Theo Responsiblestatecraft, chính sách của Mỹ đối với Syria có thể làm khó khăn thêm đời sống của thường dân Syria đồng thời làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đụng độ giữa Iran và Israel ở Syria. Mỹ không thể loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad nhưng chính sách của Mỹ sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của nhà lãnh đạo Syria vào Nga và Iran, những nước có ảnh hưởng ở Syria tới việc Mỹ tìm cách quay trở lại mảnh đất Trung Đông này.
Nếu không thay đổi, các biện pháp trừng phạt sâu rộng của Mỹ đối với Syria cũng như đối với các quốc gia và nhóm nhân đạo đang tìm cách trợ giúp người dân sẽ đẩy quốc gia Trung Đông này đến chỗ sụp đổ.
Chính quyền Tổng thống Assad vẫn sẽ kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria, nhưng phần còn lại của đất nước sẽ bị phân chia cho các thủ lĩnh ở địa phương hoặc các quốc gia bên ngoài và có thể điều này sẽ bất lợi cho người dân nước này.
Điều này sẽ mang lại cơ hội mới cho các phần tử khủng bố, cực đoan như IS trỗi dậy. Đồng thời, điều này cũng gây nên làn sóng bạo lực bên ngoài biên giới Syria và gây ra những làn sóng di cư liên tiếp mà các nước láng giềng của Syria hơn ai hết sẽ chịu tác động mạnh.
Và không điều nào trong số này phục vụ lợi ích của Mỹ.
Vấn đề lợi ích thực sự của Mỹ ở Syria chỉ được giải quyết tốt nhất thông qua tiếp xúc ngoại giao với Damascus và các đồng minh của quốc gia Trung Đông này. Dù chiến lược này cho đến nay vẫn chưa được xem xét nghiêm túc, nhưng rõ ràng đây là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích của Mỹ mà lại làm giảm bớt những đau khổ do các lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ gây ra cho người dân Damascus.
Một chính sách trừng phạt có thể được đánh giá là thành công hay không hoàn toàn nằm trong mục tiêu mà nó hướng đến. Nếu các biện pháp trừng phạt được thiết lập nhằm tạo ra sự thay đổi chế độ, thì trong trường hợp của Syria, chính sách này sẽ thất bại và khó có thể thành công. Nếu mục tiêu là “đè nén” xã hội Syria và biến nơi đây thành một quốc gia do một chính phủ duy nhất cai trị mà chính phủ này luôn theo đuổi một mục tiêu rõ ràng rằng: đầu hàng nghĩa là sẽ bị tiêu diệt thì chính sách này có thể thành công.
Nhưng thành công này rất có thể phải trả giá bằng sự ổn định của khu vực và số phận đau khổ của người Syria. Tổng thống Assad sẽ vẫn ở lại và Mỹ sẽ chịu áp lực trong việc kiềm chế các lực lượng nổi loạn, gây nhiễu loạn toàn khu vực.
Ở góc độ nhân văn, các lệnh trừng phạt sẽ khiến người dân thường phải chịu tổn hại trước hết.
Do đó, nếu thay đổi chế độ vẫn là mục tiêu chính của Mỹ và việc tạo ra một “vũng lầy” cho Nga vẫn tiếp tục như một mục tiêu thì Mỹ sẽ thành công trong việc khiến tất cả các bên trở nên tồi tệ hơn. Điều này hẳn nhiên không thể coi là tiêu chuẩn cho một chính sách đối ngoại thành công nếu không muốn nói là sự phá hoại.
Dù dùng biện pháp nào để thay thế chính sách trừng phạt của Mỹ cũng phải dựa trên hai mục tiêu có liên quan với nhau. Thứ nhất: Tránh tình trạng khiến Syria thất bại. Nếu nhà nước Syria thất bại, tình trạng di cư sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Ngoài việc khiến người dân bị ảnh hưởng, các nước láng giềng cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề của làn sóng người tị nạn. Mặc dù Mỹ tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của IS ở Syria, nhưng với sự thất bại của nhà nước Trung Đông sẽ biến các vùng của Syria thành trò chơi bảo kê cho các phiến quân nổi loạn.
Thứ hai, cần tránh leo thang căng thẳng giữa Israel và Iran. Cả Iran và Israel đều không tìm kiếm một cuộc chiến. Nhưng trong các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng và phản công, có thể đẩy tình hình vào tình trạng mất kiểm soát.
Tất nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi sự hợp tác của chính phủ Syria và đặc biệt là Nga. Nếu không có hai nước này, Washington sẽ không nhận được những nhượng bộ cần thiết từ Damascus.
Để đảm bảo các mục tiêu này, Mỹ sẽ phải nhượng bộ. Mỹ nên ngừng trừng phạt, mở ra một kênh cho chính quyền Syria và Nga hợp tác.