi đã chuẩn bị cho cuộc ra đi cuối cùng của đời người. Cha tôi gọi tôi đến và kể cho tôi cuộc đời của ông nội tôi. Cha tôi nói với tôi dù cuộc đời có thăng trầm thế nào cũng không được bán ngôi nhà.

Bây giờ tôi vẫn giữ ngôi nhà đó và một vài đồ vật của ông nội tôi còn lại. Có nhiều người khuyên tôi phá ngôi nhà ông nội tôi xây để dựng lên một ngôi nhà ba, bốn tầng hiện đại. Nhưng tôi đã chối từ. Không bao giờ tôi phá bỏ ngôi nhà đó. Tôi chỉ sửa chữa và thay những gì hỏng hóc do thời gian. Một trong những đồ vật đó là chiếc chậu thau đồng. Tôi đã mang chiếc chậu thau đồng ra ngôi nhà ở Hà Đông. Đó là một trong những di sản ông bà tôi để lại.

Tin cũ - Chiếc chậu thau đồng và một nền giáo dục

Mỗi kỷ vật đều gắn liền với một câu chuyện ý nghĩa mà thế hệ đi trước để lại, nhiệm vụ của chúng ta là gìn giữ và truyền lại cho con cháu những bài học vô giá ấy.

Chiếc chậu thau đồng này không phải là cổ vật. Mà cho dù nó là cổ vật tôi cũng không bao giờ bán đi cho dù bất cứ giá nào. Bởi đó là di vật của ông nội tôi và hơn nữa chiếc chậu thau đồng đó còn chứa những câu chuyện về gia phong, về giáo dục của một gia đình Việt Nam truyền thống.

Chiếc chậu thau đồng này từ khi có ở gia đình nhà tôi chỉ để dùng cho một việc. Đó là để đựng nước rửa mặt và rửa tay trước khi ăn. Khi còn nhỏ, mỗi bận cha tôi đi công tác về, buổi sáng mẹ tôi thường nhắc chúng tôi “múc nước cho thầy rửa mặt”. Chúng tôi mang chậu thau đồng ra bể nước mưa để lấy nước. Chúng tôi múc từng gáo nước mưa từ bể vào chậu thau đồng và bưng lên hiên nhà trước cửa chính ngôi nhà, đặt bên thành chậu chiếc khăn tay trắng thường xuyên được giặt bằng xà phòng chanh thơm ngát và mời cha ra rửa mặt.

Khi nhà có khách đến chơi, trước bữa ăn, chị em tôi múc nước mưa trong bể vào chiếc thau đồng và bưng lên mời khách rửa tay. Sau bữa ăn, chúng tôi lại thay nước để khách ăn xong thì lau miệng, rửa tay và dùng trà ở nhà trên. Sau khi dùng xong, chúng tôi lại cất chiếc thau đồng ở nhà trên chứ không ai được phép dùng vào việc khác. Cứ đôi ba tháng, mẹ lại sai chúng tôi lấy tro bếp và trấu đánh cho chiếc chậu thau đồng sáng bóng lên.

Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, chậu men nhất là chậu men Trung Quốc được dùng rất phổ biến ở miền Bắc. Cưới xin thời ấy người ta thường mua chậu men hoa hồng để làm tặng phẩm. Chậu men hồi đó cũng là một mặt hàng phân phối chứ ít khi thấy bán tự do. Tuy thế gia đình tôi cũng không dùng chậu men để cho cha mẹ và khách đến chơi nghỉ lại hay đến ăn cỗ rửa mặt hay rửa tay mà vẫn chỉ dùng chậu thau đồng.

Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình ở thôn quê chủ yếu dùng nồi, xoong, sanh… bằng đồng chứ rất ít đồ nhôm như bây giờ. Thế rồi đến một ngày, cuộc cách mạng của “ đồ nhôm” tràn đến và người ta dần dần bỏ đồ đồng. Đến nay, những đồ đồng như thế chỉ còn lại ở rất ít gia đình và chủ yếu là của các nhà sưu tập. Chính vì vậy mà tôi đã mang chiếc chậu thau đồng của ông nội tôi ra ngôi nhà ở Hà Đông và đặt ở một nơi trang trọng trong phòng khách. Tôi sợ để ở quê kẻ trộm lấy để bán đồng thì chẳng bao giờ tìm lại được.

Bây giờ, tôi cũng không dùng chậu thau đồng để đựng nước mưa cho khách rửa tay nữa mà giữ lại như một kỷ vật vô giá của gia đình. Đồng thời để nhớ lại một trong những cách giáo dục con cháu trong gia đình. Thi thoảng tôi vẫn kể với các con tôi về chiếc thau đồng này. Khách đến chơi thi thoảng cũng hỏi về chiếc thau đồng. Mỗi lần như thế, tôi lại kể cho khách nghe lai lịch của nó và đời sống của những gia đình nông thôn trước kia.

Việc múc nước cho ông bà, cha mẹ và khách đến chơi rửa mặt hay rửa tay là một thái độ văn hóa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và lòng hiếu khách của gia đình. Cùng với việc lấy nước cho ông bà, cha mẹ hay khách rửa mặt, rửa tay là việc mời cơm trước khi ăn hay việc lấy tăm cho người lớn tuổi sau khi ăn cơm không bao giờ là việc lỗi thời. Bởi đó là những hành xử văn hóa và tôn ti trật tự trong một gia đình. Khi chúng ta có được thái độ văn hóa và tôn ti trật tự trong gia đình thì chúng ta mới có được những hành động văn hóa tương tự ngoài xã hội.

Ở các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc…những lễ nghi văn hóa như vậy vẫn được bảo tồn và phát triển một cách hết sức kỹ lưỡng và nghiêm túc. Trẻ con trong các gia đình Nhật, Hàn Quốc…mà tôi chứng kiến được dạy dỗ một cách nghiêm túc và khắt khe. Những đứa trẻ đó được tự do trong trình bày chính kiến của mình, tự do trong sáng tạo và có tính độc lập cao nhưng không được phép tự do sống một cách vô ý thức.

Nhưng hiện thực lối sống của những đứa trẻ ở nhiều gia đình Việt Nam hay trong nhà trường cũng như ngoài xã hội đã và đang gửi tới cho những người lớn chúng ta lời cảnh báo. Trước hết, lỗi đó thuộc về người lớn chúng ta. Chúng ta đã bỏ qua những đòi hỏi nghiêm minh đối với những đứa trẻ trong lối sống của chúng. Chúng ta đã để con cái sống quá tùy tiện. Chính vậy mà ngày nay, chúng ta đã phải chứng kiến quá nhiều chuyện đau lòng và khó tưởng tượng nổi do những đứa trẻ gây ra.

Trong ngôi nhà của nhiều nước tôi đến cho dù đó là những nước văn minh và giàu có, họ luôn có những kỷ vật hoặc các bức ảnh của những người thân yêu trong gia đình. Mỗi kỷ vật hoặc những bức ảnh ấy kể lại cho những thế hệ sau của gia đình những câu chuyện cảm động và đẹp đẽ đầy tính giáo dục về những thế hệ đi trước. Còn trong hầu hết những ngôi nhà của chúng ta hiện nay là tràn ngập những đồ dùng mà chúng ta chỉ có thể nói với những đứa trẻ về giá mà chúng ta đã mua chúng. Vì thế, vô tình hãy hữu ý, trong mỗi lời nói của chúng ta chứa đầy tính vật chất và thực dụng.

Lê Thị Trang